Rosa Luxemburg - Hoa hồng bất tử

Đăng lúc: 3:42 pm, Ngày 03/06/2022

Rosa Luxemburg (1871 - 1919) không chỉ là biểu tượng cho đấu tranh vô sản, mà còn được đề cập như một hình mẫu lịch sử cho đấu tranh vì quyền phụ nữ và bình đẳng giới.

Bà được đánh giá là một nhân vật nổi bật của phong trào xã hội chủ nghĩa cổ điển - một nhà tư tưởng lỗi lạc, nhà hùng biện sắc sảo và nhà lãnh đạo tiên phong của chính nghĩa vô sản. Để giúp nhiều bạn đọc được tiếp cận, tìm hiểu về bà Rosa Luxemburg cũng như có cơ hội được đọc một cuốn sách viết về nhân vật lịch sử có ảnh hưởng lớn tới nhiều lĩnh vực sau này, sáng ngày 23/5/2022, tại Trường Đại học Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm và giới thiệu sách Hoa hồng bất tử: Rosa Luxemburg.
 
Đây là sự kiện do NXB Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Quỹ Rosa Luxemburg khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội, khoa tiếng Đức - Trường Đại học Hà Nội tổ chức nhân dịp ra mắt cuốn sách Hoa hồng bất tử: Rosa Luxemburg. Đến tham dự chương trình có ông Philip Degenhardt - Giám đốc Vùng, Văn phòng Đại diện Quỹ Rosa Luxemburg khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội, bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng Biên tập, Nhà Xuất Bản Phụ nữ Việt Nam; các cán bộ, giảng viên và đông đảo sinh viên Khoa tiếng Đức, Trường Đại học Hà Nội.
Bìa sách Hoa hồng bất tử: Rosa Luxemburg
 
Tham dự buổi tọa đàm, giới thiệu sách với vai trò là diễn giả có TS. Nguyễn Duy Nhiên - Trưởng Khoa Triết học, Đại học Sư Phạm Hà Nội; ThS. Nguyễn Quốc Vương - Nhà nghiên cứu Giáo dục, Lịch sử; bà Nguyễn Hoàng Điệp - Đạo diễn, Nhà sản xuất phim cùng với người điều phối chương trình là Hà Khuất - BookTuber. Tại buổi tọa đàm, giới thiệu sách, các diễn giả đã có những chia sẻ thú vị về nội dung cuốn sách cũng như giao lưu, trao đổi với khách mời với nhiều câu hỏi mang tính chuyên môn sâu.
 
Rosa Luxemburg, sinh ra ở miền đông nam Ba Lan vào ngày 5/3/1871, là người gốc Do Thái và có quốc tịch Đức. Bà là một nhân vật nổi bật của phong trào xã hội chủ nghĩa cổ điển - một nhà tư tưởng lỗi lạc, nhà hùng biện sắc sảo và nhà lãnh đạo tiên phong của chính nghĩa vô sản.  
 
Hoa hồng bất tử: Rosa Luxemburg là cuốn tiểu thuyết lịch sử viết về những cột mốc quan trọng trong cuộc đời và đi sâu vào nội tâm của bà. Tác phẩm cho thấy một Rosa Luxemburg dù cô độc từ thủa nhỏ, bị bạn bè và thầy cô xa lánh, vẫn vươn lên như một cái cây mạnh mẽ và không để bị đốn gục trong phong ba bão táp, nhờ tình yêu thương của gia đình, nhờ vào việc đọc sách và sự chuyên chú học tập để hướng tới tự do. Tư tưởng tự do trong bà bộc lộ từ thời bà còn nhỏ, với những lần định ra tay cứu người bị hành hạ do nạn phân biệt đối xử, viết thư chế nhạo vị hoàng đế của nước Đức khi ông đến thăm thành phố nơi bà đang sinh sống… Tất cả những điều đó đã dần dần tích tụ trong tiềm thức của cô bé Rosa Luxemburg để hình thành một tinh thần phản kháng quyết liệt trước sự phân biệt giai cấp, trước bạo lực và chiến tranh.
Bà Rosa Luxemburg 
 
Không chỉ là biểu tượng cho đấu tranh vô sản, Rosa Luxemburg còn được đề cập như một hình mẫu lịch sử cho đấu tranh vì quyền phụ nữ và bình đẳng giới. Cuộc đời cũng như sự nghiệp đấu tranh vô sản của bà tuy ngắn ngủi nhưng thật rực rỡ. Sau khi bị những tên côn đồ thân phát xít sát hại vào tháng 1/1919, Luxemburg đã được tưởng nhớ như một liệt sĩ cho cuộc cách mạng và là biểu tượng cho những đỉnh cao bi thảm của nước Đức trong thế kỷ 20. Để tưởng nhớ những công lao của bà, Quỹ Rosa Luxemburg (RLS) đã được thành lập vào năm 1990 tại CHLB Đức. Quỹ Rosa Luxemburg (RLS) là một trong sáu Quỹ chính trị tại Cộng hòa liên bang Đức, có nhiệm vụ chủ yếu là giáo dục chính trị vì các mục tiêu phát triển xã hội tiến bộ ở trong và ngoài nước. Quỹ RLS có liên hệ chặt chẽ với Đảng cánh tả của Đức, hay còn gọi là Die Linke. Kể từ khi thành lập năm 1990, công việc chủ yếu của Quỹ gắn liền với di sản của người sáng lập, nhà lãnh đạo xã hội người Đức, bà Rosa Luxemburg. Quỹ cũng đại diện cho các tư tưởng tiên tiến và dân chủ xã hội có trọng tâm là chủ nghĩa quốc tế.
 
Văn phòng tại Hà Nội của Quỹ Rosa Luxemburg có nhiệm vụ hỗ trợ quá trình chuyển đổi và phát triển tại các quốc gia, Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan và My-an-ma trở thành những xã hội kiến tạo, công bằng, và bền vững về sinh thái. Văn phòng Đại diện Quỹ Rosa Luxemburg khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội được thành lập vào năm 2009, hiện đang hợp tác với nhiều tổ chức đối tác khác nhau, bao gồm các viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức phi chính phủ, cơ quan chính phủ, cơ quan quốc hội và các tổ chức nghiên cứu chính sách.
 
Trong buổi tọa đàm, nhiều ý kiến của các diễn giả đã phân tích về cuộc đời và sự nghiệp của Rosa Luxemburg. Theo nhóm tác giả Việt sử kiêu hùng thì gia đình Rosa “nghèo về vật chất nhưng lại giàu có về trí tuệ và tình yêu thương”. Họ tin rằng con người có thể thay đổi số phận bằng sự học, đặc biệt là việc đọc sách. Chia sẻ về điều này, bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam - nói bà “ấn tượng với tinh thần tự học, tự đọc để phát triển tư tưởng cá nhân của Rosa Luxemburg. Khi phát hiện mình mắc chứng bệnh lao xương hông lúc 5 tuổi, Rosa phải nghỉ học tạm thời. Cha mẹ Rosa là người coi trọng việc đọc và giáo dục cho con thói quen đọc ngay từ nhỏ. Được truyền tình yêu sách, trong thời gian học ở nhà, Rosa đã đọc rất nhiều, kể cả những cuốn sách khó. Tuy sức khỏe yếu, cô bé Rosa khi ấy lại luôn có thành tích học tập dẫn đầu lớp. Tinh thần tự học còn khiến Rosa nghĩ rằng con đường tốt nhất để thoát khỏi định kiến là đi du học... Bà là nhân vật tiêu biểu cho nữ quyền, cho phong trào phụ nữ, cho bình đẳng giới và xây dựng một xã hội dân chủ, ở đó mọi người đều có quyền được sống tự do, bình đẳng, bác ái….”.
 
TS Nguyễn Duy Nhiên - Trưởng khoa Triết học, Đại học Sư phạm Hà Nội - đánh giá Rosa Luxemburg sở hữu luồng tư duy đa chiều. Câu chuyện về cuộc đời bà để lại cho độc giả hôm nay nhiều bài học về niềm tin, nghị lực vượt khó, ý chí vươn lên và chiến thắng số phận.
Các diễn giả trong buổi tọa đàm
 
Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương - nhà nghiên cứu giáo dục và lịch sử - cho rằng một trong những yếu tố có ảnh hưởng nhất định đến tư duy của người phụ nữ này là bối cảnh lịch sử, xã hội lúc bấy giờ: “Bà sống trong thời điểm thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai và đầy rẫy sự bất bình đẳng về quyền con người. Rosa Luxemburg là phụ nữ, song lại rất quan tâm đến học vấn và quyền tự do ngôn luận. Từ tiến sĩ trong một ‘tháp ngà khoa học’, bà đi vào đời sống của công nhân và người dân lao động để tiến hành cuộc đấu tranh ngôn luận của mình”.
 
Là đạo diễn và nhà sản xuất phim, khi đọc Hoa hồng bất tử: Rosa Luxemburg, bà Nguyễn Hoàng Điệp nhận thấy đây là một hình tượng phái yếu đã biết mạnh mẽ đứng lên, đấu tranh cho quyền bình đẳng giới: “Cuộc đời Rosa đa sắc màu như một đóa hồng. Tư tưởng của bà đi từ những quyền căn bản nhưng lại mang tính chất giáo dục khai phóng vượt mọi thời đại. Bà đã sống và chết với lý tưởng của mình”.
 
“Trong suốt cuộc đời mình, Rosa Luxemburg đã luôn đối mặt với sự phân biệt đối xử  vì thuộc nhóm thiểu số. Cô là người Do Thái, và mặc dù không có mối liên hệ chặt chẽ với tôn giáo, Rosa Luxemburg luôn bị chủ nghĩa bài Do Thái ảnh hưởng. Chưa từng thực sự kết hôn với ai ngoại trừ một lần kết hôn giả, Rosa đã có một đời sống yêu đương phong phú, một điều bị coi là mang tính khiên khích và mâu thuẫn với quy chuẩn đạo đức đương thời. Rosa Luxemburg có được bằng tiến sĩ vào thời điểm mà phụ nữ hiếm khi học tới đại học. Hơn nữa, cô cũng là một trong số rất ít nữ giới tích cực hoạt động chính trị. Một đặc trưng của thời kì này là định kiến chống lại việc phụ nữ theo đuổi sự  nghiệp bên ngoài gian bếp” -Ông Philip Degenhardt, Trưởng Văn Phòng Quỹ Rosa Luxemburg - Đông Nam Á tại Hà Nội viết trong lời nói đầu của cuốn Hoa hồng bất tử Rosa Luxemburg. Phát biểu trong buổi tọa đàm, ông chia sẻ: “Nước Đức chúng tôi cũng có những nhà tư tưởng lớn, trong đó có bà Rosa Luxemburg người cách đây 150 năm đã có những tư tưởng tuyệt vời vì sự chống chiến tranh. Chính vì thế, chúng tôi đã phối hợp với NXB Phụ nữ để xuất bản cuốn sách này với mong muốn chia sẻ những tư tưởng đó…”.
 
Hồng Vân
 

Đọc thêm các bài khác