Giới điện ảnh Việt Nam đề xuất bỏ kiểm duyệt phim

Đăng lúc: 7:15 am, Ngày 27/09/2021

Nhiều đạo diễn đề xuất thay Hội đồng duyệt phim bằng Hội đồng đạo đức điện ảnh, phân loại tác phẩm theo độ tuổi chứ không cấm ra rạp.

Kiểm duyệt phim ảnh là chủ đề trọng tâm trong tọa đàm trực tuyến Ai góp ý giơ tay lên diễn ra chiều 26/9, quy tụ nhiều tên tuổi trong giới. Ngồi ghế Hội đồng duyệt phim quốc gia từ tháng 4, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng khâu kiểm duyệt phim còn bất cập, khiến nhiều tác phẩm bị cấm chiếu hoặc cắt gọt.
 
Chị nêu ví dụ phim Vị - đoạt giải đặc biệt của ban giám khảo hạng mục "Encounters" tại Liên hoan phim Berlin nhưng nhận án phạt 35 triệu đồng vì đi thi khi chưa được cấp phép, sau đó bị cấm chiếu vì cảnh nude kéo dài. Dù có phân loại độ tuổi, phim vẫn bị "khai tử". Chị nói: "Với tôi, cảnh như vậy là vừa đủ, với người khác lại là dài. Trong tiêu chí phân loại phim không ghi cụ thể thời lượng bao lâu là dài nên sự đong đếm dựa theo cảm tính, khiến phim Vị rơi vào kẽ hở". Nữ đạo diễn nhận xét phim có tiếng nói cá nhân độc đáo, nên phổ biến với mục đích học tập, nghiên cứu hoặc trình chiếu hạn chế trong liên hoan.
Cảnh trong phim Vị
 
Đồng Thảo - nhà sản xuất phim - nói êkíp tổn thương sau khi nhận quyết định cấm: "Ngôn ngữ nghệ thuật của đạo diễn Lê Bảo đặc biệt nhưng không dị biệt. Cảnh khỏa thân trong phim có hàm ý nghệ thuật. Lê Bảo đã dành bảy năm với Vị, không ai bỏ ra chừng ấy thời gian để làm một bộ phim dung tục. Lệnh cấm không được quyết định dựa trên các giá trị nghệ thuật. Tôi mong phim có thể được xem xét lại, dán nhãn phân loại độ tuổi, được đi dự các liên hoan phim".
 
Chị cho biết đạo diễn, nhà sản xuất đã bỏ quyền tác giả, quyền sở hữu tác phẩm để Vị trở thành phim sản xuất tại Singapore, từ đó tìm đường đến với công chúng một lần nữa.
 
Phim Ròm may mắn hơn trường hợp trên, được ra rạp cuối năm ngoái sau khi bị phạt 40 triệu đồng vì tham dự Liên hoan phim Busan (Hàn Quốc) mà không có giấy phép. Tuy nhiên, đạo diễn Trần Dũng Thanh Huy cho biết phim bị cắt, sửa nhiều, ảnh hưởng đến nội dung và dụng ý nghệ thuật của tác phẩm. Hội đồng yêu cầu anh chỉnh sửa kết phim tươi sáng hơn, loại bỏ nhiều cảnh của tuyến nhân vật giang hồ, môi giới, khiến khán giả khi xem phim chưng hửng, thắc mắc nội dung.
Cảnh trong phim Ròm
 
Nhiều tác phẩm khác bị yêu cầu cắt nội dung. Chẳng hạn, với Thưa mẹ, con đi, Hội đồng yêu cầu bỏ cảnh nhân vật gây gổ trong đám giỗ, khiến con gà cúng rơi xuống đất, trái phong tục người Việt. Hoặc phim Trái tim quái vật bị cắt nhiều cảnh máu me dù là phim kinh dị.
 
Đạo diễn Hoàng Điệp, Nguyễn Hữu Tuấn, Phan Đăng Di cũng cho rằng Luật Điện ảnh có nhiều khái niệm chưa rõ ràng, cản trở tự do sáng tạo khiến các dòng phim lịch sử, siêu nhiên... không phát triển.
 
Theo các nhà làm phim, ràng buộc kiểm duyệt làm mất nhiều cơ hội hợp tác quốc tế, đồng thời ảnh hưởng đến quyền thưởng thức tác phẩm của người xem. Đạo diễn Trần Anh Hùng kể năm 1999, anh trở về Việt Nam làm phim Mùa hè chiều thẳng đứng, mất tới tám tháng duyệt kịch bản, tốn nhiều thời gian và công sức. Nhiều năm qua, bạn bè khuyên anh tiếp tục về nước làm phim nhưng đạo diễn từ chối. "Luật Điện ảnh quá nặng nề, tôi luôn phải tự hỏi cái này có làm được không, cái kia phù hợp hay chưa. Khi làm phim ở Pháp, tôi thấy thoải mái, tự do, năng lượng sáng tạo dồi dào hơn. Tôi cũng không dám kéo các nhà đầu tư Pháp về Việt Nam vì không thể đảm bảo tác phẩm có thể ra đời trọn vẹn như ý muốn", Trần Anh Hùng nói.
Cảnh trong phim Mùa hè chiều thẳng đứng
 
Phan Đăng Di thừa nhận khi Luật Điện ảnh ra đời năm 2006, giới làm phim không hiểu rõ luật nên bỏ qua chuyện suy ngẫm, góp ý kiến. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nói Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên cởi mở với phim điện ảnh như đang làm với web-drama. Trong buổi trình bày dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/9, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã đưa ra giải pháp nhà phát hành tự kiểm định và chịu trách nhiệm, cơ quan chức năng hậu kiểm với phim chiếu mạng. Hoàng Điệp nói: "Chúng ta mở cửa cho internet nhưng lại bó buộc điện ảnh, trong khi độ phủ sóng của phim chiếu rạp nhỏ hơn rất nhiều".
 
Phan Đăng Di đại diện giới chuyên môn, tổng hợp bản kiến nghị Luật Điện ảnh sửa đổi, cho biết sẽ trình lên Quốc hội trong thời gian sớm nhất. Các đạo diễn đúc rút ý kiến từ thực tiễn, đồng thời tham khảo các bộ luật ở nước ngoài. Họ mong muốn được xóa bỏ các điều cấm liên quan nội dung phim, chuyển thành bộ tiêu chí riêng, đính kèm nghị định hướng dẫn thi hành luật, tránh các khái niệm, từ ngữ mơ hồ, có thể bị suy diễn chủ quan. Bộ tiêu chí áp dụng khi cơ quan quản lý chứng minh được phim hoặc cảnh phim có nguy hại, dựa trên nghiên cứu khoa học.
 
Hội đồng duyệt phim quốc gia chỉ nên phân loại phim theo độ tuổi phù hợp, không cấm phổ biến tác phẩm. Các nhà làm phim cũng đề xuất đổi tên thành Hội đồng đạo đức điện ảnh, gồm các thành viên chủ yếu là những người làm phim, có chuyên môn. Họ cũng đề xuất thành lập thêm hội đồng ở phía Nam, song song hoạt động với tổ chức ở miền Bắc. Hội đồng cần ghi chép, công khai quá trình làm việc, bao gồm kết quả khảo sát, ý kiến các thành viên, căn cứ và cơ sở phân loại tác phẩm... Cục trưởng Điện ảnh chỉ yêu cầu cắt, cấm lưu hành khi chứng minh được các cảnh phim trái pháp luật.
Cảnh phim Thiên linh cái, sau khi cắt gọt đổi tên thành Thất Sớn tâm linh
 
Giới làm phim cũng cho rằng nên thành lập hội đồng riêng, xem xét việc phổ biến phim ở nước ngoài, tách riêng giấy phép phổ biến trong nước và dự liên hoan quốc tế. Ngoài ra, họ đề nghị xây dựng cơ chế khiếu nại minh bạch liên quan cấp và thu hồi giấy phép. Họ cũng mong muốn được tham gia soạn thảo luật.
 
Luật Điện ảnh được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/6//2006. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 18/6/2009. Sau hơn 14 năm thi hành, dự án luật Điện ảnh sửa đổi sẽ được Quốc hội khóa 15 cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, khai mạc cuối tháng 10.
 
Theo VnExpress

Đọc thêm các bài khác