Khán giả tẩy chay bộ phim xây dựng méo mó về Marilyn Monroe

Đăng lúc: 8:27 am, Ngày 02/10/2022

Bộ phim tiểu sử về biểu tượng sexy của Hollywood bị hàng loạt khán giả đánh giá “kinh khủng” và “không thể xem nổi”.

Movieweb đưa tin, phim tiểu sử dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Carole Oates vừa ra mắt đã bị một bộ phận lớn người xem lên án, tẩy chay. Blonde do Andrew Dominik đạo diễn và Brad Pitt chịu trách nhiệm sản xuất nhưng chỉ đạt số điểm đánh giá rất thấp trên trang Rotten Tomatoes. 
 
Khắp các diễn đàn, khán giả đồng loạt trích dẫn tuyên bố “Xin đừng biến tôi thành một trò đùa” của Marilyn Monroe trong cuộc phỏng vấn với The New York Times nhiều năm trước. Họ cho rằng, Blonde đã coi bà là một trò hề đúng nghĩa.
 
"Bộ phim thật sự đáng kinh tởm và là nỗi ô nhục đối với di sản mà Marilyn Monroe để lại", tài khoản Twitter @cashmami lên án. Trong khi đó, Steph Herold, một nhà nghiên cứu phê bình điện ảnh, đã đánh giá phim "phân biệt giới tính và bóc lột quá mức".
 
Blonde là một trong những bộ phim tiểu sử bịa đặt, ghê tởm và thiếu tôn trọng nhất mà tôi từng xem. Marilyn Monroe không yếu đuối, cô ấy đứng lên đấu tranh cho quyền công dân, quyền được trả công bình đẳng cho phụ nữ, cô ấy không bao giờ muốn bị coi như một trò đùa hay nô lệ tình dục như vậy”, fan của Marilyn Monroe bức xúc.
Marilyn Monroe đời thực
 
Bên cạnh những lời chỉ trích nặng nề, một bộ phận người xem cũng không quên thừa nhận những điểm tích cực của Blonde. Victoria Fuentes cho rằng phim của Dominik được quay rất đẹp và khen ngợi diễn xuất tự nhiên của  Ana de Armas. Hay trước đó, tài tử Chris Evans từng dành những lời khen có cánh cho nữ đồng nghiệp và tin rằng, Armas rất có thể sẽ thắng giải Oscar với vai diễn này.
 
Dựa trên cuốn tiểu thuyết Blonde năm 2000 của Oates, tác phẩm kể về cuộc đời và sự nghiệp của nữ minh tinh Marilyn Monroe. Câu chuyện bắt nguồn từ thời thơ ấu khó khăn với cái tên Norma Jeane Mortenson cho tới khi bà nổi lên như một biểu tượng Hollywood trong thập niên 50, 60 của thế kỷ trước. Đây là bộ phim đầu tiên trên Netflix bị xếp hạng NC-17 từ Hiệp hội Điện ảnh, với mô tả "chứa đựng một số nội dung khiêu dâm”.
Ana de Armas tái hiện khá tròn hình ảnh Marilyn Monroe
 
Tuy có những tranh cãi ngoài lề, điểm chung của hầu hết ý kiến kết luận Blonde “được làm ra để thỏa mãn nhãn quan nam giới (male gaze)". Họ cho rằng, điều này là hiển nhiên vì Blonde được biên kịch và đạo diễn bởi một người đàn ông. Cụ thể, theo một trang tin tức, nhãn quan nam giới miêu tả cách đàn ông dị tính nhìn phụ nữ theo xu hướng tính dục hóa, thường xuất hiện trong những hình ảnh nghệ thuật thị giác và truyền thông. Phụ nữ không còn là chủ thể mà thay vào đó là vật thể thụ động.
 
Thuật ngữ này lần đầu tiên được sử dụng bởi nhà phê bình nghệ thuật John Berger với tác phẩm Ways of Seeing (1972). Trong đó, ông phân tích thực trạng ngành công nghiệp điện ảnh sử dụng cơ thể phụ nữ như một đồ vật. “Male gaze” sau đó được phổ biến trong lý thuyết phê bình phim và nữ quyền bởi nhà phê bình Laura Mulvey với Visual Pleasure and Narrative Cinema.
 
Bộ phim Blonde bị cho là có cái nhìn phiến diện và sai lệch về Marilyn. Dưới lăng kính của Andrew Dominik, biểu tượng sắc đẹp Mỹ lại hiện lên như một "nô lệ của tình dục” đầy sai trái.
 
"Marilyn Monroe có nhiều khía cạnh thú vị để khai thác nhưng Blonde coi cô ấy đơn thuần là một người phụ nữ không có quyền tự quyết, bị bỏ rơi, lạm dụng, đánh đập, bóc lột và hãm hiếp, tất cả diễn ra ngay trước ống kính... Đây không phải tác phẩm tiểu sử nghệ thuật mà là góc nhìn phiến diện về cuộc đời của người phụ nữ", tờ Collider đánh giá.
 
Trước đó, trong bài phỏng vấn với Variety vào ngày 21/9, diễn viên chính Ana de Armas cũng từng tiết lộ cảm thấy áp lực khi đóng cảnh nóng trong bộ phim mới này. Cô bày tỏ lo sợ một khi bộ phim công chiếu, các cảnh khỏa thân sẽ bị cắt ghép và lan truyền khắp mạng xã hội.
 
Theo Zing

Đọc thêm các bài khác