Nghệ sĩ Hoài Linh kể chuyện Tết xưa

Đăng lúc: 5:05 pm, Ngày 14/02/2015

Bây giờ thì Linh vẫn nghĩ, nếu năm nào đó không phải đi diễn, mình sẽ đón một cái Tết ở quê, như ngày xưa. Nói lại nhớ nồi bánh chưng đêm 30 cả nhà thay phiên trông, vì sợ… mất nồi.

Tết quê thú vị hơn Tết phố

Đối với những người trạc tuổi như Linh, ở nhà quê, cái Tết xưa háo hức lắm. Lúc đó thời bao cấp, cuộc sống còn thiếu thốn, áo quần không đủ mặc. Tết đến mới có manh áo mới. Mỗi lần thấy người trên thành phố xuống, thấy họ y như Việt kiều về nước. Rồi đứa trẻ nào cũng mơ ước được ra thành phố chơi. Bọn trẻ nghèo thấy người ta đi xe này xe kia tròn mắt nhìn, còn mình thấy cái máy cày, máy xới là trèo lên chơi. Nhưng nghĩ về những kỷ niệm đó, vẫn thấy nó đẹp tuyệt vời.
Nghệ sĩ Hoài Linh kể chuyện Tết xưaÁo dài là trang phục mà nghệ sĩ Hoài Linh yêu thích và thường mặc trong những sự kiện quan trọng và lễ Tết.

Trẻ con ngày xưa mong Tết, vì ngoài quần áo mới, chỉ đến Tết mới được ăn bánh chưng, bánh tét. Đêm 29, 30 nhà nào cũng luộc một nồi bánh chưng, cả nhà thay nhau canh nồi bánh, vì sợ mất cả nồi. Bây giờ bánh chưng, bánh tét, hạt dưa - 4 mùa đều có. Thức ăn, đồ uống đủ đầy, nên Tết cũng dần trở thành giống ngày thường. Còn bọn trẻ con ngày xưa nhất nhất theo người lớn đi hái lộc, dù chẳng biết hái lộc để làm gì, nhưng chăm chăm đi, vì ít nhất có cơ hội khoe quần áo mới.

Linh nhớ một năm, cả nhà mua được mấy quả dừa làm mứt. Bà của Linh làm mứt cùng chị gái, mấy anh em Linh đòi phụ cùng, tranh nhau đảo mứt trên bếp để có cơ hội lấy tay quẹt quẹt, mút mút. Nhưng vì mải quẹt, mút nên chỉ đảo phần sợi dừa phía trên, phần dưới không đảo tới, thế là nồi mứt của bà và chị cháy đen như nước màu. Năm đó, mứt chỉ để ăn chứ không dám mang đãi khách. Nhưng chẳng hiểu sao, Linh lại thấy mứt cháy ngon hơn.

Linh cũng nhớ những đêm trừ tịch ở quê. Giữa đêm yên ả, nghe tiếng chuông báo thức, hoặc tiếng pháo râm ran là cả nhà thức dậy, thay đồ, mang lễ lên bàn thờ, ra sân thắp hương. Khi năm mới đến, bọn trẻ háo hức, được nhận phong bao lì xì đỏ đỏ là vui lắm. Trẻ con bây giờ giở phong bao ra, thấy tờ hai chục, năm chục có khi xị mặt chê ít. Còn đêm trừ tịch bây giờ, pháo hoa, truyền hình trực tiếp râm ran từ chập tối 30. Vẫn biết thời nào nếp ấy, nhưng ít nhiều Linh cảm thấy Tết bây giờ vẫn còn nhưng cái chất, cái màu không đậm nữa.

Các bạn trẻ bây giờ không thích đón Tết bó buộc theo truyền thống. Họ thích đi du lịch, đi chơi. Linh không phải là người cổ hủ, nhưng vẫn thấy như vậy không đúng lắm. Bởi Linh vẫn nghĩ, là con người, phải giữ được truyền thống. Nên với Linh, dù có trăm công nghìn việc, nhưng cứ đến trưa 30 Tết, các bữa chính của ngày mùng 1, mùng 2 vẫn cố gắng dành thời gian sum họp gia đình, làm lễ rước ông bà tiên tổ. Nói thế, không phải trẻ con có lỗi, mà do người lớn chưa chỉ dạy, trò chuyện cặn kẽ cho con cái mình. Linh nghĩ đến những mô hình đơn giản có thể tổ chức ở thành phố, như tạo lập các khu vui chơi giải trí theo phong cách cổ truyền, giúp trẻ em có điều kiện tiếp xúc, thấm nhuần những ý nghĩa của văn hóa dân tộc, biết đâu các em sẽ hiểu được giá trị của những ngày lễ truyền thống hơn.

Tết về không thể thiếu cây mai
Nghệ sĩ Hoài Linh kể chuyện Tết xưaNghệ sĩ Hoài Linh chia sẻ, giữa cuộc sống nhộn nhịp hiện tại, khi mà cái Tết không còn đậm đà như xưa, thì chỉ có ngắm cành mai vàng - loài hoa anh yêu thích, mới khiến anh cảm nhận được không khí của ngày Tết.

Hỏi Linh vậy Tết bây giờ còn lại là gì? Linh chỉ còn ấn tượng với cây mai. Hoa mai cũng như hoa đào miền Bắc, mỗi năm chỉ nở vào dịp Tết. Đó cũng là loài cây đã gắn bó với cái Tết của Linh. Linh nhớ, mỗi mùa Tết đến gần là mùa nhặt lá mai lại bắt đầu. Nhà Linh chỉ trồng vài cây, nhưng cứ đến khoảng ngày 15-16 tháng chạp là ngày xuống lá cho mai. Khi đó, ba mẹ cắt phiên từng đứa, đứa xuống lá, đứa gom lá, đứa lấy dây cột cây cho đẹp.

Bây giờ Linh vẫn thích mai. Hàng năm Linh mua cây, gửi người ta trồng. Tới Tết họ chở lên giao lại. Cảm giác ngày 30 háo hức xem nụ nào sắp nở, nụ nào vừa hé, nụ nào nở bung vẫn y nguyên cảm giác tươi mới. Và năm nào cũng mong có nhiều mai nở bung đúng ngày mùng 1. Tết năm nào Linh cũng đi diễn, nhưng sự hiện hữu của cây mai cho Linh cảm nhận được không khí ngày Tết. Thói quen tối đi diễn về nhìn cây mai, sáng ra lại thấy mai là thấy Tết.

Tết với Linh luôn là ngày đặc biệt. Vào ngày này, dù vẫn phải đi diễn nhưng đêm giao thừa, các bữa ăn chính trong ngày Linh đều làm lễ, thắp hương đầy đủ. Cùng với mẹ, mặc áo dài, thắp hương cho ông bà tổ tiên vẫn là nghi lễ Linh gìn giữ nhiều năm tháng. Và ngày Tết, đi diễn Linh cũng chọn mặc áo dài.

Bây giờ thì Linh vẫn nghĩ, nếu năm nào đó không phải đi diễn, mình sẽ đón một cái Tết ở quê, như ngày xưa.
 
Theo nghệ sĩ Hoài Linh/Đẹp online

Đọc thêm các bài khác