Khánh Ly, Trịnh Công Sơn và Đà Lạt

Đăng lúc: 2:41 pm, Ngày 20/08/2016

Khánh Ly nói: "Nhiều người sau này cứ chắc mẩm thời đó ở Đà Lạt tôi và Trịnh Công Sơn phải là bồ của nhau".

Mối thâm tình của ca sĩ Khánh Ly và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khởi nguồn từ Đà Lạt. Dẫu bây giờ người đã là thiên cổ, người tuổi đã ngoài 70 nhưng như lời chia sẻ của ca sĩ Khánh Ly thì việc đến biểu diễn tại Đà Lạt lần này vào tối 3/9/2016 sau 46 năm (kể từ lần hát cuối cùng tại phòng trà của cặp đôi Lê Uyên Phương vào năm 1970) là một cuộc trở về. Trở về với “những tháng ngày có kỷ niệm lêu bêu”, mà nếu cuộc đời Khánh Ly không có những “lêu bêu, lơi khơi” đó thì sẽ không có Khánh Ly của hôm nay.
 
Nhắc đến Khánh Ly và Trịnh Công Sơn không thể không nhắc đến Đà Lạt và cà phê Tùng, bà có còn nhớ ngày đầu tiên gặp?
 
-Tôi và ông gặp nhau vào một tối năm 1964 ở Night Club, Đà Lạt khi ông dạy học từ Bảo Lộc chạy lên Đà Lạt chơi với họa sĩ Đinh Cường. Khi đó ông làm quen tôi và giới thiệu là Trịnh Công Sơn. Ngày hôm sau, ông hẹn gặp ở cà phê Tùng. Từ quán cà phê này mới bắt đầu dẫn dắt tôi đến với nhạc Trịnh Công Sơn. Sau đó năm 1964-1965, ông thường xuyên tập hát cho tôi. Ông luôn bảo tôi hát cũng được nhưng giọng mũi nghe khó chịu lắm. Ông kêu tôi thò đầu ra cửa sổ mà gào, la lên. Tôi tập như thế cả tháng đến khi bị tắt tiếng và không hát trở lại giọng mũi nữa, từ đó tôi hát được bài của ông.
 
Ngày đó tôi 19 tuổi và ông hơn tôi sáu tuổi. Tôi khi đó đã có chồng, có con, tôi sống với gia đình chồng.
 
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong thời gian tập hát cho bà có viết nhiều ca khúc về Đà Lạt, chắc hẳn bà không quên?
 
-Nhiều lắm! Đó là những ca khúc: Xin mặt trời ngủ yên, Dấu chân địa đàng, Tuổi đá buồn, Phúc âm buồn… Trong đó, kỷ niệm vui nhất là ca khúc Phúc âm buồn. Ban đầu ông viết tựa ca khúc chỉ hai chữ “Phúc âm”. Tính tôi thì nghịch nên tự viết thêm chữ “buồn” đằng sau khi tôi đang tập nhạc. Lạ là ông không la mà đến khi in ra, ông giữ luôn Phúc âm buồn. Sau này, nhiều bài hát khác tôi còn đổi nhạc của ông. Tôi đổi không phải vì giỏi hơn mà do tôi hát trật nhưng hát trật nghe cũng được nên ông không la.
Ca sĩ Khánh Ly trong một lần trở lại Đà Lạt. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
 
Trong quãng thời gian ở Đà Lạt, bà và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có một tình yêu nào khác ngoài âm nhạc hay không?
 
-Trước nhạc Trịnh Công Sơn, từ chín, 10 tuổi tôi rất mê nhạc Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Với tôi, chỉ nhạc Trịnh Công Sơn hay Đoàn Chuẩn - Từ Linh mới là nhạc Đà Lạt. Bởi đó là âm nhạc thể hiện rõ thời tiết Đà Lạt, khi nào cũng như mùa thu, quàng khăn sam, mặc áo nhung đi ngoài phố vẫn đẹp như thường…, âm nhạc không trần tục. Những tình yêu trong âm nhạc như thế rất đẹp. Nhiều người sau này cứ chắc mẩm thời đó ở Đà Lạt tôi và Trịnh Công Sơn phải là bồ của nhau. Mọi người rất thích diễn nghĩa, nó không có gì ghê gớm cả, không hiểu mọi người hay các bạn trẻ có hiểu về một tình yêu trong âm nhạc, thơ ca?
 
Trịnh Công Sơn tập nhạc cho tôi một năm và tới năm 1965 ông rủ tôi về Sài Gòn hát, tôi từ chối. Bởi lúc đó tôi đang có một cuộc sống thanh bình với gia đình chồng ở Đà Lạt.
 
Một quãng thời gian đẹp vậy, tại sao sau đó bà vẫn dứt bỏ Đà Lạt về Sài Gòn?
 
-Tôi rất tiếc nhưng tôi không thể không đi…Về Sài Gòn khi đó dẫu không biết làm gì nhưng đó là thời điểm Đà Lạt không còn phòng trà, tôi thì ly dị chồng năm 1967, tôi không còn lý do ở nhà mẹ chồng nên phải rời thôi. Về Sài Gòn, tôi tá túc ở nhà bà nội.
 
Khi đi hát với Trịnh Công Sơn thì tôi gửi cháu cho bà nội tôi coi giúp. Tôi và ông chia nhau từng dĩa cơm ở một con hẻm đối diện Quán Văn (nay là cà phê D’anver, góc đường Lê Thánh Tôn - Nguyễn Trung Trực - PV).
 
Lần trở về này, tôi chỉ ước giá mà Đà Lạt giữ lại cho mình những nơi cần phải giữ thì Đà Lạt vẫn luôn tuyệt vời như thế. Ở nước ngoài, nỗi nhớ Đà Lạt của tôi nặng nề lắm!
 
Xin cám ơn bà.
 
Quỳnh Trang/Theo Pháp luật TP.HCM

Đọc thêm các bài khác