Một bức tranh từng lan truyền trên mạng xã hội được cho là tranh cổ Nhật Bản, vẽ cảnh một người phụ nữ cắt vạt áo kimono để không đánh thức con mèo đang ngủ.
Hình ảnh này dẫn đến sự liên tưởng đến thành ngữ Trung Hoa “Đoạn tụ chi phích” (斷袖之癖) - nghĩa là “cắt tay áo vì điều yêu thích”, một cách nói ẩn dụ cho tình yêu đồng giới nam.
Tuy nhiên, bức tranh này không phải tranh cổ mà là tác phẩm hiện đại mang tên “Vị miêu đoạn tụ” (Vì mèo mà cắt tay áo) do họa sĩ người Nga Galina Zhiganova thực hiện vào năm 2007. Phong cách Nhật Bản trong tranh - từ trang phục, gương mặt nhân vật đến chữ viết - khiến nhiều người nhầm lẫn. Theo người dùng Vân Song (芸窗) trên Twitter, họa sĩ lấy cảm hứng từ ý tưởng cổ xưa về việc hy sinh sự tiện lợi bản thân để không làm phiền vật nuôi hoặc người thân yêu đang ngủ.
Bức tranh Vị miêu đoạn tụ của họa sĩ Nga Galina Zhiganova thực hiện vào năm 2007
Câu chuyện tương tự từng xuất hiện trong lịch sử: Nhà tiên tri Muhammad được cho là đã cắt tay áo choàng của mình để không đánh thức con mèo nằm ngủ trên đó. Nhiều nhân vật lịch sử cũng nổi tiếng là người yêu mèo, như Hồng y Richelieu, Victor Hugo, Ernest Hemingway hay lãnh tụ Lenin.
Từ việc "vì mèo mà cắt áo", câu chuyện dẫn tới nguồn gốc thành ngữ "Đoạn tụ chi phích" - vốn bắt nguồn từ mối tình nổi tiếng giữa vua Hán Ai Đế (Lưu Hân, trị vì 7 TCN - 1 TCN) và mỹ nam Đổng Hiền.
Bức tranh cổ từ thời nhà Thanh, một người phụ nữ đang theo dõi một cặp tình nhân nam đang âu yếm nhau
Theo sử sách, Lưu Hân gặp Đổng Hiền - một quan viên phụ trách xem đồng hồ nước trong cung - và đem lòng yêu say đắm. Vua sủng ái Đổng Hiền tới mức ban cho nhiều vàng bạc, tước vị, đưa cả gia đình họ Đổng vào cung. Mỗi lần xuất cung, Đổng Hiền đều được đi cùng vua, về cung thì ở bên cạnh chăm sóc.
Một lần, khi cả hai cùng ngủ trưa, đầu Đổng Hiền tựa vào tay áo của hoàng đế. Khi tỉnh dậy, Lưu Hân không nỡ đánh thức người tình đang ngủ say nên đã dùng kiếm cắt phần tay áo để rời khỏi giường. Câu chuyện này về sau được người đời ghi nhớ như biểu tượng của tình yêu đồng giới nam và trở thành điển tích “Đoạn tụ chi phích”.
Vua Hán Ai Đế và Đổng Hiền
Đổng Hiền, nam nhân của vua Hán Ai Đế
Trong triều đại nhà Hán, không chỉ Hán Ai Đế mà một số vua khác như Hán Cao Tổ và Hán Huệ Đế cũng được ghi nhận có mối quan hệ đặc biệt với các mỹ nam trong cung như Tịch Nhụ và Hoành Nhụ.
Dù ngày nay nhiều người hiểu nhầm bức tranh "Vị miêu đoạn tụ" là tranh cổ Nhật Bản, thực tế câu chuyện đằng sau nó lại gắn liền với một trong những giai thoại tình yêu nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa, hé lộ một góc nhìn khác về giới tính và tình cảm thời xưa - nơi mà tình yêu không luôn mang hình hài cổ điển như ta vẫn nghĩ.
Tổng hợp theo TNO