Dù không còn trên bản đồ hành chính nhiều thập kỷ, ba địa danh Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định vẫn gắn bó sâu đậm trong đời sống người dân TP.HCM.
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn (nằm ở phường Bến Nghé, nơi dự tính thay đổi tên thành phường Sài Gòn) những năm đầu thế kỷ 20 và lúc chưa tiến hành tu sửa. Ảnh: Tư liệu
Mới đây, theo đề xuất sắp xếp đơn vị hành chính, ba tên này có thể được dùng đặt cho các phường mới tại quận 1, 5 và Bình Thạnh. Nếu được thông qua, đây là lần đầu tiên từ ngày 2/7/1976 các địa danh này trở lại bản đồ hành chính thành phố sau khi Sài Gòn - Gia Định được đổi tên thành TP HCM.
- Sài Gòn có lịch sử hơn 300 năm, xuất hiện đầu tiên trong sách Phủ biên tạp lục (1776) của Lê Quý Đôn. Nguồn gốc tên gọi có nhiều giả thuyết như: Thầy Gòn, Đê Ngạn, Tây Cống, Củi Gòn, Prey Nokor (thị trấn giữa rừng)... Ban đầu, Sài Gòn là tên chỉ vùng đất rộng lớn, bao gồm cả Chợ Lớn. Năm 1861, Pháp lập TP Sài Gòn, ban đầu gồm một số xã của huyện Bình Dương và Tân Long thuộc tỉnh Gia Định. Năm 1877, Sài Gòn được xếp là thành phố cấp I và phát triển thành trung tâm đô thị hiện đại, được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”.
Chợ Bình Tây, thuộc khu vực Chợ Lớn, những năm 1930 gần như không thay đổi so với hiện nay. Ảnh: Tư liệu
- Chợ Lớn gắn liền với cộng đồng người Hoa đến từ Quảng Đông, Phúc Kiến. Ban đầu là khu chợ lớn của xứ Sài Gòn, năm 1879 được Pháp lập thành TP Chợ Lớn, xếp loại II. Đến năm 1931, Sài Gòn - Chợ Lớn được nhập làm một khu hành chính; đến năm 1956 rút gọn thành Đô thành Sài Gòn. Chợ Lớn từ đó lại quay về là tên một khu vực (quận 5, 6).
- Gia Định từ đầu đã là đơn vị hành chính, lập phủ vào năm 1698 và thành tỉnh vào năm 1836. Thời Pháp thuộc, Gia Định là một trong 20 tỉnh Nam Kỳ. Đến năm 1956, tỉnh Gia Định bao quanh Đô thành Sài Gòn, gồm các quận: Gò Vấp, Tân Bình, Hóc Môn, Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ… Năm 1975, Gia Định (trừ Cần Giờ) sáp nhập với Sài Gòn thành TP Sài Gòn - Gia Định, đến 1976 đổi tên thành TP.HCM.
Tàu lửa đi trên đường Bùi Hữu Nghĩa để ra ga Gia Định, hay còn gọi ga Bà Chiểu (nay thuộc quận Bình Thạnh) những thập niên đầu thế kỷ 20. Ảnh: Tư liệu
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi cho rằng việc dùng các tên gọi xưa đặt cho phường mang ý nghĩa lưu giữ ký ức lịch sử, nhưng cũng có thể làm thu hẹp phạm vi văn hóa vốn rộng lớn của các địa danh. Ông đề xuất nên lưu giữ qua sản phẩm văn hóa, du lịch, thương hiệu, vì "tâm thức cộng đồng là nơi lưu giữ mạnh mẽ nhất".
KTS Ngô Anh Vũ (Sở Xây dựng TP.HCM) cho rằng việc đặt tên các phường mới là cách nhắc nhớ về lịch sử. Dù tên địa danh dùng cho một phường, trong ý thức cộng đồng, đó vẫn là chỉ dẫn cho cả vùng rộng lớn mang dấu ấn lịch sử.
Theo TTO