Truyện ngắn: Diễm xưa chỉ còn là giấc mơ

Đăng lúc: 8:23 am, Ngày 31/03/2025

Diễm xưa là giấc mơ, là nguồn cảm hứng, là nỗi đau ngọt ngào mà ông ôm ấp suốt đời. Còn Diễm nay là hiện thực...

Chiếc taxi dừng trước cổng khách sạn mini Hoài Hương. Một người đàn ông tuổi ngoài 70 bước xuống xe, dáng cao dong dỏng, hơi mảnh khảnh, mái tóc dài đã bạc hơn nửa đầu, đeo cặp mắt kính gọng vuông, mặc chiếc áo sơ mi trắng dài tay, quần tây màu xám, tay chống gậy chậm chậm đi vào khách sạn. Nhìn thấy khách vào, cậu lễ tân nhanh nhảu đón tiếp:
 
-Cháu chào quý khách!
 
Ông cười nhẹ, đưa bàn tay lên như ngăn lại. Ông nói, chất giọng Huế pha chút âm sắc Nam bộ:
 
-Cảm ơn chú. Bác không thuê phòng.
 
Cậu lễ tân ngơ ngác, không hiểu. Ông liền giải thích:
 
-Ngày xưa, đây là nhà của bác, à đúng hơn là của gia đình bác. Có dịp trở lại quê hương, bác ghé thăm lại - ông chỉ bậc thềm - Cháu cho phép bác ngồi đây được rồi. Bác ngồi một chút rồi bác đi ngay.
 
Cậu gật đầu, không quên mời ông vào trong phòng khách. Nhưng ông khoát tay ra hiệu không cần, rồi ngồi xuống bậc thềm.
 
Người đàn ông này là một họa sĩ nổi tiếng trong Sài Gòn, mọi người hay gọi là "anh Sơn". Có đến mười năm rồi, ông mới trở lại Huế. Ngôi nhà cũ của gia đình, nơi ông từng sống những năm tháng thiếu thời, giờ đã biến thành một khách sạn nhỏ. Ông không ngạc nhiên, cũng không buồn. Thời gian vốn dĩ không chờ đợi ai, và những gì từng là của ông giờ đã thuộc về người khác. Đó là quy luật kế thừa, tiếp nối. 
 
Ngồi xuống bậc thềm, ông đưa mắt nhìn xung quanh. Lần trước về, nơi đây là quán cà phê Thiên Thai, còn bây giờ là khách sạn mini Hoài Hương. Mọi thứ đã thay đổi hết rồi. Ông bồi hồi, một cảm xúc khó tả, tạo nên dòng điện chạy dọc sóng lưng. Mắt ông cay cay. Mới đó mà hơn 50 năm. Ông nhớ rõ cái ngày cả nhà rời Huế vào Sài Gòn, trời mưa tầm tả. Trong khi các em háo hức, chạy tới chạy lui khiêng đồ đạc chất trên xe thì ông ngồi lặng lẽ trên băng ghế đá trong sân nhà, tay ôm chặt cây guitar kỷ niệm mà mẹ tặng khi bức vẽ của ông đạt giải nhì, hình như giữa năm đệ tam thì phải. Cây đàn đó hiện ông vẫn giữ nhưng âm thanh của nó đã loãng, được ông treo trong phòng ngủ.
 
Ngồi chừng đâu 15 phút, ông đứng lên, cảm ơn cậu lễ tân rồi chầm chậm bước ra khỏi khách sạn. Nhìn sang bên trái, ông tìm cây cổ thụ cổ thụ mà thuở nhỏ ông cùng chúng bạn thường rủ nhau đứng xung quanh rồi tiểu vào gốc cây, nó vẫn còn đó, vững chãi, vẫn xanh mát dù gần trăm tuổi. Dưới gốc cổ thụ, có một xe bán nước mía, tiếng máy ép mía khô khốc như thiếu dầu. Cũng đang khát nên ông bước đến chiếc xe nước mía, ngồi xuống chiếc bàn gỗ nhỏ. Người đang đứng ép mía là một phụ nữ lớn tuổi, khoảng gần 70. Thấy ông, người phụ nữ quay sang hỏi:
 
-Bác uống nước phải không?
Đùng là Diễm ngày xưa rồi.
 
Ông Sơn nhìn bà bán nước mía, đôi mắt sâu thẳm của ông khựng lại. Trong một khoảnh khắc, tim ông như ngừng đập. Hình như đó là Diễm. Nốt ruồi son bên đuôi mắt phải, dấu ấn mà ngày xưa ông từng lặng lẽ ghi nhớ qua hàng trăm lần đứng trước cửa nhà nhìn nàng đi ngang, từng vẽ lại trên giấy bằng những nét chì run run của tuổi trẻ, giờ vẫn còn đó, rõ ràng như chưa từng phai mờ. Hơn 50 năm trôi qua, khuôn mặt có thể đổi thay, tóc có thể bạc, nhưng nốt ruồi ấy, như một vết ký ức không thể xóa, đã kéo ông về những ngày cũ.
 
Bất chợt trong đầu ông, hình ảnh cô thiếu nữ áo dài trắng, tóc dài buông thả, đội nón lá, bước đi nhẹ nhàng qua con đường nhỏ trước nhà mình những năm xưa hiện về, sống động như vừa mới hôm qua. Nàng tên Diễm. Ngày đó, Diễm khiến bao anh chàng chết mê chết mệt. Tình cờ một hôm, ông chạy xe đạp về nhà, gặp Diễm trước cửa. Ông lúng túng khi thấy nàng, được nhìn thẳng vào mắt nàng, và nốt ruồi son ấy đã in sâu vào tim ông từ cái nhìn đầu tiên. Diễm khẽ mỉm cười rồi lách người bước đi. Chỉ bấy nhiêu thôi đã khiến ông nhớ đến cả đời.
 
Thế là từ hôm ấy, ngày nào ông cũng đứng trước cửa nhà chờ Diễm đi ngang qua. Chỉ nhìn thôi, không chào hỏi, không nói gì. Ông tương tư nàng. Tuy nhiên, ông không bao giờ dám nói với nàng một lời yêu thương nào, không bao giờ dám gửi đi những bài thơ, những bản nhạc ông viết cho riêng nàng. 
 
Đó là Diễm của ngày xưa. Không phải Diễm của ông nhưng lại khiến ông khắc sâu trong tim. Hầu hết, những bức vẽ chân dung của ông đều có hình bóng của Diễm.
 
Còn Diễm của hôm nay, đang hiện diện trước mặt ông chỉ còn lại nốt ruồi son ở đuôi mắt phải. Không còn là thiếu nữ áo dài trắng trong ký ức, mà là là một người đàn bà lớn tuổi, tóc điểm bạc, đôi tay gầy guộc chai sần cùng dáng vẻ khắc khổ. Một đám học trò chạy xe đạp ghé qua xe nước mía, giọng rổn rảng:
 
-Bà Diễm cho bọn con bốn bịch nước mía, nhiều tắc, bà nhé!
 
Đùng là Diễm ngày xưa rồi. Gương mặt dù đã hằn sâu những nếp nhăn thời gian, nhưng bà vẫn giữ nét được nhu mì, nét dịu dàng mà ông từng say đắm năm xưa. Ông không nói gì, chỉ lặng lẽ cầm ly nước mía, đôi tay gầy run run đưa lên môi, uống từng ngụm chậm rãi để giấu đi cơn sóng đang dâng trào trong lòng.
 
Bà không nhận ra ông. Chắc chắn rồi vì ông chỉ là một trong số hàng chục anh chàng si mê cố thiếu nữ tên Diễm. Ông cũng không muốn bắt chuyện, không muốn tự thú rằng mình từng là gã si tình bà trong thầm lặng. 
 
Ông cũng muốn hỏi bà điều gì đó, để nghe giọng nói của bà, để xác nhận rằng bà chính là Diễm của ông. Nhưng ông không làm được. Lời nói mắc kẹt trong cổ họng. Ông sợ mọi thứ sẽ vỡ tan, ký ức của ông về Diễm sẽ bị thay thế bởi hiện thực. Ông chỉ ngồi đó, nhìn bà.
 
Sau này, một người bạn cũ vẫn sống ở Huế kể lại cho ông Sơn nghe về Diễm. Bà chính là cô thiếu nữ áo dài trắng năm nào, người từng khiến trái tim ông rung động chỉ bằng một ánh mắt thoáng qua và nốt ruồi son bên đuôi mắt phải - chi tiết mà ông đã khắc sâu trong từng nét vẽ, giấu kỹ trong từng giấc mơ suốt hơn 50 năm. “Đẹp rứa, nhưng đời o khổ lắm!” - người bạn thở dài.
 
Diễm lấy chồng sớm, một người buôn hàng quần áo qua đèo Hải Vân. Chồng mất trong một tai nạn thảm khốc, để lại bà với bốn đứa con nhỏ. Một mình Diễm gồng gánh, tần tảo nuôi lũ con nheo nhóc qua những ngày cơ cực. Sau đó, bà chắp nối với một anh thợ điện, sinh thêm hai đứa nữa, nhưng người này cũng chẳng ở lại lâu với đời bà. Giờ đây, dưới gốc cây cổ thụ, vì hoàn cảnh, bà Diễm vẫn phải vất vả, ép từng ly nước mía bằng đôi tay chai sần, ánh mắt vẫn dịu dàng nhưng đượm buồn, như mang theo cả những năm tháng nhọc nhằn. Ông Sơn nghe mà lòng quặn thắt, thương cho Diễm của hiện thực, nhưng vẫn không thể xóa đi hình bóng Diễm xưa - cô gái mười sáu tuổi mãi mãi trong trẻo trong tim ông.
 
Ngay ngày hôm sau, ông Sơn quyết định rời Huế, trở về Sài Gòn. Ông chọn xe lửa, bỏ vé máy bay đã mua trước sự ngạc nhiên của thằng cháu nội. Ông không muốn xa Huế nhanh chóng chỉ sau vài chục phút bay, mà muốn có nhiều thời gian hơn để hoài niệm nơi mình sinh ra, nơi có người con gái tên Diễm.
 
Trên chuyến xe lửa đường dài, ông ngồi lặng lẽ, dáng người gầy gò nép vào ghế, đôi mắt sâu thẳm nhìn ra cửa sổ. Cảnh vật hai bên trôi lại phía sau như những thước phim tua ngược. Hình ảnh Diễm của ngày hôm nay cứ hiện lên trong đầu ông, xen lẫn với Diễm của những ngày xưa. Hai người phụ nữ ấy, dù là một, lại như hai mảnh ghép không thể hòa hợp trong tâm trí ông. Diễm xưa là giấc mơ, là nguồn cảm hứng, là nỗi đau ngọt ngào mà ông ôm ấp suốt đời. Còn Diễm nay là hiện thực, là sự thật mà ông không thể chối bỏ, nhưng cũng không thể hoàn toàn chấp nhận.
 
Về đến Sài Gòn, ông Sơn trở lại xưởng vẽ của mình. Ông đứng trước giá vẽ, dáng mảnh khảnh khẽ nghiêng, tay cầm cọ nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Ông muốn vẽ Diễm, nhưng là Diễm nào? Diễm xưa với áo dài trắng, tóc dài bay trong gió, hay Diễm nay với dáng dấp khắc khổ, nụ cười nhã nhặn? Ông đứng đó rất lâu, để mặc cho những cảm xúc trong lòng trỗi dậy rồi lại lắng xuống. Cuối cùng, ông đặt những nét cọ đầu tiên xuống khung vải. Một Diễm của hiện tại dần hiện ra với ánh mắt đa đoan, u sầu.
 
Ông Sơn không trở lại Huế nữa. Vì đó cũng là chuyến đi cuối cùng của ông. Ông đã gặp lại Diễm, thế là đủ.
 
2015 - 2025
C.N.Phước
duong2468@gmail.com

Đọc thêm các bài khác