NSND Thái Bảo hát nhạc xưa

Đăng lúc: 8:41 am, Ngày 05/03/2018

Những ngày đầu xuân, NSND Thái Bảo phát hành đến công chúng album nhạc có tên “Giấc mơ vô thường” với "Bài không tên cuối cùng", "Nửa hồn thương đau", "Niệm khúc cuối", "Mùa đông của anh"...

10 năm qua là một quãng đường khá dài đối với đời người ca sĩ. Chị vẫn hát trên sân khấu, nhưng vì sao việc phát hành album lại để công chúng chờ lâu như vậy?
 
-Tôi vẫn yêu và đam mê với nghề ca hát mình đã chọn. Thậm chí còn đam mê mãnh liệt hơn, như buổi ban đầu vậy. Đối với tôi, không được gặp khán giả, không được hát là một cực hình. Âm nhạc đã trở thành máu thịt, là cuộc sống của tôi rồi. Tôi vẫn thường xuyên hát trên các sân khấu, nhưng việc phát hành album riêng, tôi không cảm thấy cần thiết, không có cảm hứng để làm.
 
Còn thời điểm này, vì sao chị lại quyết định phát hành album?
 
-Thực ra không phải thời điểm này, mà là thời điểm khoảng 2 năm về trước. Khi đó tôi nghĩ, mình sẽ làm một đĩa nhạc mà ở đó mình sẽ chỉ hát những nhạc phẩm mình yêu và tâm đắc. Sẽ lựa chọn bài hát một cách vô tư nhất, không liên quan đến yếu tố thị trường hay chiều chuộng khán giả.
 
Sẽ là một album làm cho mình trước tiên, thỏa mãn mình trước tiên. Và tôi lên list các bài hát rồi bắt tay thực hiện. Thế rồi sau 2 năm, album Giấc mơ vô thường ra đời. Cái tên CD thực ra là mới tìm thấy, sau rất nhiều lần thay đổi. Một cái tên hợp với tinh thần của đĩa nhạc đến nỗi không thể có tên nào hơn, tôi rất hài lòng.
Danh mục bài hát trong album Giấc mơ vô thường.
 
Vậy chị có thể nói một chút về tinh thần của sản phẩm âm nhạc này?
 
-Đây là một CD gồm những bản nhạc tình từ lâu đã đi vào lòng công chúng. Những bài hát có thể nói là kinh điển, được nhiều thế hệ ca sĩ yêu thích thể hiện, ví dụ như Bài không tên số 2, Bài không tên cuối cùng (Vũ Thành An), Ướt mi (Trịnh Công Sơn) Cho người tình lỡ (Hoàng Nguyên), Thu sầu (Lam Phương), Sang ngang (Đỗ Lễ), Nửa hồn thương đau (Phạm Đình Chương), Niệm khúc cuối (Ngô Thụy Miên), Mùa đông của anh (Trần Thiện Thanh).
 
Từ lâu tôi đã “phải lòng” những ca khúc này. Đặc biệt khi tìm hiểu về sự ra đời của từng tác phẩm tôi thấy xúc động vô cùng. Dường như mỗi ca khúc đều kể một câu chuyện tình có thật của người nhạc sĩ. Những mối tình có thể sâu nặng có thể thoáng qua, nhưng là một nỗi mất mát, đổ vỡ, day dứt trong tâm hồn người trong cuộc.
 
Tôi tin rằng không chỉ tôi, mà tất cả chúng ta, ai nghe những ca khúc này, nghe những câu chuyện tình phía sau bài hát đều thấy có một phần nào chính mình trong đó. Tôi muốn vào vai một người kể chuyện. Kể về tình yêu, về những “giấc mơ vô thường” của đời người.
 
Sở trường của chị là “nhạc đỏ”, giờ chọn hát nhạc xưa trong album mới, có gì khó khăn không?
 
-Chất giọng của tôi là trầm khàn, thực ra rất phù hợp với nhạc xưa. Tôi hát nhạc tiền chiến, nhạc đỏ trên sân khấu từ thời trẻ đến giờ và đã trở thành mặc định trong lòng khán giả rồi nên mọi người cảm thấy lo lắng khi tôi hát một dòng nhạc mới.
 
Tuy nhiên, khi đi biểu diễn, tiếp xúc với không ít công chúng hiểu biết về âm nhạc, họ nói rằng, họ muốn được nghe tôi hát những bài hát nhạc xưa, vì chất giọng của tôi rất phù hợp. Dù vậy, tôi không làm CD theo yêu cầu khán giả. Những bài hát trong album Giấc mơ vô thường đều là những bài hát tôi yêu thích.
 
Và như đã nói, tôi làm album này không phải để kiếm tiền, để bán CD, để khuếch trương tên tuổi. Đó chỉ đơn giản là một sự đam mê, một thỏa mãn cá nhân. Hơn nữa tôi nghĩ, công chúng đã nghe tôi hát nhạc đỏ quá nhiều rồi, giờ nghe Thái Bảo trong một dòng nhạc khác cũng rất thú vị.
Gia đình hạnh phúc của NSND Thái Bảo.
 
Nghĩa là chị chấp nhận làm CD để... lỗ?
 
-Khi dốc tâm huyết làm ra một sản phẩm nghệ thuật, không ai mong lỗ cả. Tôi chỉ biết làm hết sức mình thôi, để đưa đến khán giả những gì mình tâm huyết nhất. Hơn nữa, tôi cũng hiểu, thời điểm này làm CD thì khó mà mong lãi. Giới trẻ phần lớn nghe nhạc bằng công nghệ số. Thậm chí ca sĩ nào bỏ tiền làm CD người ta còn thấy không bình thường nữa. Nhưng tôi không quan tâm những vấn đề đó. Tôi làm để hoài niệm, để nâng niu những giá trị cũ. Tôi rất sợ những bài hát hay như vậy mà không có những ca sĩ thế hệ sau tiếp tục khai thác.
 
Với một số nghệ sĩ, trở thành NSND, nấc thang cao nhất về danh hiệu cũng đồng nghĩa với việc họ cho phép mình được nghỉ ngơi sau những cống hiến miệt mài cho khán giả. Còn chị, quan niệm của chị thế nào?
 
-Tôi không nghĩ rằng mình được phép nghỉ ngơi sau khi đã trở thành NSND. Thậm chí tôi còn cảm thấy áp lực hơn trong chuyên môn. Là mình phải sống, phải tiếp tục cống hiến như thế nào, giữ gìn hình ảnh ra sao để công chúng không thất vọng. Nếu trước đây mình nhận lời tham gia chương trình “dễ tính” hơn một chút thì giờ đây không phải bài hát nào mình cũng hát, không phải chương trình nào mình cũng hát.
NSND Thái Bảo thời trẻ.
 
Cái này chẳng phải chuyện chảnh gì cả. Chỉ là mình tôn trọng danh hiệu mình đang mang, tôn trọng khán giả của mình. Mình phải kỹ càng hơn, nghiêm túc hơn, chất lượng hơn trong mọi hoạt động nghệ thuật. Đạt được một danh hiệu cao quý, có thể nhiều người sẽ nghĩ rằng, chẳng ai gỡ được danh hiệu đó của mình và thấy thỏa mãn.
 
Nhưng tôi luôn nghĩ, mọi danh hiệu đều có thể bị đánh mất nếu mình không nghiêm khắc với chính mình trong lao động. Mình luôn phải nghĩ rằng, danh hiệu NSND là nấc thang cuối cùng trong nghề thôi, nhưng với khán giả, còn nhiều nấc thang để mình phấn đấu.
 
Xin cảm ơn và xin chúc chị một năm mới tràn đầy năng lượng sáng tạo.
 
Mộc Miên/Theo Văn nghệ CAND

Đọc thêm các bài khác