Nhớ ánh đèn màu của Sân khấu 5B

Đăng lúc: 8:51 am, Ngày 06/09/2017

Hơn 2 năm sàn diễn đóng cửa im lìm, nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP.HCM khao khát được thấy nơi đây sáng đèn vì đã quá khổ sở khi phải rời xa sàn diễn.

Được xem là "anh cả đỏ" của sân khấu xã hội hóa, Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP.HCM được khán giả và giới văn nghệ sĩ gọi bằng cái tên thân quen là sân khấu 5B (tọa lạc tại 5B Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP.HCM) đã đóng cửa từ tháng 6/2015 đến nay với lý do chờ xây dựng nhưng chưa biết đến bao giờ.
 
Nghệ sĩ, nhân viên sống lây lất
 
Từ thập niên 1980 đến 1990, hoạt động của CLB Sân khấu thể nghiệm 5B Võ Văn Tần đã được Hội Sân khấu TP.HCM nâng cấp thành Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP.HCM trong niềm vui của nhiều thế hệ nghệ sĩ. 
 
Dù là sân khấu nhỏ, hoạt động theo mô hình "lấy khán phòng làm sàn diễn", đa dạng hóa hình thức biểu diễn với phong cách diễn viên thoại trực tiếp, không dùng hệ thống khuếch đại âm thanh; đây là chiếc nôi nuôi dưỡng đam mê sáng tạo nghệ thuật, chắp cánh cho nhiều thế hệ nghệ sĩ sân khấu kịch nói làm nên tên tuổi, bay cao, bay xa trên con đường sự nghiệp của mình như: NSND Hồng Vân, NSƯT Thành Lộc, Hữu Châu, NSƯT Thành Hội, đạo diễn Ái Như, nghệ sĩ Minh Nhí, Thanh Thủy… Nơi đây đã cho ra đời những vở diễn nghệ thuật đỉnh cao, nhiều khám phá, sáng tạo, định hưởng thẩm mỹ công chúng yêu kịch.
Cảnh trong Dấu xưa - vở mới của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM phải đi thuê rạp Công Nhân để được công diễn.
 
Kể từ khi lớp nghệ sĩ ngôi sao ở đây ra riêng xây dựng sân khấu theo đường hướng của mình, sàn diễn này rơi vào tình trạng đi xuống do thiếu chiến lược phát triển đúng hướng và khủng hoảng thiếu diễn viên ngôi sao. Qua 2 "trào" giám đốc là Việt Anh, Thanh Hoàng và đến nay là Mỹ Uyên, đã có lúc cả ba phải đi vay tiền để bù lỗ vì hoạt động của nhà hát tự thu, tự chi. 
 
Tất cả đều nhờ vào phòng vé. "Để trả lương đủ cho nhân viên, chúng tôi phải đi vay tiền hoặc xuất tiền túi để thanh toán, rồi chờ các suất diễn bù lại. Muốn sáng đèn thì phải có tiền. Có thực mới vực được đạo" - NSƯT Mỹ Uyên cho biết trước khi sàn diễn này tạm ngưng để xây dựng.
 
Hào quang của 5B đã là quá khứ. Điều đáng nói là những con người gắn bó với thương hiệu này hiện nay sống ra sao mới là thực tại khiến những ai quan tâm phải lo lắng. Anh Quốc Bảo, chuyên viên âm thanh kỳ cựu của 5B, cho biết: "Chúng tôi vừa lập danh sách gửi NSND Kim Cương để mong đến dịp cuối năm có phần quà từ chương trình Nghệ sĩ tri âm. Anh chị em tứ tán khắp nơi, sống rất chật vật, khó khăn. Ai cũng mong 5B mau chóng sáng đèn trở lại".
 
Diễn viên Nam Sang, sau thời gian rời 5B trong nỗi buồn, đã về Cần Giờ làm công tác văn nghệ tại trung tâm văn hóa huyện, nay cũng đã nghỉ việc. "Tôi mong muốn sân khấu 5B tái hoạt động để anh chị em nghệ sĩ được làm nghề" - Nam Sang tâm sự.
 
Chị Trâm, nhân viên lao công của 5B, buồn bã nói: "Đời sống khó gấp nhiều lần vì 5B đóng cửa, chúng tôi đâu có lương".
 
Phải… chờ
 
Với tâm trạng ngồi trên "đống lửa" khi nhìn thấy sự xuống cấp của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP.HCM, Hội Sân khấu TP.HCM đã quyết định tạm ngưng hoạt động để tiến hành sửa chữa, nâng cấp và xin chủ trương thành phố cho liên doanh để xây dựng mới. 
 
"Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc phải đóng cửa nhà hát, đó là hệ thống máy lạnh quá cũ, âm thanh, ánh sáng không bảo đảm hiệu quả sử dụng như trước. Quan trọng hơn là phải lắp hệ thống thang máy, vì không thể bắt khán giả leo bộ lên tầng 4 để xem kịch trong khi khán giả có nhiều người lớn tuổi" - NSND - đạo diễn Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, cho biết.
Cảnh trong vở Lá diêu bông.
 
Những nhu cầu cấp bách như thế đòi hỏi 5B phải thích ứng. Chỉ có xây dựng mới trụ sở của Hội Sân khấu TP.HCM, trong đó có nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP.HCM, mới đáp ứng được nhu cầu này. Chủ trương đã có nhưng thủ tục còn lắm nhiêu khê.
 
Sự đóng băng của 5B đã khiến nghệ sĩ, công nhân hậu đài mỏi mòn mong đợi, đời sống bấp bênh, không phương hướng, NSƯT Mỹ Uyên đã có giải pháp đề xuất tạm thời sửa chữa các hạng mục của nhà hát để 5B có thể sáng đèn biểu diễn trở lại.
 
"Ban Thường trực Hội Sân khấu TP HCM cũng có chủ trương sửa chữa cho tái hoạt động 5B. Vấn đề còn lại là ban giám đốc nhà hát phải trình bày được kế hoạch. Việc khôi phục hoạt động phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả và kịch mục, diễn viên phải được tái cấu trúc một cách chuyên nghiệp" - NSND Trần Ngọc Giàu nói.
 
Chờ có chủ quyền nhà
 
"UBND TP.HCM đã chấp thuận và có chủ trương cho phép liên doanh với đối tác dưới hình thức đấu thầu, từ đó chủ đầu tư và cơ quan chủ quản tức là Hội Sân khấu TP.HCM tuân thủ theo hợp đồng khai thác, chấp hành các điều lệ trong xây dựng và đầu tư để sớm khởi công xây dựng tòa nhà 5B Võ Văn Tần" - bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã phát biểu như vậy khi được hỏi về chủ trương xây dựng mới tại địa chỉ 5B Võ Văn Tần, quận 3, TP.HCM.
 
Tuy nhiên, vì sao chủ trương đã có mà đến nay dự án xây dựng 5B vẫn chưa thể khởi công? Bà Nguyễn Hồng Dung - Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM - cho biết: "Dù đã có chủ trương cho phép liên doanh xây dựng nhưng chúng tôi phải đi từng bước. Trở ngại lớn nhất là thủ tục pháp lý khi Hội Sân khấu TP.HCM chưa có chủ quyền ngôi nhà 5B. Trước hết, hội phải sở hữu ngôi nhà 5B. Việc hóa giá và phương án mua lại ngôi nhà 5B phải được giải quyết theo luật. Hiện nay, có 2 đơn vị đầu tư và sẽ tham gia đấu thầu xây dựng theo đúng quy định của nhà nước. Ban dự án tích cực bằng mọi cách nhưng vẫn phải đến cuối năm mới xin chủ trương hóa giá nhà, sau đó mới có thể tổ chức đấu thầu rồi khởi công theo đúng thủ tục quy định".
 
Thanh Hiệp/Theo Người Lao Động

Đọc thêm các bài khác