Những giai nhân đã đi vào trong âm nhạc Đoàn Chuẩn

Đăng lúc: 7:48 am, Ngày 26/11/2017

Nhưng nhạc phẩm của Đoàn Chuẩn hay bởi trong đó luôn thấp thoáng những bóng hồng, những cuộc tình say đắm.

Người đẹp Hà thành và màu áo xanh huyền thoại
 
Gửi gió cho mây ngàn bay của Đoàn Chuẩn - Từ Linh là một trong những tuyệt phẩm âm nhạc bất hủ viết mùa thu. Tuy nhiên, bài hát lại xuất phát từ cảm hứng tình yêu của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn với một giai nhân Hà Nội.
 
Nghệ sĩ Đoàn Đính, con trai của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, người nắm giữ nhiều nhất các tài liệu về cha cho rằng, dù là người thừa hưởng nhiều năng khiếu nghệ thuật từ cha, và là người con gần gũi nhất với ông nhưng những bí mật trong âm nhạc Đoàn Chuẩn vẫn luôn là một ẩn số. Nhiều năm sau ngày cha mất, qua bạn bè, đồng nghiệp, nghệ sĩ Đoàn Đính mới thực sự hiểu hết các sáng tác của cha mình.
 
Mỗi bài hát của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn gắn liền với một giai thoại. Và đằng sau giai thoại đó là một bóng hồng trong mối tình của ông. Vốn là người điển trai lại có tính hào hoa, đa tình, giàu có, ông được nhiều người đẹp đáp lại tình yêu, nhưng cũng có những mối tình rơi vào vô vọng. Và dường như, càng vô vọng thì âm nhạc càng trở nên da diết, nhớ thương.
 
Theo nghệ sĩ Đoàn Đính, lần tìm lại những giai nhân trong âm nhạc của Đoàn Chuẩn là điều nhiều người mong muốn. Tuy nhiên, lúc còn sống, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn ít khi chia sẻ những bí mật này cùng người khác. Thế nên, những câu chuyện trong âm nhạc của ông đều là giai thoại. Có thể là sự thật cũng có thể đã được người đời thêu dệt thêm.
 
Khi nhạc sĩ Đoàn Chuẩn mất đi, nghệ sĩ Đoàn Đính là người lưu giữ và thu thập nhiều nhất các tài liệu về cha mình. Theo ông, có một bóng hồng nổi tiếng, là nguyên mẫu trong bài hát Gửi gió cho mây ngàn bay. Đó là Thanh Hằng, một ca sĩ nổi tiếng nhất nhì Hà thành lúc bấy giờ với vẻ đẹp đài các, sang trọng.
Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn cùng vợ và con gái chụp năm 1952 tại Hải Phòng.
 
Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đem lòng si mê Thanh Hằng ngay lần đầu gặp gỡ dù lúc đó ông đã có vợ con. Thời điểm đó, với danh xưng là người đẹp Hà thành, cô được nhiều công tử con nhà quyền quý săn đón. Dù vậy, trái tim nàng chỉ cảm kích và lỗi nhịp trước tâm hồn hào hoa, sự từng trải và tài năng nghệ sĩ của Đoàn Chuẩn. Mối tình ngang trái nhưng đầy lãng mạn ấy đã nổi tiếng một thời với biết bao giai thoại. Thanh Hằng không những trở thành nàng thơ mà còn trở thành nhân vật nữ chính trong những câu chuyện kinh điển gắn liền với tên tuổi của vị “công tử bạc Liêu xứ Bắc Kỳ”.
 
Một lần ông ngẫu hứng đưa nàng xuống biển Đồ Sơn, Hải Phòng. Trong khi nhiều người gửi xe trên bờ và đi bộ xuống biển thì ông lại cho xe chạy xuống bờ cát. Mục đích để nàng bước chân ra là đã có thể chạm ngay những con sóng. Khi được người khác nhắc nhở, ông chỉ khoát tay và bảo: “Xe chiếu bóng đến đâu thì trả tiền đến đó”. Cũng trong dịp này, ông viết ca khúc Gửi gió cho mây ngàn bay. Cảm hứng từ gió, mây bắt nguồn từ màu áo xanh, màu áo quen thuộc của người đẹp Thanh Hằng. Đó cũng là một gam màu “huyền thoại” trong âm nhạc Đoàn Chuẩn.
 
Sự thật về màn tỏ tình bằng 1.000 bông hồng và những bức thư bị xé
 
Câu chuyện về 1.000 bông hoa hồng mà nhạc sĩ Đoàn Chuẩn sử dụng trong một màn tỏ tình đình đám được nhiều người biết đến.
 
Theo nghệ sĩ Đoàn Đính, con số 1.000 chỉ là cách nói tượng trưng, không một ai dám chắc chắn. Nhưng nhân vật nữ chính trong màn tỏ tình chính là Thúy Hằng. Ngày đó, biết nàng là một ca sĩ nổi tiếng, được nhiều chàng trai theo đuổi, ông đã nghĩ ra cách tỏ tình độc đáo như thế để gây ấn tượng.
 
Cuộc tình đẹp nhưng cũng gây cho ông nhiều đau khổ, thương tổn nhất. Dù nhạc sĩ vẫn dành cho nàng tấm tình si nhưng khi nhận ra sự xa vời và mong manh của tình yêu, Thúy Hằng đã quyết liệt chia tay, vội vã đi lấy chồng không một lời từ biệt.
Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn (trái) và Từ Linh.
 
Đoàn Chuẩn viết Bài ca bị xé bắt nguồn từ việc chứng kiến những lá thư ông gửi bị chính tay nàng xé tan và đốt thành tro. Mùa xuân năm 1955, ca khúc Tà áo xanh (còn có tên là Dang dở) với nguyên mẫu người đẹp Thúy Hằng, có lời đề tựa: “Khi nào em đến với anh, xin đừng quên chiếc áo xanh, có đúng không em?” Người con gái có “đôi môi cá vàng”. Ông còn viết những lời đau đớn: “Và từ đấy, anh đã… im tiếng lảng tránh, ân hận”.
 
Cũng mùa thu năm ấy, day dứt với cuộc tình, ông viết trong Vàng phai mấy lá những dòng xót xa: “Em đã gửi ai, bài ca em xé, khi em đi lấy chồng?”. Nỗi đau từ cuộc tình đẹp mà dang dở đã khiến nhạc sĩ xót xa, đau khổ trong một thời gian dài. Bởi vậy, hai năm sau ngày Thúy Hằng đi lấy chồng, âm nhạc của ông vẫn còn đau đáu. Trong lời tựa bài hát Tâm sự viết vào cuối mùa thu năm 1956, ông trải lòng: “Để có những chiều im tắt nắng/Người ta nhớ lại mối tình đi/Theo trăng không ngủ anh thao thức/Sao nỡ dối lòng, Dương Quý Phi?”. Những ly biệt, ngăn cách trong cuộc tình với người phụ nữ khi đã có gia đình đã thực sự chia lìa họ.
 
Ngày đó, Thúy Hằng lấy chồng và sinh sống ngay ở phố Mai Hắc Đế, Hà Nội, không xa với căn nhà ở phố Cao Bá Quát của ông. Nhưng gần đấy mà lại quá xa xôi. Vì thế, tâm hồn đa sầu của người nghệ sĩ càng không nguôi vấn vương, thương nhớ tình xưa.
 
Theo tiết lộ của nghệ sĩ Đoàn Đính, sau ngày lấy chồng, người đẹp Thanh Hằng cũng từ giã luôn sự nghiệp ca hát, đổi tên thành Lệ Hằng, sống an phận bên chồng và những đứa con.
 
Hiện nay, bà vẫn còn sinh sống cùng con gái ở căn nhà cũ trên con phố Mai Hắc Đế, Hà Nội. Nghe đâu con gái của người đẹp Hà thành xưa cũng là một mỹ nhân có tiếng trên phố cổ thủ đô thế hệ sau đó.
 
Người em gái miền Nam được ông gửi thư là ai?
 
Có nhiều đồn đoán về nguyên mẫu trong bài hát nổi tiếng Gửi người em gái miền Nam. Tuy nhiên lúc sinh thời, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn chưa bao giờ khẳng định hay tiết lộ đó là ai. Theo nghệ sĩ Đoàn Đính, người em gái miền Nam đó chính là Mộc Lan (tên thật là Phạm Thị Ngà), một ca sĩ nổi tiếng của dòng tân nhạc những năm 1950. Bà không phải là người gốc Hà Nội mà là ở Hải Phòng, theo anh trai vào Sài Gòn lập nghiệp từ năm 13 - 14 tuổi và nhanh chóng thành danh nhờ tiếng hát và nhan sắc nổi bật. Mộc Lan sớm được phát hiện và chính nhạc sĩ Lê Thương đã đặt nghệ danh cho cô.
 
Sau lần gặp gỡ tình cờ tại Nhà hát Lớn, Hà Nội, Mộc Lan phải vào Nam. Những năm tháng chiến tranh giao thông cách trở, những hẹn hò của tình yêu vì thế càng trở nên vô cùng khó khăn. Khao khát gặp người tình, Đoàn Chuẩn đã đáp máy bay vào thăm, nhưng lại nhận được tin nàng vẫn sống với chồng. Thất vọng não nề, tuy nhiên với bản tính thích chơi ngông, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã thuê một tiệm hoa lớn ở Sài Gòn mang hoa đến tặng nàng mỗi buổi sáng sớm. Ban đầu ông giữ kín danh tính nhưng về sau, Mộc Lan phát hiện ra kẻ tình si bí ẩn chính là nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Nàng biên thư cảm ơn với những ngôn từ ẩn ý.
Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn (phải) lúc sinh thời.
 
Trở về Hà Nội nhưng tâm hồn vẫn vương vấn người đẹp Sài thành, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn viết ca khúc Gửi người em gái miền Nam để thổ lộ nỗi niềm. Trân trọng mối tình đắm say mà ngang trái, vị nhạc sĩ tài hoa đã kẻ khuông nhạc bằng tay rất cẩn thận trên tờ giấy pơ-luya xanh mỏng tang. Lúc đó, ông cũng mong sớm đến ngày đất nước thống nhất để quay lại tìm Mộc Lan. Nhưng chờ mãi vẫn chưa đến ngày đó. Càng nhớ nhung, ông càng rơi vào vô vọng. Trong nỗi niềm ấy ông viết nhạc gửi người tình.
 
Theo nghệ sĩ Đoàn Đính, vì những xa cách của địa lý, thời gian và tuổi tác, họ không có cơ hội gặp lại nhau nhưng đã trao cho nhau nhiều cảm hứng trong âm nhạc. Nghe nói người đẹp sau này cũng gặp nhiều trắc trở trong tình duyên. Theo chia sẻ của một người bạn vong niên, ca sĩ Mộc Lan nổi tiếng một thời, hiện vẫn sinh sống tại Sài Gòn.
 
Bích Đào/Theo Lao Động

Đọc thêm các bài khác