Sự thịnh vượng của gia tộc Bối thị được cho là bắt đầu từ Bối Lan Đường hành nghề y và kinh doanh thuốc từ khoảng năm 1500-1600, đến nay là 17 đời.
Gia phả của gia tộc ghi chép, dưới thời hoàng đế Gia Tĩnh nhà Minh, Trung Quốc chịu cảnh loạn lạc vì hải tặc và các cuộc khởi nghĩa nông dân. Trong hoàn cảnh rối ren này, Bối Lan Đường đã dẫn dắt cả nhà tìm được con đường làm giàu.
Ông nhận thấy Tô Châu, tỉnh Giang Tô là một vùng đất đông dân và giàu tiềm năng nên đưa gia đình từ tỉnh Chiết Giang về đây. Trong thời kỳ thiếu thốn, dược liệu trở thành mặt hàng không thể thiếu với cả quan lại và dân thường nên Bối Lan Đường đã kinh doanh mặt hàng này.
Ban đầu là buôn bán, sau gia đình mở rộng ra sản xuất, chế biến. Dưới thời vua Càn Long (nhà Thanh), Bối thị trở thành một trong bốn gia tộc giàu có, quyền lực nhất tại Tô Châu.
Chân dung Bối Lan Đường. Ảnh: Paper
Sau này, con cháu nhà họ Bối có người tiếp tục nghề y, có người chọn theo con đường làm quan hoặc nhà thư pháp, mỗi người đều tỏa sáng trong lĩnh vực riêng của mình nhưng vẫn không quên di huấn. Ví dụ, đời thứ bảy là Bối Mộ Đình đã kế thừa tiệm thuốc gia truyền và phát triển thành hiệu thuốc lớn nhất vùng Giang Tô và Chiết Giang. Sau khi phát đạt, ông thường xuyên phát thuốc miễn phí cho người nghèo.
Cuối thời nhà Thanh, trong tình cảnh đất nước chịu sự dòm ngó của các nước phương Tây, đời thứ 13 của gia tộc họ Bối lại xuất hiện hai nhân vật kiệt xuất: Bối Nhuận Sinh, người được mệnh danh - vua thuốc nhuộm và Bối Lý Thái - ông trùm tài chính.
Bối Nhuận Sinh bắt đầu từ vị trí học việc ở một cửa hàng buôn bán, sau này thành công trong ngành thuốc nhuộm. Bên cạnh đó, ông cũng nhận ra tiềm năng to lớn của bất động sản. Vào những năm 1920, ông mạnh tay đầu tư, mua lại gần 1.000 căn nhà tại Thượng Hải, tổng diện tích lên tới 160.000 m2.
Em trai ông, Bối Lý Thái ban đầu theo con đường khoa bảng, nhưng thời thế thay đổi buộc phải tiếp quản gia sản. Năm 1915, Bối Lý Thái sáng lập ngân hàng Thượng Hải để phục vụ tầng lớp bình dân. Đây là bước đi táo bạo khi phần lớn các ngân hàng lúc đó chủ yếu phục vụ người nước ngoài hoặc giới thượng lưu. Kể từ đó, dòng dõi của Bối Lý Thái hoạt động trong ngành tài chính và được gọi là "gia tộc tài chính".
Sinh ra trong một gia đình giàu có, con trai ông, Bối Tổ Di, không sa vào ăn chơi hưởng lạc. Ông thừa hưởng đầu óc kinh doanh nhạy bén của gia đình và nhanh chóng khẳng định tài năng trong ngành tài chính.
Dưới sự lãnh đạo của ông, Ngân hàng Thượng Hải không chỉ trụ vững trong thời kỳ loạn lạc, còn mở rộng mạng lưới ra khắp cả nước. Sau này, ông được bổ nhiệm làm thống đốc Ngân hàng Trung Quốc, tiếp đến là chủ tịch và trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực tài chính ở Trung Quốc.
Bối Duật Minh (đầu tiên trái) cùng với các anh chị em, ông nội Bối Lý Thái và cha Bối Tổ Di. Ảnh: Paper
Vào năm 1917, Bối Duật Minh, hậu duệ đời thứ 15 của dòng họ được sinh ra. Từ nhỏ, Bối Duật Minh đã được tiếp xúc với vẻ đẹp tinh tế của vườn cổ Tô Châu nhờ ông bác Bối Nhuận Sinh, người từng mua lại và phục dựng Sư Tử Lâm, rồi tặng lại cho nhà nước.
Trong những năm thơ ấu, bố bận bịu với công việc kinh doanh, Bối Duật Minh thường chơi đùa, đọc sách tại Sư Tử Lâm. Chính nơi này đã dạy Bối Duật Minh cảm nhận sự tinh tế trong bố cục đình đài, lầu các và sự hòa hợp giữa kiến trúc với thiên nhiên. Tư tưởng về sự cộng sinh hài hòa giữa con người và thiên nhiên của vườn Tô Châu đã khắc sâu vào tâm trí ông, đặt nền móng cho con đường trở thành một kiến trúc sư tài năng sau này.
Năm 18 tuổi, Bối Duật Minh sang Mỹ theo học ngành kiến trúc tại Đại học Pennsylvania. Sau đó, ông chuyển sang học tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Đại học Harvard. Ngay khi tốt nghiệp, ông đã giành được giải thưởng của Hiệp hội Kiến trúc sư Mỹ cho tác phẩm thiết kế là một bảo tàng tại Thượng Hải.
Trong những năm tiếp theo, ông đã thiết kế nhiều công trình tầm cỡ thế giới như Kim tự tháp kính Louvre ở Pháp, Thư viện John F. Kennedy ở Mỹ, Bảo tàng Tô Châu ở Trung Quốc.
Bối Duật Minh đã được tặng giải thưởng Pritzker năm 1983 (giải thưởng được coi là Noel của ngành kiến trúc).
Kiến trúc sư nổi tiếng Bối Duật Minh trước Kim tự tháp kính Louvre ở Pháp. Ảnh: Paper
Nhiều người tự hỏi làm thế nào mà gia tộc họ Bối có thể giữ được sự thịnh vượng qua 17 đời, gần 600 năm. Câu trả lời nằm ở gia huấn nhà họ Bối: "Để lại tài sản cho con cháu không bằng để lại đức hạnh cho chúng. Để lại tài sản cá nhân không bằng để lại tài sản chung cho chúng".
Từ cuối triều đại nhà Thanh, gia đình họ Bối đã bắt đầu gửi con cái ra nước ngoài du học. Cha của Bối Duật Minh, Bối Tổ Di, là một trong những người được gửi đến Mỹ du học vào thời điểm đó. Bản thân kiến trúc sư Bối và các con, cháu sau này cũng tốt nghiệp các trường hàng đầu thế giới. Xuyên suốt 17 đời, dòng họ đề cao lòng nhân ái và sự đóng góp cho xã hội.
Theo VnExpress