Cha - con, xiếc kungfu và những cuộc mưu sinh nguy hiểm

Đăng lúc: 8:24 am, Ngày 02/06/2015

Hơn một năm nay cha con Huỳnh Long - Kỳ Anh luôn đồng hành bên nhau trong những chuyến lưu diễn.

Ở chương trình Người bí ẩn tập 8, cậu bé Kỳ Anh nhỏ như cái kẹo đã khiến hàng triệu khán giả xem truyền hình thót tim khi biểu diễn tiết mục cho xe mô tô chở bốn chạy qua người. Ba tuần sau đó, một diễn viên xiếc kungfu khác - diễn viên Huỳnh Long lại một lần nữa làm người xem nín thở khi dùng lưỡi chặn cánh quạt đang quay.

Không chỉ là diễn viên của bộ môn xiếc đầy tính mạo hiểm và thử thách, giữa họ còn có một liên hệ đặc biệt. Cậu bé “cái kẹo” ấy chính là con trai của Huỳnh Long, người được ví von đang “sở hữu” chiếc lưỡi của siêu nhân.
Cha con Huỳnh Long - Kỳ Anh.Cha con Huỳnh Long - Kỳ Anh.

1. Có vẻ như hơi mâu thuẫn với những điều anh Huỳnh Long đã nói sau phần biểu diễn của mình: “Tôi không bao giờ cho con theo nghề nguy hiểm của mình”. Nhưng thực tế, dường như cha con anh không có sự lựa chọn nào khác, hệt như cách anh đến với xiếc kungfu cách đây hơn mười năm.

Khi đó, thu nhập của anh “thợ đụng” Huỳnh Long không thể nuôi nổi vợ con nên nghe em trai là diễn viên xiếc kungfu Bảo Long rủ rê đi theo đoàn xiếc của gia đình bên vợ, Huỳnh Long mừng như người chết đuối vớ được cọc, dù biết nghề mình theo đuổi ẩn chứa nhiều hiểm họa.

Hơn mười năm theo nghề xiếc kungfu, Huỳnh Long không còn nhớ đã bao nhiêu lần mình bị tai nạn trong lúc tập luyện và biểu diễn. Luyện xiếc kungfu thì đừng tính chuyện chảy máu, bầm tím hay mắc bệnh viêm họng, ho mạn tính... Huỳnh Long không nhớ bao nhiêu lần anh bị dao, kiếm đâm rách họng; rách mi mắt vì dùng mắt để kéo vật nặng... do mất tập trung khi tập luyện, biểu diễn.

Nhưng, lần kinh hoàng nhất là lúc anh tập cho rắn luồn qua mũi. Bình thường khi tập tiết mục này, rắn sẽ được bẻ răng để đỡ nguy hiểm. Nhưng nếu bẻ răng rắn sẽ nhanh chết. “Nhà mình nghèo, tiết kiệm được đồng nào, đỡ đồng đó. Tôi không bẻ răng rắn để ít nhất rắn cũng sống được một tuần. Không ngờ lúc tập luyện răng của rắn mắc lại bên trong hốc mắt. Càng kéo, mắt càng tổn thương khiến máu chảy thành dòng.

Chỉ đến khi em trai Bảo Long đến, hướng dẫn tôi xoay nhẹ để răng rắn lơi ra, tôi mới được giải thoát” - anh kể lại chuyện của mấy năm trước nhưng ánh mắt, giọng nói vẫn thảng thốt. Lần nào cũng vậy hễ bị thương là anh lại tự điều trị cho mình bằng những phương thuốc gia truyền mà ai làm xiếc kungfu cũng phải thuộc nằm lòng vì... “Làm nghề này mà đi bệnh viện thì… tốn kém kể không xuể!”.

Cũng là con người, cũng là da, là thịt, anh nói: “Không biết bao nhiêu lần tôi có cảm giác sợ hãi đến lạnh người khi phải tập hay biểu diễn lại sau khi bị thương. Nhưng nếu không tập, không diễn thì không biết làm nghề gì để nuôi gia đình. Vậy là lại cố gắng vượt qua nỗi sợ hãi, đau đớn để tiếp tục với nghề. Tổ nghiệp đã cho tôi một công việc, tôi tin tổ nghiệp cũng sẽ bảo vệ, che chở cho mình”.
Cha con Huỳnh Long - Kỳ Anh.Huỳnh Long và màn dùng lưỡi chặn cánh quạt đang quay.

Dù chủ yếu chỉ biểu diễn ở hội chợ, nhưng sự cạnh tranh của những nghệ sĩ xiếc kungfu không kém khốc liệt. Màn biểu diễn càng nguy hiểm, càng khiến khán giả thót tim, cơ hội được bầu sô mời càng cao. Đó là lý do khiến Huỳnh Long lúc nào cũng phải nghĩ ra những tiết mục mới, bất chấp việc luyện tập và biểu diễn có thể nguy hiểm đến tính mạng.

“Tôi chưa bao giờ khóc ngay cả những lúc đau đớn vì tai nạn bất ngờ trong tập luyện, biểu diễn, nhưng mỗi lần xem lại phần biểu diễn của con trên internet, tôi lại rơi nước mắt. Tôi khóc vì mình đã không đủ sức giữ cho con đừng đi theo cái nghề khổ cực và nguy hiểm của mình”. Giọng người cha nghẹn ngào, bất lực…

2. Ngày còn nhỏ, Kỳ Anh hay thắc mắc: “Không biết ba bị bệnh gì mà lúc nào cũng thấy ba ho. Có khi còn thấy ba ho ra máu”. Năm học lớp 7, tận mắt chứng kiến ba cho rắn vào mũi, máu chảy ròng ròng Kỳ Anh hốt hoảng ôm ba khóc thét. Nỗi sợ hãi và những gì tận mắt đã ám ảnh tâm trí Kỳ Anh kể từ đó. Kỳ Anh không còn đầu óc đâu để học hành. Ba đi diễn, Kỳ Anh đếm từng ngày và chỉ yên lòng khi thấy ba lành lặn quay về.

Trong câu chuyện của mình, nhiều lần cậu bé nghẹn giọng khi kể về những lần ba húng hắng ho suốt đêm, về những tai nạn Kỳ Anh đã tận mắt chứng kiến, về những lần hai cha con lủi thủi tự chăm sóc vết thương cho nhau…

Không còn nhớ bao nhiêu lần, Kỳ Anh hỏi ba sao không tìm một công việc khác. Lần nào cũng là câu trả lời quen thuộc “Ba chỉ có nghề xiếc kungfu để nuôi gia đình, nghỉ rồi, cả nhà sẽ sống sao đây?”. Sợ nghề của ba, nhưng không hiểu sao Kỳ Anh lại có cảm giác rất kỳ lạ mỗi lần được nghe tiếng vỗ tay của khán giả khi ba đang biểu diễn trên sân khấu. Kỳ Anh nài nỉ xin ba cho luyện nội công, khí công với ước mơ một ngày cũng sẽ được đứng trên sân khấu.

Hơn hai năm tập luyện, Kỳ Anh được ba cho biểu diễn một số tiết mục đơn giản như dùng cổ uốn cong thanh sắt, nâng vật nặng bằng yết hầu... Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng từng có lần Kỳ Anh bị rách da cổ khi nâng vật nặng và cảm nhận một cách rõ ràng sự đau đớn khi phải tiếp tục biểu diễn lúc vết thương cũ chưa lành.
Cha con Huỳnh Long - Kỳ Anh.Kỳ Anh biểu diễn tiết mục dùng vùng da yết hầu nâng vật nặng ở tuổi 15.

Rong ruổi theo ba, Kỳ Anh mới hiểu hết nỗi vất vả, nguy hiểm ba phải đối mặt hàng ngày. Cho đến lần ba bị rách mắt khi dùng mắt nâng hai xô nước thì Kỳ Anh quyết định không thể để ba đi diễn một mình.

Học hết lớp 9, Kỳ Anh nằng nặc xin nghỉ học vì “Con muốn được đi phụ ba. Ba không còn khỏe như lúc trước nên con không yên tâm nếu ba chỉ có một mình!”.

3. Hơn một năm nay cha con Huỳnh Long - Kỳ Anh luôn đồng hành bên nhau trong những chuyến lưu diễn. Đi theo tiếp phụ đồ nghề cho ba là chính, chỉ thỉnh thoảng Kỳ Anh mới được ba cho biểu diễn. Lạ một điều, cứ lên sân khấu, nghe tiếng khán giả hò reo cổ vũ, là Kỳ Anh quên hết mọi nỗi sợ hãi, chỉ ước mình có thể được ba cho biểu diễn tiết mục khó hơn, mạo hiểm hơn.

Nhìn con háo hức khi được lên sân khấu; phấn khích với tiếng vỗ tay của khán giả, Huỳnh Long nói anh cũng không thể xác định được mình đang buồn hay nên vui. Và ngay cả khi Kỳ Anh được chú ý sau lần xuất hiện trong chương trình Người bí ẩn, người cha Huỳnh Long vẫn giữ suy nghĩ: Chờ một thời gian nữa khi Kỳ Anh đủ lớn, đủ chín chắn để xác định nghề nghiệp con thực sự yêu thích.

Khi đó, dù có thiếu thốn đến mấy, nhất định anh cũng phải cho Kỳ Anh đi học để con không phải mưu sinh bằng sự hiểm nguy của bản thân mình.

Hỏi Kỳ Anh: “Nếu giờ có ai nhận con học nghề miễn phí, con có chịu theo học không?”, mắt Kỳ Anh sáng lên những tia vui mừng, nhưng chỉ vài giây sau, giọng Kỳ Anh lại chùng xuống: “Con không đi học đâu. Con muốn đi làm với ba. Ba con giờ lớn tuổi và không còn khỏe mạnh như trước. Con không muốn ba phải đi làm một mình. Con sợ lắm…”.

Theo Thảo Vân/Phụ nữ