Ủy ban liên Chính phủ của UNESCO nhận xét môn nghệ thuật của tỉnh Phú Thọ đã được khôi phục đáng kể trong vài năm qua.
Sáng 8/12, UNESCO tổ chức phiên họp tại Jeju, Hàn Quốc. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc đã đưa hát xoan Phú Thọ ra khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là lần đầu tiên UNESCO có hành động này.
UNESCO cho rằng hát xoan không còn cần được bảo vệ khẩn cấp nữa vì cộng đồng địa phương, Chính phủ đã khôi phục đáng kể khả năng tồn tại của loại hình này từ khi được đưa vào Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp năm 2011. UNESCO đánh giá dự án bảo vệ và phát huy hát xoan được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt từ năm 2013 đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ, phục hồi di sản.
Ngày nay, các phường xoan ở Phú Thọ có gần 200 thành viên ở độ tuổi trung bình là 35. Hơn 60 người kế nhiệm được đào tạo, trang bị đầy đủ các kỹ năng hát xoan. Số lượng thanh thiếu niên tham gia phát triển nhanh.
Hát xoan của người dân Phú Thọ.
Hát xoan là môn nghệ thuật dân gian, kết hợp giữa hát, múa, chơi nhạc cụ, thường được biểu diễn dịp đầu năm mới ở Phú Thọ để bày tỏ lòng biết ơn các vị vua Hùng. Học viên hát xoan được chia thành các phường hát. Người đứng đầu mỗi phường - "trùm" - chọn đệ tử, truyền dạy bài, tổ chức hoạt động của phường.
Hát xoan được đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ của UNESCO năm 2011. Tỉnh Phú Thọ thực hiện đề án xin rút hát xoan khỏi danh sách này năm 2015.
Ngoài hát xoan, một số môn nghệ thuật truyền thống Việt Nam như nhã nhạc cung đình Huế, dân ca ví giặm, dân ca quan họ Bắc Ninh, ca trù, đờn ca tài tử Nam Bộ, bài chòi ở miền Trung được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
Hà Thu/Theo VnExpress