Nhắm mắt cũng thấy quảng cáo trong phim truyền hình Việt

Đăng lúc: 8:36 am, Ngày 30/11/-0001

Sự thành công của một phim Việt hiện nay không chỉ đo bằng số tiền bán vé, tỳ suất người xem mà còn ở lượng thương hiệu, nhãn hàng xuất hiện trong phim.

Xem hình ảnh, nghe tên thương hiệu
 
Xem phim Hai Phượng - một tác phẩm hành động có bối cảnh sông nước, nhân vật chính xuất thân giang hồ, tưởng chừng chẳng có chỗ nào thích hợp để “nhét” quảng cáo vào, nhưng người xem vẫn nghe được tên một ứng dụng đặt xe công nghệ thốt ra từ miệng nhân vật anh công an, trong phân cảnh Hai Phượng đến trình báo mất con. Trong phim Chàng vợ của em, tên một trung tâm dạy yoga cao cấp xuất hiện cận cảnh trong một khung hình và còn được nhân vật nữ xướng lên.
Cảnh phim Chàng vợ của em.
 
Không chỉ phim chiếu rạp, phim truyền hình cũng ghi nhận cuộc đổ bộ của các thương hiệu. Khán giả từng xem Tình khúc bạch dương hẳn không ít lần bực mình vì nghe ra rả tên một ngân hàng, tên công ty bất động sản được cài đặt lộ liễu trong các đoạn thoại. Thậm chí có tập, nhân vật Linh và Trang kéo nhau đến một tòa nhà văn phòng công ty bất động sản và Trang thao thao bất tuyệt với Linh về những tiện ích của dự án. Cùng lúc đó, máy quay lia cận cảnh tên, hình ảnh khu căn hộ in trong cuốn catalog quảng cáo mà Trang đang cầm. 
 
Xem phim Gạo nếp gạo tẻ, khán giả chết ngộp trong hàng loạt sản phẩm đồ uống mà sản phẩm nào cũng được quay cận nhãn hiệu. Có lúc, trong một khung hình, gương mặt diễn viên bị làm mờ để tôn lên tên sản phẩm.
Cảnh phim Tình khúc bạch dương.
 
Dịp tết vừa qua, Ngũ hợi tấn hỷ - bộ phim truyền hình về nghề làm nước mắm truyền thống - đưa hẳn một thương hiệu nước mắm khá mới trên thị trường vào câu chuyện phim. Qua đó, hình ảnh, tên thương hiệu được các nhân vật “danh chính ngôn thuận” nhắc liên tục. Mảng phim chiếu trực tuyến, như loạt phim ngoại truyện của Người phán xử, Quỳnh búp bê, Cả một đời ân oán thì không khác gì phim quảng cáo “đột lốt” phim truyện, vì các thương hiệu còn dày đặc hơn.
 
Khán giả xem phim Việt không còn lạ gì hình thức tiếp thị bằng cách đặt sản phẩm vào phim của các doanh nghiệp. Có điều, nếu lồng ghép quảng cáo trước đây chỉ dừng ở việc thu vào ống kính hình ảnh sản phẩm thì giờ đây nhãn hàng, sản phẩm trở thành chính nội dung của phim, thông qua bối cảnh, đạo cụ, phục trang, lời thoại…
 
Chọn mặt gửi vàng
 
So với các kênh PR sản phẩm, phim ảnh được xem là kênh quảng bá, tiếp thị hiệu quả nhất, vì ít tốn kém so với giá một mẩu quảng cáo trên truyền hình, trói buộc khán giả một cách tự nhiên, vì muốn hay không thì khi xem phim, khán giả vẫn phải tiếp nhận nội dung quảng cáo. Thậm chí, nếu biết cách lồng ghép khéo léo, sản phẩm còn có thể tạo ra xu hướng, nhất là trong lĩnh vực thời trang. 
 
Nói về lý do chọn phim ảnh để quảng bá sản phẩm, ông Michael Huỳnh - giám đốc điều hành một công ty nước mắm, nhà tài trợ cho phim Ngũ hợi tấn hỷ - cho biết: “Khi nghe nhà sản xuất phim  nói sắp làm một phim chiếu tết về ngành nghề nước mắm, nhân lúc công ty mới tung ra sản phẩm được ba tháng, đang chưa biết dịp nào để giới thiệu, nên chúng tôi chọn ngay cơ hội tốt này để quảng bá”.
Dàn diễn viên của phim Ngũ hợi tấn hỷ.
 
Về phía nhà sản xuất phim, tài trợ quảng cáo giúp giảm bớt gánh nặng kinh phí làm phim và giảm thiểu rủi ro khi ra rạp. Chia sẻ những thuận lợi và khó khăn trong việc tìm tài trợ cho phim, chị Vũ Phượng - giám đốc sản xuất hãng phim Red Ruby Entertainment - cho biết: “Tài trợ quảng cáo trong phim hiện nay phổ biến là các thương hiệu đồ uống, nước giải khát và thương mại điện tử. Tìm tài trợ địa điểm quay phim, phục trang khá dễ, nhưng tìm gói tài trợ bằng tiền mặt của các nhãn hàng lại khá khó khăn. Phải bàn bạc với họ có khi cả năm trước khi phim bấm máy. Đôi khi còn gặp phải trường hợp éo le - diễn viên trong phim là đại sứ thương hiệu của nhãn hàng đối thủ của nhãn hàng tài trợ cho phim”.
Một cảnh trong phim Ngày ấy mình đã yêu với phía sau là dày đặc logo của đơn vị tài trợ 
 
Sự bắt tay của các nhà làm phim với doanh nghiệp là rất bình thường và việc một phim Việt đưa những sản phẩm Việt vào phim cũng là chuyện nên làm. Tuy nhiên, cả hai phía cần “chọn mặt gửi vàng”, để sự hợp tác mang lại hiệu quả. Nếu tên doanh nghiệp xuất hiện trong một tác phẩm kém chất lượng, sẽ gây ác cảm với người xem; còn nhà làm phim cố kéo tài trợ bằng mọi giá, để rồi phải điều chỉnh kịch bản, câu chuyện thì khi phim ra đời, bị khán giả quay lưng, nhà sản xuất thiệt hại kinh tế đã đành mà uy tín cũng mất. 
 
Hương Nhu/Theo PNO

Đọc thêm các bài khác