Mưa huy chương, phải chăng sân khấu cũng chạy theo thành tích?

Đăng lúc: 2:51 pm, Ngày 19/01/2022

Bế mạc Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng vì “cơn mưa” huy chương. Và từ chuyện này, có thể thấy rằng sân khấu hiện nay cũng bị “bệnh” chạy theo thành tích đến mức đáng buồn.

Trong một liên hoan (chỉ khu vực TP.HCM) mà có 6 vở huy chương vàng, 5 vở huy chương bạc, và 8 vở huy chương đồng. Giải cá nhân diễn viên thì có 40 huy chương vàng, 46 huy chương bạc, 19 huy chương đồng. Con số cho thấy sân khấu quá “lý tưởng”. Thế nhưng, thực chất có lẽ chỉ chừng phân nửa số lượng này là xứng đáng.
Sân khấu cũng chạy theo thành tích - ảnh 1
 
Tại sao lại rải huy chương nhiều như vậy? Đây là câu chuyện đã kéo dài trong rất nhiều liên hoan trước, và dư luận lên tiếng nhiều nhưng tình trạng vẫn không thay đổi, thậm chí còn “nặng” hơn. Vì thế, tấm huy chương trở nên ít giá trị.
 
Thế nhưng, nó vẫn có “giá trị” ở chỗ: được dùng làm cơ sở để xét phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân. Nhiều nghệ sĩ mong muốn có huy chương, sau đó lại mong muốn được nhận danh hiệu. Tất nhiên, nếu danh hiệu xứng đáng với tài năng thì không có gì phải bàn. Trên thực tế, có người dù vẫn chưa có danh hiệu nhưng ai cũng công nhận xứng đáng ưu tú… đến mấy lần, chẳng hạn như đạo diễn Ái Như. Mặt khác, nếu danh hiệu chỉ đơn thuần căn cứ trên huy chương thì hóa ra nó cũng chỉ là thành tích ảo, bởi nghệ sĩ đó chưa được công chúng chấp nhận, hoặc có thể chỉ chấp nhận ở tầm thấp hơn danh hiệu. Vậy nên, chưa có lúc nào huy chương lẫn nghệ sĩ ưu tú nhiều như lúc này. Ngược lại, nhiều tài năng nhưng không có cơ hội dự thi lại thiệt thòi.
Cảnh trong vở kịch sử Thành Thăng Long thuở ấy
 
Nhớ lại giải Thanh Tâm ngày xưa. Giải không hề có cuộc thi nào, chỉ do các thành viên trong hội đồng thẩm định lặng lẽ đi xem hát trong suốt một năm, rồi bình bầu những nghệ sĩ đạt giải. Chính vì vậy, nghệ sĩ phải ca diễn tử tế quanh năm, bởi đâu biết suất nào có “ông hội đồng” đi coi, nếu mình hát ẩu mà rủi thay trong suất đó có mặt “ổng” thì coi như “tiêu”. Họ bắt buộc phải làm nghề thật hết lòng trong tất cả các vở, các suất. Và cũng có cái hay, là khi diễn họ thoải mái hơn, vì chẳng biết có giám khảo ngồi bên dưới hay không, họ không hề thấy áp lực.
 
Cuối năm, hội đồng giải Thanh Tâm sẽ bình bầu, chọn ra giải cho năm đó. Mỗi năm chỉ vài giải, không nhiều. Năm đầu tiên 1958 chỉ duy nhất nghệ sĩ Thanh Nga. Những năm sau thì có 2, 3, hoặc 4 nghệ sĩ, chỉ năm 1963 có đến 6 nghệ sĩ là đã nhiều. Và chỉ chia ra 2 loại giải: Triển vọng dành cho những nghệ sĩ trẻ chưa có giải lần nào; Xuất sắc dành cho nghệ sĩ đã có giải, nay phát triển hơn. Vì vậy, chỉ cần nghe 2 chữ Thanh Tâm đã đủ giá trị, không cần nói vàng, bạc, đồng chi nữa. Hội đồng thẩm định (hay gọi là ban giám khảo) cũng bớt mệt, vì lịch đi xem rải ra trong năm, họ không bị dồn dập thời gian. Có người chưa chắc ăn thì đi xem lại lần nữa. Như vậy chấm giải rất chính xác. Còn bây giờ, ban giám khảo ngồi xem dồn dập mấy chục vở trong vòng nửa tháng, có ngày xem 2 suất, sức khỏe và tinh thần chắc chắn có ảnh hưởng.
 
Nên chăng có một giải thật xứng đáng và học tập kinh nghiệm của giải Thanh Tâm mà làm. Tuyển chọn càng gắt gao, giải càng có giá trị. Kịch nói lẫn cải lương, hát bội đều có thể góp mặt. Sân khấu cần chất lượng như thế, chứ không nên chạy theo thành tích mà khán giả thì lại quay lưng, thêm buồn!
 
Theo Thanh Niên

Đọc thêm các bài khác