Hoài Thanh kể lại chuyện trai quê yêu tiểu thư Sài Gòn

Đăng lúc: 8:22 am, Ngày 20/02/2018

Nghệ sĩ cải lương Hoài Thanh cho biết để giữ tình cảm lâu bền, ông và vợ - nghệ sĩ Đỗ Quyên - học cách bỏ qua những lỗi lầm cho nhau.

Nghệ sĩ Hoài Thanh sinh năm 1947, học trung học tại Trường Tân Dân, bắt đầu học ca cổ với nghệ nhân guitar Thanh Tùng. Năm 1964, ông tham gia ca tài tử tại quán Lệ Liễu - Sài Gòn (nằm trên đường Lý Thái Tổ ngày nay), từng tham gia các ban tài tử: Văn Vỹ, Út Trong, Thành Công. Một số vai nổi tiếng của ông là: Phạm Lãi (vở Tây Thi), Trác Phùng Quân (vở Mùa thu trên Bạch Mã Sơn), Cao Nguyên Bình (vở Đêm lạnh chùa hoang), Trần Vinh (vở Gánh cỏ sông Hàn), Alika (vở Ngày tàn bạo chúa), bộ đội Vĩnh (vở Thiên thần áo trắng), Thúc Sinh (vở Thúy Kiều)...
 
Nghệ sĩ Đỗ Quyên năm bảy tuổi được bố là nghệ nhân Xuân Lạc dạy ca theo nhịp đàn. Năm 1966, bà thi đậu trường Quốc gia Âm nhạc kịch nghệ Sài Gòn cùng khóa với Tài Lương (chị nghệ sĩ Tài Linh). Năm 1970, bà về làm đào chánh đoàn cải lương Thái Dương (bà bầu Chắc). Ngoài sở trường đào thương, Đỗ Quyên còn nổi tiếng với các vai đào võ, giả trai và đào lẳng độc. Vai diễn ấn tượng của bà như Triệu Thị Trinh (vở Nhụy Kiều tướng quân), Bùi Thị Xuân (vở Nữ tướng cờ đào), An Lộc Sơn (vở Tây Thi), Phạm Lãi, Giáng Hương (vở Sân khấu về khuya)...
 
Qua Australia định cư đã 10 năm, vì sao vợ chồng ông vẫn đều đặn về nước ăn Tết mỗi năm?
 
-Trước đây, các con tôi qua Australia học, làm rồi định cư tại đó. Con cái đã sang nước ngoài sống thì vợ chồng tôi cũng không còn lý do nào ở lại đây. Bỏ xứ ra đi, tôi và vợ - nghệ sĩ Đỗ Quyên - cũng tiếc nuối lắm. Ở Australia, tôi cũng chỉ bình thường như bao người. Nhưng mỗi lần về nước, thậm chí người bán vé số, ăn xin, lái xe... cũng nhận ra tôi và chào hỏi. Đó là niềm sung sướng không gì sánh bằng. 
 
Mỗi năm, vợ chồng tôi chỉ về đúng dịp Tết. Trước đây, mỗi lần về chúng tôi chỉ ở khoảng một tháng nhưng giờ đã ở lại lâu hơn. Vợ chồng tôi cũng đã hơn 70 tuổi, nhưng mỗi lần Tết đến vẫn rạo rực lắm.
Vợ chồng Hoài Thanh và con trai - ca sĩ Hoài Anh Kiệt.
 
Vợ chồng ông làm gì để trang trải cuộc sống ở Australia?
 
-Tôi đi hát cũng đã hơn 50 năm nên để dành được một số vốn. Qua xứ người, chúng tôi tần tảo làm lụng, cần kiệm mà sống. Hồi mới qua Australia, chúng tôi nhận kiểm kê quần áo coi đường chỉ may đúng, sai ra sao, rồi làm đầu bếp... Vài năm nay, tôi chuyển sang nghề lái xe, giao đồ, đưa trẻ em đi học... Tôi thấy mình cần phải lao động, vừa khiến bản thân thêm hứng thú, vừa tạo được thu nhập. Tôi luôn tâm niệm phải làm mới có tiền để sống và tạo cho mình thói quen dành dụm cho sau này. Cuộc sống của con cái chúng tôi - một trai, một gái - đã ổn định, nhưng vợ chồng tôi không thích để các con lo lắng cho mình.
 
Sống cạnh nhau 50 năm, điều gì khiến vợ chồng ông luôn giữ tình yêu lâu bền?
 
-Với tôi, trong cuộc sống luôn phải biết tôn trọng và tha thứ đối phương. Vợ tha thứ cho chồng, cha mẹ tha thứ cho con cái. Như tôi chẳng hạn, vợ nhiều lần bỏ qua lỗi lầm cho tôi. Đàn ông ra đường không ít thì nhiều cũng hay liếc ngang liếc dọc, quen người này cô kia. Vợ tôi biết và nói thẳng rằng cô ấy không thích, tôi nên dừng lại. Điều đó khiến tôi suy nghĩ và quyết định ngưng lại nếu còn muốn ở bên cô ấy. Hơn 50 qua, tôi đã hóa thân thành hàng nghìn dạng vai. Kịch bản cải lương nào cũng dạy con người sống phải có đức và biết tha thứ cho nhau. Với tôi, vợ vừa là bạn, vừa là thầy.
 
Chúng tôi quen nhau từ năm 1969, đến năm 1973 tạm xa nhau, năm 1984 thì tái hợp. Ngày đó, tôi là chàng trai quê đen đúa, gầy gò, cô ấy là tiểu thư Sài Gòn cành vàng lá ngọc. Chuyện tình chúng tôi có kể cả ngày cũng không hết, bởi biết bao lần sóng dập gió vùi. Nhờ quãng thời gian xa nhau, chúng tôi càng gắn kết. Đến nay, dù chưa có một đám cưới chính thức, chúng tôi không mấy bận tâm. Một lần, vợ chồng tôi cùng các cặp Châu Thanh - Ngọc Huyền Châu, Thanh Điền - Thanh Kim Huệ... tổ chức đám cưới vàng, cũng là cách đánh dấu một chặng đường gắn bó.
Vợ chồng Hoài Thanh - Đỗ Quyên thuở mới gắn bó.
 
Một ngày bình yên của vợ chồng ông sẽ ra sao?
 
-Ví dụ như một ngày thứ bảy, nếu không đi làm, chúng tôi thường dậy trễ hơn thường lệ. Vợ tôi sẽ nấu yến mạch làm bữa sáng, vừa nhẹ nhàng vừa tốt cho sức khỏe vì không mỡ, không đường. Sau đó, chúng tôi cùng gia đình các con tận hưởng khoảnh khắc bình yên cuối tuần. Chúng tôi sống ở một khu ngoại ô yên tĩnh của Melbourne. Ở đó, tuy không nhiều kiều bào sinh sống, chúng tôi vẫn chịu khó lái xe để đến khu chợ người Việt.
 
Sống xa quê, vợ chồng ông nuôi dưỡng tình yêu dành cho cải lương ra sao?
 
-Mỗi năm chúng tôi chỉ đi hát hai lần vì ít khán giả. Lúc thèm quá, vợ chồng ở nhà mở máy karaoke hát cho khuây khỏa. Cuối tuần, tôi cùng mấy bạn già tụ tập với nhau. Ở Australia, bộ môn cải lương không có nhiều đất sống, nghệ sĩ chỉ hát giao lưu với nhau như trong phường, xóm là chính.
 
Bên đó, tôi xin phép chính quyền địa phương thành lập một đoàn hát có tên Năm Châu, chỉ được hát trong các sự kiện thiện nguyện, không mang mục đích thương mại. Chúng tôi đã thực hiện được ba suất. Suất đầu chúng tôi diễn lấy tiền giúp đỡ một bệnh viện dành cho trẻ em tại Melbourne, kêu gọi được 6.000 đô Australia, không lớn lắm nhưng đó là cái tình của anh em nghệ sĩ. Suất thứ hai, chúng tôi giúp cho nhiều người khiếm thị, khiếm thính. Suất thứ ba, chúng tôi quyết định tặng Ban ái hữu nghệ sĩ ở TP.HCM.
Vợ chồng nghệ sĩ Hoài Thanh và Đỗ Quyên hiện nay.
 
Ông quan tâm ra sao đến đời sống cải lương trong nước?
 
-Về đây, tôi thích coi các vở diễn ở sân khấu Trần Hữu Trang, hoặc ghé thăm các đoàn nơi nhiều học trò tôi đang công tác. Nói thật, tôi cảm thấy buồn. Sân khấu ngày trước luôn có một cặp đào, kép chánh, kế đó là kép lão, đào mụ, kép lẳng, kép độc... và bắt buộc phải có kép hài. Tôi coi tuồng bây giờ, thấy các cháu hát cũng cố gắng lắm nhưng không còn mấy hấp dẫn. Tôi không dám phê bình ở mặt đạo diễn, chỉ đoán là thiếu kinh phí nên lực bất tòng tâm. Cách ca vọng cổ của các cháu không còn "mùi" như nhiều nghệ sĩ đi trước và bị biến đổi khá nhiều. Họ hát cứ na ná nhau, thành ra khó phân biệt.
 
Giờ ra đường, tôi thấy ngoại hình của nghệ sĩ trẻ đẹp quá. Nam thì vai u thịt bắp, nữ thì chân dài eo thon. Đa phần họ có chất giọng rất hay, kể cả tân lẫn cổ nhạc, nhưng không biết sử dụng. Nếu cháu nào chịu khó lật lại lịch sử, nghiên cứu cách hát của cha ông, học hỏi thêm kỹ thuật biểu diễn sẽ thấy khác hẳn. NSND Ngọc Giàu, Hồng Nga hát tốt, diễn xuất có duyên nên dù không quá nổi bật về sắc vóc, họ vẫn là những tượng đài lộng lẫy. Những nghệ sĩ có trình độ kỹ thuật biểu diễn tốt là những người "ăn" rất bền lâu.
 
Với tôi, cải lương không thể giữ mãi được phong độ của ngày nào, dần dần rồi cũng phải đi xuống. Từ lớp đầu tiên của NSND Bảy Nam, thầy Năm Châu, NSND Phùng Há, kế tiếp là thế hệ của cố nghệ sĩ Út Trà Ôn, Thành Được... rồi đến Minh Cảnh, Minh Vương... và các cháu hiện tại là thuộc lớp thứ tám. Sau mỗi thế hệ, tinh hoa dần rơi rụng. Tôi cảm thấy mất mát nhiều lắm.
 
Vợ chồng ông ấp ủ điều gì cho sân khấu, cải lương?
 
-Năm 2010, chúng tôi đã làm một liveshow vì sợ sau này già hơn sẽ không còn đủ sức. Giờ lớn tuổi rồi, chúng tôi muốn lui về hậu trường, nhường sân khấu cho các cháu nhỏ. Tôi là nghệ sĩ chuyên về hát, không nổi trội về phần diễn. Tôi tâm nguyện nếu nghệ sĩ trẻ nào có làn hơi tốt, hãy đến gặp, tôi sẵn sàng truyền đạt. Tôi có thể không còn đứng hát được như các cháu hiện nay, nhưng về kinh nghiệm truyền dạy, tôi tự tin mình có đủ. Vợ tôi - nghệ sĩ Đỗ Quyên - cũng thế. Cô ấy có khả năng thị phạm về diễn xuất vì từ tám tuổi đã tập cùng má Bảy Phùng Há. Cô ấy cũng học một khóa đạo diễn sân khấu tại chức, trong đầu lúc nào cũng nhiều chất xám. Tôi tin tưởng nếu ngày xưa có 10 thì giờ chí ít cũng phải còn tám và chỉ mong có dịp "bung" ra để hỗ trợ các cháu.
 
Mai Nhật/Theo VnExpress

Đọc thêm các bài khác