Hà Nội ngập trong cơn mưa Bolero

Đăng lúc: 8:06 am, Ngày 18/08/2017

Những đêm nhạc Bolero liên tiếp từ Chế Linh, Ngọc Sơn, Lệ Quyên và sắp tới là Đàm Vĩnh Hưng, Lam Phương. Nhiều người thắc mắc tại sao Bolero lại được yêu thích ở thủ đô đến vậy?

Những năm gần đây, Bolero được nhận xét là bùng nổ và phát triển chưa từng có từ năm 1975 trở lại đây. Nhiều album, sản phẩm âm nhạc Bolero được phát hành đánh dấu sự chuyển hướng của nhiều giọng ca vốn hát nhạc trẻ chuyển sang nhạc xưa. Nhiều cuộc thi Bolero được tổ chức trên sóng truyền hình với sự xuất hiện của không ít những gương mặt mới.
 
Bên cạnh đó, liên tiếp những đêm nhạc Bolero được tổ chức, đặc biệt trên sân khấu Hà Nội. Tính từ đầu năm đến nay, gần chục chương trình đã diễn ra tại thủ đô. Riêng ca sĩ Lệ Quyên có tới 2 đêm cá nhân là Lệ Quyên - Những tình khúc Lam Phương (1/2017) tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô và Mùa thu vàng (8/2017) tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
Lệ Quyên đã có 2 đêm nhạc Bolero từ đầu năm đến nay. Ảnh: KT.

Không thiếu đêm nhạc, khán giả vẫn đông nghịt
 
Đầu tháng 8, Nhà hát Tuổi trẻ họp báo giới thiệu chuỗi chương trình 100 năm âm nhạc Việt Nam với tham vọng lấy lại thương hiệu ca nhạc của nhà hát. Khi được phóng viên hỏi về lý do tại sao lại chọn nhạc sĩ Lam Phương cho đêm nhạc mở đầu dự án, đại diện đơn vị sản xuất cho việc nhiệm vụ của họ là kéo khán giả đến xem. Và các sáng tác của Lam Phương được chọn, cũng có nghĩa là được tin tưởng sẽ bán được vé.
 
Lời giải thích ngắn gọn nhưng không hề mơ hồ. Thực tế thị trường đêm nhạc thời gian gần đây ở Hà Nội cho thấy những đêm bolero bán vé tương đối tốt. Năm ngoái, live show riêng của Chế Linh ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia không còn một chỗ trống. Và năm nay, với địa điểm tương tự, Mùa thu vàng cũng Lệ Quyên cũng được cho là "cháy".
 
Sắp tới, chương trình Sài Gòn Bolero & Hưng cũng lại tiếp tục thuộc thể loại Bolero. Đàm Vĩnh Hưng luôn có một lượng fan ổn định, do vậy, việc đông người đến xem cũng không có gì lạ. Đây cũng là lần đầu tiên Mr. Đàm có một đêm bolero hoành tráng ở thủ đô giữa lúc nhạc này đang thịnh. Nhiều người bảo Mr. Đàm biết chớp thời cơ.
 
Ngoài concept mang thương hiệu ca sĩ, nhiều đêm nhạc Bolero được tổ chức nhằm mục đích tôn vinh tác giả - tác phẩm. Tác giả tự hát sáng tác của mình như đêm của Tú Nhi của Chế Linh hay chương trình của Ngọc Sơn vừa qua cũng được một bộ phận công chúng đón nhận.
 
Sau đêm Lam Phương của Nhà hát Tuổi trẻ. Trung tuần tháng 9 tới đây lại tiếp tục có một đêm concept tác giả - tác phẩm Lam Phương tại Hà Nội với những gương mặt ca sĩ như Khánh Hà, Giao Linh, Ngọc Sơn, Lưu Bích, Bảo Yến, Nguyễn Hưng.
 
Những đêm nhạc Lam Phương liên tiếp chứng tỏ tên tuổi của ông vẫn bảo chứng cho việc bán vé tại Hà Nội.
Những năm gần đây, năm nào Chế Linh cũng có đêm nhạc riêng tại Hà Nội.
 
Có cầu thì có cung, khán giả Hà Nội đang thích Bolero
 
Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long - người có nhiều năm nghiên cứu Bolero - không tỏ ra bất ngờ khi nhạc này được ưa chuộng ở thủ đô. 
 
"Bolero đã có một thời gian dài bị hạn chế, phàm cái gì từng bị hạn chế thì khi cởi mở hơn sẽ rất phát triển. Huống hồ Bolero lại rất phù hợp với người Việt, người Việt rất thích thể loại nhạc như thế", nam nhạc sĩ chia sẻ.
 
Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long những năm gần đây, Bolero phát triển trên truyền hình với nhiều cuộc thi, chương trình. Do vậy, Bolero trở nên gần gũi hơn với người trẻ. Khi người già cũng nghe và người trẻ cũng đón nhận thì đêm nhạc Bolero bùng nổ là dễ hiểu.
 
"Có cầu thì có cung. Khán giả đang thích Bolero nên các nhà tổ chức cũng tận dụng cơ hội. Khi đến một cái đỉnh nào đó, khán giả không còn quá ưa thích, đêm nhạc Bolero cũng sẽ ít hơn hiện nay. Đó là đời sống âm nhạc", nam nhạc sĩ nêu quan điểm.
 
Trả lời về việc tại sao đêm nhạc Bolero lại bùng nổ ở Hà Nội, chứ không phải Sài Gòn - nơi được coi là nôi của Bolero Việt, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cho biết việc đi xem đêm nhạc đã trở thành văn hóa ở thủ đô. Do vậy, không riêng gì Bolero, nhiều đêm nhạc khác cũng được tổ chức tại Hà Nội.
 
"Trong Nam là văn hóa ca nhạc phòng trà, khán giả ngồi uống cà phê, nói chuyện nghe nhạc. Nhưng ở Hà Nội thì khác, khán giả có thói quen đến Nhà hát để thưởng thức nghệ thuật. Ở Hà Nội, việc bán vé ở Nhà hát cũng dễ dàng hơn. Đó là lý do chính khiến những đêm nhạc Bolero được tổ chức nhiều ở thủ đô", nam nhạc sĩ giải thích.
 
Quang Đức/Theo Zing