Những điều chưa biết về gia tộc tuồng cổ Minh Tơ

Đăng lúc: 7:55 am, Ngày 16/12/2018

Trong lịch sử sân khấu Việt Nam, Vĩnh Xuân - Minh Tơ có lẽ là gia tộc theo nghiệp Tổ lâu dài nhất - hơn một thế kỷ.

Đầu thập niên 1920, vợ chồng ông bầu Thắng - con trai ông bà bầu Vĩnh Xuân đưa gánh hát bội Vĩnh Xuân Ban về trụ tại đình Cầu Quan, Q.1 và trở thành một trong những gánh hát bội nổi tiếng của Sài Gòn.
 
Thập niên 1950, cải lương phát triển, hát bội lao đao, bầu Thắng cho các con là nghệ sĩ Đức Phú, Khánh Hồng, Minh Tơ… sang học nghề ở gánh Phụng Hảo của nghệ sĩ Phùng Há. Khi có kha khá “vốn liếng” cải lương, các con ông trở về, Vĩnh Xuân Ban chuyển sang hát cải lương pha hát bội. 
 
Khi Vĩnh Xuân Ban chuyển thành đoàn cải lương Hồ Quảng Khánh Hồng - Minh Tơ, đoàn chuyên hát cương, dựa theo những tiểu thuyết nổi tiếng của Trung Quốc. Phần âm nhạc là bài bản cổ nhạc kết hợp với nhạc Hoa. Trước mỗi xuất hát, nội dung, diễn biến câu chuyện, quy định tình huống… được đưa ra để các nghệ sĩ bàn bạc, phối hợp khi ra sân khấu. Mỗi ngày đoàn hát một phần, một chương trong bộ tiểu thuyết. Có những tác phẩm, đoàn hát cả tháng mới “trọn bộ”. 
Đồng ấu Minh Tơ.
 
“Nhiều người cho rằng, hát cương là lối làm việc dễ dãi, nhưng thực tế không phải. Muốn hát cương, nghệ sĩ phải đọc nhiều, nhớ nhiều để có lời văn mà ứng khẩu trên sân khấu. Hát cương phải rành tất cả bài bản của cải lương, để khi bạn diễn ngưng giữa chừng thì còn biết đường mà ca tiếp” - nghệ sĩ Bạch Long - hậu duệ đời thứ tư của Vĩnh Xuân - Minh Tơ chia sẻ.
 
Điều ít ai biết: nghệ sĩ hát cương phải học “mật hiệu”, để ra dấu cho ban nhạc và đọc “mật hiệu” từ bạn diễn để biết bạn diễn sắp ca gì mà chuẩn bị. Vì hát cương, nên ở màn chót, nghệ sĩ phải quan sát một tấm bảng trắng. Nếu bảng ghi “Đôn” thì phải lo kết cho lẹ, để khán giả về kịp giờ giới nghiêm. Còn thấy ghi “Kéo” thì dù nhân vật sắp chết cũng phải ráng ca thêm cho đủ giờ, để khán giả không phật ý “sao tuồng” ngắn quá.
 
Hát cương, nhưng Khánh Hồng - Minh Tơ vẫn cứ đông nghẹt khán giả, do từ thời bầu Thắng, nghệ sĩ của Vĩnh Xuân Ban đã được tập luyện với kỷ luật rất khắt khe. 
Nghệ sĩ Minh Tơ (giữa) và Ngọc Khanh, Thanh Loan năm 1964.
 
Giữa thập niên 1960, tuồng cải lương Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài do nhạc sĩ Đức Phú viết kịch bản, dựa trên bộ phim Đài Loan cùng tên đang chiếu đã trở thành một hiện tượng ở Khánh Hồng - Minh Tơ. Đây là tuồng cải lương có kịch bản đầu tiên của Khánh Hồng - Minh Tơ, với 40% chất liệu âm nhạc do nghệ sĩ Đức Phú sáng tác, dựa trên các điệu lý và những bài boléro được yêu thích lúc bấy giờ. Có điều, những chất liệu âm nhạc Việt Nam đó, đặt chung với âm nhạc Trung Hoa trong những tuồng tích Trung Quốc, khiến khán giả ngỡ đó là nhạc nước ngoài. 
 
Trong hơn một thế kỷ theo nghiệp Tổ, hành trình chuyển đổi từ cải lương hồ Quảng sang cải lương tuồng cổ thuần Việt là cột mốc quan trọng nhất của gia tộc Vĩnh Xuân - Minh Tơ. Sau ngày đất nước thống nhất, Đoàn cải lương Hồ Quảng Minh Tơ đổi bảng hiệu thành Đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ và khai trương tuồng sử Việt Nam đầu tiên - Dưới cờ Tây Sơn, năm 1976.
 
Nghe Minh Tơ khai trương tuồng mới, khán giả tới coi nghẹt rạp Hào Huê. Nhưng chừng nửa tuồng, nửa rạp bỏ về. Khán giả đến với Minh Tơ để được coi các nghệ sĩ múa giáo, đánh gươm… kết hợp với ca diễn, chứ không tới chỉ để nghe ca. Nếu đọ giọng ca, không một nghệ sĩ nào của đoàn Minh Tơ có thể so được với nghệ sĩ các đoàn hát lừng danh thời đó như Thanh Minh - Thanh Nga, Sài Gòn 1… Gia tộc Minh Tơ lại ngồi lại, tìm cách khác.
 
Bài toán được đặt ra là làm sao hát tuồng sử Việt trên chất liệu âm nhạc Việt Nam, nhưng nghệ sĩ vẫn có thể phô diễn tài năng vũ đạo, khả năng diễn xuất - vốn là thế mạnh của nghệ sĩ đoàn Minh Tơ. Thanh gươm Đô đốc (sau đổi thành Thanh gươm nữ tướng) của soạn giả Thùy Linh được các soạn giả Nguyễn Thành Châu, Minh Tơ và Thanh Tòng chỉnh lý theo thế mạnh và phong cách của đoàn Minh Tơ. Những điệu lý, chất liệu nhạc boléro vẫn được chọn để nghệ sĩ Đắc Nhẫn, Đức Phú viết nhạc cho tuồng. 
NSND Thanh Tòng trong Câu thơ yên ngựa.
 
Khi dựng, NSND Thanh Tòng đưa thêm phần vũ đạo của hát bội, Hồ Quảng vào tuồng. Lớp diễn Bùi Thị Xuân xuất trận, nghệ sĩ Bạch Lê múa vũ đạo bằng roi ngựa đã được khán giả vỗ tay tán thưởng. Phần âm nhạc, một số bài lý, bài Trăng thu dạ khúc được phối thành tân nhạc, mang lại cảm giác mới mẻ cho người nghe. Tuồng cổ Minh Tơ bắt đầu được khán giả chấp nhận.
 
Sau tuồng sử thứ ba - Dựng cờ cứu nước, nhạc sĩ Đức Phú đã đủ tự tin một mình “cầm trịch” phần âm nhạc khi NSND Thanh Tòng dựng lại Dưới cờ Tây Sơn và đổi tên thành Ngọn lửa Thăng Long. Tuồng cổ đã tiến thêm một bước để xóa bỏ những yếu tố của Hồ Quảng còn sót lại. 
 
Năm 1981, tuồng cổ Minh Tơ thành công vang dội với Câu thơ yên ngựa (tác giả: Hoàng Yến, chỉnh lý: nghệ sĩ Minh Tơ, NSND Thanh Tòng). Âm nhạc của nhạc sĩ Đức Phú vẫn dựa trên những bài lý và âm nhạc ngũ cung, nhưng đã gần hơn với phong cách của tuồng cổ. NSND Thanh Tòng đã phối hợp nhịp nhàng giữa vũ đạo, ca, diễn với âm nhạc và cách kể cho khán giả nghe một câu chuyện sử Việt trên sân khấu cải lương tuồng cổ. Bài Lý cây bông được hòa âm làm nhạc nền cho NSND Thanh Tòng biểu diễn vũ đạo trong lớp Lý Đạo Thành dâng mão khi đó được đánh giá là sự sáng tạo và kết hợp tuyệt vời của nhạc sĩ Đức Phú và NSND Thanh Tòng. 
Hậu duệ đời thứ sáu của gia tộc Bầu Thắng- Minh Tơ.
 
Sau Câu thơ yên ngựa là một loạt tuồng sử Việt: Bão táp nguyên phong, Tô Hiến Thành xử án, Bức ngôn đồ Đại Việt, Má hồng soi kiếm bạc… Vũ đạo của Hồ Quảng đã được NSND Thanh Tòng khéo léo biến thành những trình thức vũ đạo của cải lương Việt Nam và là đặc trưng của Minh Tơ.
 
Sáu đời ăn cơm Tổ, gia tộc Vĩnh Xuân - Minh Tơ nổi tiếng với những tên tuổi: bầu Thắng, Đức Phú, Huỳnh Mai, Khánh Hồng, Minh Tơ, NSND Thanh Tòng, Thanh Loan, Thanh Sơn, Xuân Yến, Công Minh, Minh Tâm, Bạch Lê, Bạch Lựu, Bạch Long, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Quế Trân, NSƯT Tú Sương, Thanh Thảo, Xuân Trúc, Trinh Trinh… Thế hệ thứ sáu gồm Hồng Quyên, Kim Thư, Thảo Trâm vẫn đang là những cái tên sáng giá của sân khấu cải lương. 
 
 Thảo Vân/Theo PNO

Đọc thêm các bài khác