Hai phim 'Kiều' và 'Bố già' vì sao lại có cơ hội tham dự Quả cầu vàng 2022?

Đăng lúc: 7:24 am, Ngày 13/12/2021

Việc phim “Kiều” và “Bố già” tham gia tranh tài ở hạng mục "Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất" tại Quả cầu vàng gây nhiều tranh cãi.

Ở vòng sơ loại hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất Quả cầu vàng 2022, Việt Nam có 2 bộ phim tham gia tranh tài là Kiều (đạo diễn Mai Thu Huyền) và Bố già (đạo diễn Trấn Thành, Vũ Ngọc Đãng). Trên trang web của giải thưởng, thông tin về 2 bộ phim cũng được đăng tải cùng nhiều bộ phim đại diện từ các quốc gia.
 
Trong phần giới thiệu về 2 dự án, ban tổ chức Quả cầu vàng đều dành sự trân trọng, cung cấp nhiều thông tin cơ bản về ý tưởng thực hiện phim. Về đánh giá chất lượng, Kiều được nhận xét tốt về trang phục, màu sắc phim, âm nhạc và đặc biệt nhấn mạnh, bộ phim do nữ đạo diễn thực hiện. Tại Quả cầu vàng, yếu tố nữ giới được quan tâm.
 
Về phần Bố già, phim được nhận xét có phong cách hài hước, pha trộn giữa Việt và Hàn. Phim đạt doanh thu kỷ lục tại Việt Nam (hơn 460 tỷ đồng), hơn 23 tỷ đồng tại các rạp phim ở Mỹ và chiếu thêm ở một số quốc gia khác.
Poster phim Bố già của Trấn Thành
 
Sau khi thông tin được đăng tải, dư luận trong nước khá ngạc nhiên vì Việt Nam có tới 2 đại diện tham dự Quả cầu vàng, quan trọng hơn, khán giả còn bàn luận, so sánh về chất lượng 2 bộ phim. Trong đó, nhiều người tỏ ra khó hiểu khi Kiều được góp mặt tại vòng sơ loại vì trước đó, khi ra mắt, bộ phim vấp phải nhiều ý kiến trái chiều về chất lượng.
 
Còn với Bố già, chỉ cách đây vài ngày, phim vừa được Cục Điện ảnh chọn làm đại diện Việt Nam dự Oscar. Tuy nhiên, dù tại Oscar hay Quả cầu vàng, một phim thương mại như Bố già cũng nằm ngoài dòng phim art-house (phim nghệ thuật) mà các giải thưởng nhắm đến. Do đó, Bố già gần như khó có cơ hội để tạo bất ngờ.
 
Trước ồn ào dư luận, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho biết: “Cục Điện ảnh không cử phim KiềuBố già dự Quả cầu vàng, 2 bộ phim này có mặt ở vòng sơ loại là do nhà sản xuất tự gửi dự thi. Mỗi liên hoan phim có một yêu cầu riêng, trong đó, do Oscar có yêu cầu phim tham dự là phim duy nhất đại diện cho quốc gia nên mỗi năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Cục Điện ảnh lập hội đồng tuyển chọn, cử tham dự. Còn lại, với các liên hoan phim khác, nhà sản xuất tự tìm hiểu và gửi dự thi”.
Poster phim Kiều của Mai Thu Huyền
 
Về việc mỗi bộ phim đi thi quốc tế đều là cơ hội để điện ảnh Việt Nam được quảng bá ra thế giới, với ý kiến cho rằng, nên chăng cần vòng sơ loại trước từ trong nước nhằm chọn ra bộ phim tốt, phù hợp chinh chiến tại các giải thưởng điện ảnh lớn, ông Vi Kiến Thành cho rằng không cần thiết.
 
“Mỗi giải thưởng điện ảnh đều có yêu cầu riêng, cho nên, các nhà sản xuất trong nước chỉ cần tìm hiểu kỹ và lượng sức mình tham dự. Các quy định đều được ban tổ chức đề ra cụ thể thì tại sao Việt Nam lại cần “sinh” thêm quy tắc khác biệt hay luật chơi của riêng mình làm gì? Việc tham dự hay không là tự do, phụ thuộc vào các nhà sản xuất, phía Cục không có ý kiến”, ông Vi Kiến Thành nói thêm.
 
Trong các yêu cầu đối với phim dự hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất Quả cầu vàng 2022, ngoài một số thay đổi liên quan đến việc phát hành do dịch Covid-19, theo điểm k của quy định, mỗi quốc gia không giới hạn số lượng phim tham dự. Do đó, sự xuất hiện của KiềuBố già tại Quả cầu vàng đều hợp lệ.
 
Tuy nhiên, từ đây, những nỗi lo riêng cũng dần xuất hiện, rằng khi những bộ phim gây tranh cãi về chất lượng của Việt Nam đều có thể xuất hiện tại các giải thưởng điện ảnh lớn, ngoại trừ Oscar, thì liệu về lâu dài có khiến dư luận quốc tế “hiểu lầm” về chất lượng mặt bằng phim Việt hay không? 
 
Theo PNO

Đọc thêm các bài khác