Ngày 1/4/2025, tỷ phú Lương Hi Sâm - biệt danh "Vua khoai tây" của Trung Quốc - đã qua đời tại Bắc Kinh ở tuổi 71, khép lại cuộc đời kỳ tích của một doanh nhân xuất thân từ tận cùng nghèo khó.
Sinh năm 1953 tại làng Lương Chùy (Sơn Đông), tuổi thơ Hi Sâm là chuỗi ngày cơ cực. Chưa học hết lớp 1, chỉ biết vỏn vẹn 200 chữ, cậu bé 10 tuổi đã phải đi ăn xin. Năm 13 tuổi, ông học nghề rèn và bắt đầu hành trình lập nghiệp từ hai bàn tay trắng.
Bước ngoặt đến năm 1996 khi ông mạo hiểm tiếp quản dự án biệt thự Vườn Hồng ở Bắc Kinh, chuyển từ nhà thầu thành chủ đầu tư. Thành công này đưa ông lọt top 100 người giàu nhất Trung Quốc, nhưng điều khiến ông trở thành huyền thoại lại nằm ở quyết định từ bỏ ánh hào quang đô thị.
"Vua khoai tây" Lương Hi Sâm.
Năm 2001, ông trở về quê hương, đầu tư 42 triệu tệ xây biệt thự miễn phí cho dân làng và phát triển mô hình "doanh nghiệp - nông dân" tiên phong. Khi phát hiện Trung Quốc phải nhập khẩu khoai tây giống, ông dốc toàn lực nghiên cứu. Sau 5 năm, giống khoai Hi Sâm số 3 ra đời, mở đường cho loạt giống năng suất cao, trong đó Hi Sâm số 6 phá kỷ lục thế giới (9,4 tấn/ha, 2017).
Đến nay, giống khoai của ông được trồng trên 31,5 triệu mẫu, xuất khẩu 6 nước. Ông còn xây nhà máy tinh bột khoai tây lớn nhất Trung Quốc và phát triển hàng loạt sản phẩm từ khoai tây.
Thôn Lương Chùy, nơi ông Hi Sâm xây biệt thự miễn phí cho dân làng ở, cho họ việc làm, có lương.
Lễ tang ông được tổ chức tại chính ngôi làng Lương Chùy mà ông đã biến đổi. Hàng nghìn người dân xúc động tiễn biệt vị ân nhân: "Nhờ ông, chúng tôi có nhà đẹp, công việc ổn định".
Một điều nghịch lý: người đàn ông chỉ biết 200 chữ ấy lại trở thành chủ nhân của 8 bằng sáng chế giống cây trồng, chủ trì dự án khoa học cấp quốc gia. Như lời ông: "Kỹ thuật cao tôi không làm được, nhưng lo cho dân làng sống tốt thì tôi làm được" - triết lý đã biến một làng nghèo thành "làng tỷ phú", và một củ khoai tây thành di sản quốc gia.
Theo VnExpress