Vì sao Uông Việt bỏ vai Đường Tăng trong Tây du ký 1986?

Đăng lúc: 9:00 am, Ngày 23/08/2019

Là diễn viên đầu tiên đóng vai Đường Tam Tạng trong "Tây du ký 1986", nhưng nghệ sĩ Uông Việt chỉ tham gia 3 tập thì rời khỏi đoàn phim. Tại sao?

Ngay khi còn học tại Học viện điện ảnh Bắc Kinh (Trung Quốc), Uông Việt đã có cơ hội đóng phim và Tây du ký là tác phẩm truyền hình thứ 2 ông tham gia. Trong mắt nữ đạo diễn Dương Khiết, Uông Việt là một diễn viên có gương mặt đẹp nam tính, phù hợp với vai diễn. Được thể hiện nhân vật Đường Tăng, đối với chàng sinh viên mới tốt nghiệp là cơ hội lớn nên ông háo hức lên đường. 
4 thầy trò Đường Tăng trong những ngày đầu tiên đóng Tây du ký: Uông Việt vai Đường Tăng, Lục Tiểu Linh Đồng vai Tôn Ngộ Không (hàng trên), Diêm Hoài Lễ vai Sa Tăng và Mã Đức Hoa vai Trư Bát Giới (hàng dưới).
 
Để giúp diễn viên trải nghiệm cuộc sống của một nhà sư, Uông Việt được sống tại chùa, ăn uống, ngủ nghỉ, ngồi thiền như một hòa thượng. Do đoàn phim chuẩn bị cho ông bộ áo cà sa màu vàng nên rất nhiều Phật tử khi gặp đều cúi đầu lạy. Điều đó khiến Uông Việt ngạc nhiên, sau tìm hiểu mới biết màu vàng vốn dành cho những vị cao tăng, được kính trọng. 
Tạo hình Đường Tăng của Uông Việt.
 
Có một kỷ niệm vui khiến Uông Việt nhớ hoài là ngày đi cạo đầu, cô nhân viên ở tiệm cắt tóc cứ hỏi đi hỏi lại câu: “Có thật không?”. Vì thời ấy, trừ những người tu hành, thanh niên không ai để đầu trọc. Vẫn chưa tin, cô cầu cứu đồng nghiệp nam, anh này đứng gần 30 phút an ủi, động viên rằng nếu có chuyện gì buồn có thể nói ra, không cần thiết phải xuống tóc như thế. Mãi đến khi Uông Việt bảo mình là diễn viên, sắp đóng vai Đường Tăng trong phim Tây du ký thì công việc cạo đầu mới được thực hiện.
 
Còn một chuyện mỗi khi nhớ lại đều khiến Uông Việt nổi da gà là những chú muỗi háu đói trên chùa. Sống nơi đây gần một tháng, ngày nào ông cũng bị chúng đốt, mà oái oăm thay lũ muỗi lại cứ nhè vào đầu mà tấn công. Vì không được sát sinh nên chỉ có gãi, hậu quả là khi rời khỏi chùa, đầu Uông Việt xuất hiện rất nhiều vết thâm. 
Uông Việt (phải) và Chu Long Quảng (vai Như Lai Phật Tổ) gặp lại nhau năm 2018.
 
Bước chân vào đoàn phim bằng tâm trạng đầy háo hức nhưng việc đóng cùng một vai suốt mấy tháng ròng rã khiến Uông Việt cảm thấy phân vân về quyết định của mình. Sau cuộc điện thoại gọi về cho một giáo sư ở Học viện điện ảnh Bắc Kinh, ông đến gặp nữ đạo diễn Dương Khiết xin được rút tên. Mặc dù vẫn yêu thích nhân vật Đường Tăng, nhưng nếu theo hết 25 tập, ông sợ diễn xuất của mình bị định hình phong cách, sau này khó thay đổi. Thông cảm với diễn viên, đạo diễn Dương Khiết đồng ý. Bà tức tốc tìm và mời được Từ Thiếu Hoa đến thay vai.
 
Trong buổi gặp gỡ đoàn phim Tây du ký 1986 cách đây không lâu, Uông Việt chia sẻ sau khi trở về thành phố, đúng là ông có nhiều cơ hội, có thêm điều kiện để phát huy diễn xuất qua các vai diễn khác nhau. Tuy nhiên, mãi đến nay khán giả vẫn biết đến và yêu mến ông với hình ảnh Đường Tăng, dù ông chỉ xuất hiện trong 3 tập phim: Họa khởi Quan Âm viện, Thâu ngật nhân sâm quả Tam đả Bạch Cốt tinh
Uông Việt và nữ nghệ sĩ Tả Đại Phân (vai Phật Bà Quan Âm).
 
Khi được hỏi có tiếc khi không thể đi hết chặng đường thỉnh kinh của Đường Tăng, Uông Việt cho biết: “Tôi tin vào chữ duyên. Đường Tăng là một vai Phật nên càng tin vào duyên Phật. Tuy chỉ đóng 3 tập phim nhưng sự nghiệp của tôi được rất nhiều, bằng chứng là sau hơn 30 năm, có khán giả gặp, vẫn nhận ra và gọi tôi là Đường tiên sinh vì họ không biết tên họ thật của tôi”.
 
Năm nay 64 tuổi, ngoài công tác giảng dạy tại khoa Đạo diễn Học viện Hí khúc Trung Quốc, Uông Việt còn tham gia một số hoạt động sáng tác nghệ thuật ở lĩnh vực sân khấu ca kịch.
 
Anh Dương

Đọc thêm các bài khác