Cuộc tình say đắm của Hồng Vân

Đăng lúc: 8:42 am, Ngày 04/06/2017

Nhà viết kịch Lê Chí Trung đã viết: "Người ta vẫn hy vọng, vẫn thèm sự tỏa sáng trở lại của một diễn viên, đạo diễn Hồng Vân hơn mọi thứ phù du trên đời…".

Người từng gắn bó sâu đậm nhất với tôi trên sân khấu TP.HCM là Hồng Vân. Cô ấy luôn duyên dáng bay lượn trên những trang viết của tôi, cả với tư cách diễn viên và đạo diễn. Với tôi, đó là một cuộc tình đắm say, đầy thăng hoa nghệ thuật, dù Hồng Vân của ngày xưa và mãi mãi chỉ là cô em bé nhỏ, đôi lúc có thể đem đến cho nhau những muộn phiền không đáng có.
 
1. Trước ngày dựng lên Sân khấu kịch Phú Nhuận, Hồng Vân và Lê Tuấn Anh đến nhà tôi. Vân bảo: "Anh phải viết kịch bản và làm cố vấn cho em. Khán giả TP.HCM đang thiếu đặc sản phở Bắc, em muốn đưa dòng văn học lãng mạn Việt Nam lên sân khấu".
 
Chúng tôi kéo ra ngoài ban công, ngồi nhìn xuống đường, vừa nhâm nhi vừa tán dương những ý tưởng trên trời dưới đất của nhau, như thói thường của dân văn nghệ. Vậy là ít lâu sau một loạt tác phẩm Giải oan Thị Mầu, Số đỏ, Kỹ nghệ lấy Tây… hương vị Bắc, lần lượt ra mắt khán giả và tạo được nhiều tiếng vang trên sân khấu lúc bấy giờ. Có được Sân khấu Kịch Phú Nhuận nổi đình nổi đám một thời, không thể không nhắc đến đạo diễn Doãn Hoàng Giang, cố họa sĩ Lương Đống, nhà thiết kế Minh Hạnh, cùng các diễn viên: Bằng Kiều, Đức Hải, Tuấn Hưng, Trịnh Kim Chi, Thúy Nga, Thanh Hoài, Anh Vũ… Đặc biệt là Doãn Hoàng Giang. Ông là một đạo diễn đắt sô và có giá cát-sê cao ngất ngưởng trên sân khấu phía Bắc nhưng chỉ nghe tôi và Vân điện thoại về một hướng đi mới cho sân khấu TP.HCM, ông bay ngay vào dựng vở Số đỏ. Giang tuyên bố rất hùng hồn: "Tao không cần tiền. Gạt hết sô, làm chơi với chúng mày một vở cho sướng".
NSND Hồng Vân thời trẻ (trái) và bây giờ.
 
Sau này tôi tiếp tục cộng tác với sân khấu của Hồng Vân thêm nhiều vở nhưng kỷ niệm những ngày đầu anh em còn đi chung đường vẫn là những năm tháng không thể nào quên. Gần mười năm nay tôi rời xa sân khấu của Hồng Vân cũng có vài nguyên do tế nhị, nhất là từ khi cô chuyển hướng sang làm kịch ma, kinh dị.
 
Vở diễn Số đỏ được dàn dựng khá hoành tráng, công phu, ra đời trên sân khấu nhà hát lớn TP.HCM. Tôi còn nhớ đêm diễn tổng duyệt, đạo diễn Trần Minh Ngọc, thành viên hội đồng nghệ thuật, cứ xuýt xoa: "Lâu lắm rồi sân khấu TP.HCM mới có một vở hoàn chỉnh, thỏa mãn những tiêu chí nghệ thuật như thế này". Tiếc rằng, ngay sau đợt công diễn ở Nhà hát Thành phố, được dư luận khen, đến khi đưa về sàn diễn kịch Phú Nhuận, vở đã bị một số người hùa nhau đánh tả tơi. Tôi từng điện thoại cho một cô phóng viên: "Em xem chưa, sao đánh vở dữ quá?". Cô trả lời rất vô tư: "Em chưa kịp đi xem lại, nhưng có người bảo đánh anh. Thôi, thà cứ để em phê bình còn nhẹ tay hơn bao người khác".
 
Tôi không giận cô, chỉ thấy hơi buồn. Giờ cô cũng không còn làm báo. Nghề nào cũng vậy, luôn lẩn khuất rất nhiều bóng tối. Nhất là nghệ thuật làm dâu trăm họ, khi người viết phê bình mà tâm không sáng, người ta có thể chụp mũ, đánh anh kiểu gì cũng được.
 
2. Tôi vẫn nghĩ, dường như sân khấu chưa công bằng với Hồng Vân, hay có thể do người ta chưa nhìn thấy hết tài năng của cô. Ai cũng công nhận Hồng Vân là một trong những diễn viên nữ tài năng hàng đầu Việt Nam. Cô có thể diễn cực kỳ duyên dáng và tinh tế các loại vai, từ bi đến hài kịch, từ đào lẳng, đào mụ, đào thương đến đào độc (như thuật ngữ chỉ diễn viên trên sân khấu truyền thống). Nhưng ít ai thán phục Hồng Vân trong vai trò đạo diễn. Với những vở cô trực tiếp dàn dựng và chỉ đạo nghệ thuật như: Giải oan Thị Mầu, Nước mắt người điên, Kỹ nghệ lấy Tây, Mẹ và người tình..., cô là một trong những gương mặt mà tôi yêu quý nhất. Đó là những vở diễn có thể không rườm rà, hoa mỹ, chỉn chu trong các thủ pháp dàn dựng. Thậm chí còn hơi cẩu thả, tự nhiên chủ nghĩa về bố cục tạo hình, thiết kế sân khấu… Nhưng cô luôn biết khai thác đến từng ngóc ngách chiều sâu tâm lý, đẩy người diễn viên đến tận cùng cảm xúc, bắt họ vắt cạn kiệt và cháy hết mình trong từng lớp diễn.
 
Chính cái "lò bát quái" nhào nặn tâm lý biểu diễn của Hồng Vân đã tạo nên rất nhiều vai diễn để đời cho Bằng Kiều, Ốc Thanh Vân, Lan Phương, Bình Minh… mà đến khi chuyển sang các loại hình nghệ thuật, giải trí khác có thể họ vẫn rất nổi tiếng nhưng không còn giữ được cho mình những giây phút đắm đuối, thăng hoa trong nghề biểu diễn (ngoại trừ ca sĩ Bằng Kiều với sở trường ca hát của anh).
NSND Hồng Vân đã tạo nên nhiều ngôi sao làng kịch TP.HCM.
 
Bằng kinh nghiệm với nghề diễn của mình, Hồng Vân luôn có con mắt tinh đời trong việc phát hiện và đào tạo diễn viên. Rất nhiều diễn viên trẻ từ vô danh nhưng chỉ một vài năm đứng trên sân khấu của bà bầu mát tay này, họ đã nổi bật lên và trở thành những cái tên rất ăn khách. Đó là những Đức Thịnh, Thái Hòa, Lan Phương, Thúy Nga, Ốc Thanh Vân, Thanh Thúy… Nhất là với những diễn viên gọi là diễn viên tay ngang, tình cờ phớt qua sân khấu nhưng đã để lại dấu ấn khó phai trong lòng khán giả.
 
Khi Hồng Vân làm vở khai trương sân khấu Phú Nhuận - vở Giải oan Thị Mầu, cô ríu rít điện thoại khoe với tôi: "Anh ơi, em đã mời được Bằng Kiều vào vai lý trưởng. Eo ơi... Nó diễn duyên lắm nha anh". Thoạt đầu tôi không tin ca sĩ Bằng Kiều xớ rớ ở tận đẩu đâu, nhất là đưa vào một vai diễn hài ý nhị cả trong tình huống và tính cách. Giận cô. Mãi đến ngày sân khấu chạy mộc vở, tôi mới thò mặt đến xem.
 
Thật ngỡ ngàng khi xem Bằng Kiều biểu diễn. Tôi không hiểu tại sao cậu ta lại có thể duyên dáng, đáng yêu, đặc biệt là biết tiết chế ngôn ngữ hình thể đầy ngẫu hứng như thế. Đó thực sự là một tài năng sân khấu trời cho trong một vai diễn lóe sáng, mà không phải diễn viên chuyên nghiệp nào cũng đủ duyên sân khấu và bản lĩnh thể hiện. Hồng Vân luôn có sự nhạy cảm, nhìn thấy trước tiềm năng còn thấp thoáng trong mỗi người diễn viên. Ngoài sự nghiệp ca hát rất nổi tiếng, Bằng Kiều đã để lại ấn tượng qua hai vai diễn: Lý trưởng trong Giải oan Thị Mầu và Xuân tóc đỏ trong Số đỏ.
 
3. Tôi từng một lần nhắc đến bức thư của đại văn hào Nga Anton Pavlovich Chekhov, tác giả của những vở diễn lừng danh thế giới, như Chim hải âu, Vườn anh đào… gửi cho một cô đào hát rất nổi tiếng trên sân khấu Nga, khi ông chia tay người tình: "Cuối cùng thì em không yêu nghệ thuật. Em chỉ yêu những hào quang xung quanh nghệ thuật". Đó là cái hào quang cám dỗ nhưng cũng rất phù du, với những giá trị giả và đầy ngộ nhận.
 
Hồng Vân là một nghệ sĩ rất mực tài hoa, đặc biệt chỉ cần một nụ cười của cô có thể làm cho người ta xóa tan đi phiền muộn. Sau này nghe nói Sân khấu Kịch Phú Nhuận dần thưa vắng khán giả, diễn viên có nghề thì tứ tán, không còn nề nếp như xưa. Tôi từng nói với Vân: "Em đã sống hoài phí quá nhiều cho những điều vụn vặt và rơi rớt quá nhiều hương sắc trời ban cho một tài năng sân khấu". Con người ta không ai hoàn hảo. Dường như Hồng Vân quá tham lam và đa đoan với cuộc đời này, cái gì cô cũng muốn sở hữu và gặt hái tất cả. Nào tất bật đi diễn khắp nơi, làm quảng cáo, ngồi giám khảo trong các game show và kinh doanh nghệ thuật… Đành rằng không thể đi hết cuộc đời với những ước mơ. Liệu mỗi chúng ta có thể sống nép mình trong các thánh đường nghệ thuật? Đó cũng là cái cao cả và tầm thường trong mỗi cuộc đời nghệ sĩ…
Vợ chồng NSND Hồng Vân - Lê Tuấn Anh.
 
Tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2010, Sân khấu Kịch Phú Nhuận đoạt một lúc 2 huy chương vàng vở diễn: Mẹ và người tìnhNỏ thần. Đó là một thời vàng son đáng nhớ của sân khấu này. Trong sự đi xuống cả về chất lượng, khuynh hướng nghệ thuật của sân khấu TP.HCM nói chung, người ta vẫn hy vọng, vẫn thèm sự tỏa sáng trở lại của một diễn viên, đạo diễn Hồng Vân hơn mọi thứ phù du trên đời…
 
Nhiều diễn viên trẻ, nhất là các diễn viên trên sân khấu thị trường thuộc dạng ăn may trong một vài vai diễn phù hợp với tiềm năng sẵn có, rồi được đám đông xúm vào lăng-xê quá nhanh đã không còn giữ được mình. Họ bắt đầu bước lên sân khấu đầy kênh kiệu, ơ hờ, muốn thể hiện cái tôi của mình hơn là sống trong vai diễn. Phải chăng, sự thành công quá dễ dàng thường đẩy con người ta đến những ảo tưởng? Sân khấu không phải một cuộc chơi, mà người ta phải sống với nó, vật vã đắng cay vì nó và trả giá cho những thành công, khát vọng của mình. Đó là một nghề nghiệt ngã, có thể đào thải bất cứ ai, một khi anh không sống hết mình, dâng hiến đến hơi thở cuối cùng, đi đến cuối con đường nghệ thuật…
 
Nhà viết kịch Lê Chí Trung/Theo Người Lao Động