Đàm Vĩnh Hưng sợ đánh mất hào quang

Đăng lúc: 8:35 am, Ngày 29/10/2018

Nam ca sĩ kể càng đi hát lâu, anh càng sợ không đủ trẻ trung để sáng tạo và luôn phải học hỏi cái mới để bắt kịp xu hướng. Ở tuổi 47, anh bắt đầu làm quen với rap.

Vì sao gần đây, anh chuyển hướng hát nhiều hơn dòng nhạc trẻ?
 
-Tôi khởi đầu nghề ca hát bằng dòng nhạc nhẹ. Những năm qua, tôi vẫn hát song song giữa nhạc trẻ và Bolero. Gần đây, tôi thấy đã "cháy" đủ với dòng nhạc bolero. Hát thể loại nào cũng vậy, quá nhiều sẽ khiến người nghe bội thực. Tôi muốn tìm đến chất nhạc sôi động hơn, tiếp cận giới trẻ và thay đổi khẩu vị cho các khán giả quen thuộc. Tôi tham lam khi muốn chinh phục công chúng già trẻ, lớn bé, nhưng đó luôn cách tôi làm nghề để hâm nóng tên tuổi suốt hơn 20 năm ca hát.
 
Trong album mới - Một mình có sao đâu, tôi từ bỏ những ca khúc "não tình", bi lụy. Tôi cũng tiết chế lối hát gào khàn đặc trưng để hướng đến những nhạc phẩm bắt tai về âm điệu. Tôi hợp tác với các nhạc sĩ Anh Khoa, Tuyền Key, Tâm Vinh, Phúc Trường... để album mang màu sắc tropical (nhiệt đới). Ở tuổi 47, tôi mới bắt đầu làm quen với rap. 
 
Anh lên kế hoạch ra sao để tiếp cận khán giả mỗi lần ra đĩa?
 
-Tôi luôn phải cân nhắc đủ bốn yếu tố: hình ảnh trong album, thể loại âm nhạc, chọn lựa bài vở và truyền thông. Ngoài ra, tôi cân nhắc kỹ điểm rơi cho sản phẩm, quan sát xung quanh xem có ca sĩ nào cũng ra đĩa cùng thời điểm. Nếu một mình một chợ, tôi sẽ dễ gây tiếng vang với truyền thông và khán giả hơn.
 
Tôi cũng đi ngược lại công thức quảng bá album của nhiều ca sĩ hiện tại. Những năm gần đây, nghệ sĩ thường tung các MV trước rồi ra bản audio sau. Tôi chọn cách ra mắt bản thu trước để thăm dò phản ứng của khán giả. Nếu người nghe thích thú với bài hát nào hơn, khi ấy tôi thay đổi kế hoạch quay MV vào phút chót cũng chưa muộn.
Đàm Vĩnh Hưng ăn mặc trẻ trung hơn trong các sản phẩm âm nhạc gần đây.
 
Đi hát đã lâu, anh sợ điều gì nhất?
 
-Tôi sợ đánh mất hào quang. Tôi thích được người ta chào hỏi khi ra đường, đến điểm diễn được khán giả vây quanh. Người xưa có câu: "Thầy giáo già, con hát trẻ". Cuối thập niên 1990, giữa các ca sĩ của thời kỳ đầu Làn sóng xanh như Lam Trường, Mỹ Linh, Phương Thanh, tôi được khán giả nhìn nhận như một giọng ca lạ, lối hát mới mẻ. Hai mươi năm ca hát, tôi không thỏa hiệp với sự an toàn, nhàm chán. Tuổi càng lớn, tôi càng sợ mình không đủ trẻ để bắt kịp xu hướng, không đủ tươi mới để hấp dẫn người nghe. Tôi chứng kiến nhiều nghệ sĩ khi lớn tuổi không còn giữ được sức hút như trước, nhưng tôi không phải là họ để cảm nhận hết tình cảnh ấy. Thế thì thay vì sợ, nhân lúc vẫn còn nổi tiếng, mình hãy liên tục tạo sự chú ý để còn được nhắc tới thêm nhiều năm nữa.
 
Nói vậy không có nghĩa là tôi mưu cầu sự nổi tiếng bằng mọi giá. Nghe có vẻ lý thuyết, nhưng mỗi ca sĩ đều có khán giả riêng. Dù tôi có cố gắng mọi cách, fan của ca sĩ này cũng không thể chuyển sang hâm mộ tôi, mà có khi còn ghét thêm. Tham gia một đêm nhạc, tôi không quan tâm đến người hát trước hay sau tôi là ai. Chỉ biết, trong vòng 10 phút, 20 phút đứng trên sân khấu, tôi phải "cháy" hết mình. 
 
Anh áp lực ra sao về lượt xem MV và doanh thu bán đĩa?
 
-Tôi không muốn chạy theo lượt xem để so kè với các ca sĩ trẻ hiện tại. Dẫu gì, tôi cũng là người đi hát lâu năm, có sự nghiệp riêng với một lượng khán giả nhất định. Tôi không có ý chống chế, nhưng con số tám, 9 triệu view cho MV Hello - ra mắt hồi tháng 8, với tôi là đã đủ vui. Nói cho đúng, tôi vẫn quan tâm đến lượt xem sản phẩm của mình trên Youtube và các kênh, nhưng điều đó không phải là thước đo khẳng định vị trí trong làng nhạc. Tôi luôn tỉnh táo trước xu hướng chạy theo lượt "view" hay "share" trên mạng xã hội. Với tôi, số người xem phải phản ánh đúng sự quan tâm của khán giả dành cho mình.
 
Tôi cũng không gặp áp lực về bán CD. Tôi tự tin mình luôn có một lượng khán giả thân quen ở các buổi lưu diễn tại Australia, Canada và châu Âu. Lượng đĩa tiêu thụ vì thế cũng rất ổn định, cứ in ra bao nhiêu sẽ hết bấy nhiêu. Tất nhiên, hiện giờ khán giả chủ yếu mua đĩa vì kỷ niệm. 
 
Anh thấy giọng hát của mình thay đổi như thế nào sau 20 năm ca hát?
 
-So với thuở mới nổi cùng Tình ơi xin ngủ yên, tôi thay đổi nhiều hơn về kỹ thuật hát. Ngày trước, tôi hát cảm tính, chỉ biết "phiêu" theo cách mình nghĩ là đúng. Nay tôi hát chậm rãi, bình tĩnh hơn, đoạn nào nên hay không nên "phiêu". Tôi biết cách làm chủ về chất giọng, muốn rè thì rè, trong thì trong. Thời điểm này, tôi thấy mình đang sung mãn nhất về giọng hát, và muốn biểu diễn hơn bao giờ hết. 
 
Ở tuổi ngoài 40, tôi vẫn thường xuyên bay show, làm giám khảo, trong khi nhiều đồng nghiệp cùng thế hệ đã chọn cách lui về hậu trường. Tính cách tôi vốn đã vậy, không dễ chọn phương án đứng lại hoặc thụt lùi, mở trường hoặc về hưu. Tôi đam mê hào quang sân khấu và sẽ làm mọi cách để giữ bằng được vị trí đang có. Nhìn nhạc sĩ Đức Huy, danh ca Tuấn Ngọc ngoài 70 tuổi vẫn miệt mài đi hát, tôi muốn sau này mình cũng như thế. Chỉ khi nào tôi thấy giọng mình quá tệ, không thể trụ vững trên sân khấu, lúc đó, tôi mới từ bỏ nghề hát.
 
Tam Kỳ/Theo VnExpress

Đọc thêm các bài khác