Madonna và bốn thập kỷ nổi loạn trong âm nhạc

Đăng lúc: 11:32 am, Ngày 07/03/2015

“Nữ hoàng nhạc Pop” liên tiếp phản kháng lại thế giới bằng sự nổi loạn liên quan đến tình dục và tôn giáo qua âm nhạc, trong gần nửa thế kỷ hoạt động không ngừng nghỉ.

Ngày 6/3, Madonna ra album thứ 13 mang tên Rebel Heart (Con tim nổi loạn) với bìa đĩa gợi không khí bạo lực và tình dục. Sau bốn thập kỷ hoạt động, “Người đàn bà vật chất” chưa bao giờ hết nổi loạn để giành quyền lực.

Hai bi kịch khi còn trẻ

Madonna Louise Ciccone sinh năm 1958 trong gia đình Công giáo ở bang Michigan, Mỹ. Những năm đầu đời và tuổi thanh xuân, cô gặp hai bi kịch lớn.

Bi kịch thứ nhất xảy ra vào lúc Madonna vừa lên 5 tuổi: Mẹ bà qua đời vì ung thư vú ở tuổi 30. “Chị em chúng tôi tất cả đều thấy bị thương tổn, rồi dành cả đời mình để phản ứng lại với vết thương hoặc biến chúng thành thứ khác. Nỗi đau mất mẹ khiến tôi trở thành kẻ cô đơn luôn hoài mong và kiếm tìm điều gì đó. Chính sự trống rỗng đó là thôi thúc cả đời tôi phải thành công. Cái chết của mẹ cũng là bài học dạy tôi phải thực sự mạnh mẽ để bảo vệ bản thân”, chị gái của hai đứa em mồ côi kể lại trên Vanity Fair.
Madonna và bốn thập kỷ nổi loạn trong âm nhạc

Ba năm sau khi vợ mất, ông Ciccone lấy vợ hai, khiến cô bé Madonna giận bố, luôn tìm cách nổi loạn. Ở trường cô vừa nổi tiếng với thành tích học tập vừa tai tiếng vì cư xử bất thường, như vén váy để mọi nam sinh cùng lớp nhìn được nội y. Sau khi hoàn thành trung học, Madonna giành được học bổng vào trường Múa và âm nhạc ở Michigan nhưng rồi bỏ ngang giữa chừng để chuyển đến New York tìm cách xâm nhập vào ngành giải trí.

Ở New York, Madonna vừa làm bồi bàn vừa đi hát bè, nhảy đệm cho các ca sĩ đã có tên tuổi. Một đêm muộn, Madonna đang trên đường trở về sau buổi tập, cô bị dí dao vào sống lưng và bị dẫn lên một sân thượng, rồi bị hãm hiếp. “Đó là giây phút tôi nếm trải sự yếu đuối của bản thân. Nó cho tôi thấy rằng tôi chưa bao giờ có thể cứu mình dù là một cô gái mạnh mẽ. Tôi không bao giờ quên được điều đó”, Madonna kể bi kịch thứ hai xảy ra vào lúc tròn 20 tuổi trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2013.

“New York không chào đón tôi như tôi nghĩ. Căn hộ ba lần bị trộm vét sạch không còn cả radio. Tôi phát sợ mùi nước đái và các chất ói ở những khu phố tồi tàn nơi đây”, "Nữ hoàng nhạc Pop" kể thêm. Tuy nhiên, cô gái trẻ không từ bỏ tham vọng, sẵn sàng làm mọi việc để tồn tại, kể cả trưng bày cơ thể.

“Tôi muốn là vũ công chuyên nghiệp. Để trả tiền nhà, tôi làm người mẫu nude cho các sinh viên hội họa và các tạp chí đàn ông”. Cũng thời gian này, Madonna gặp mối tình đầu - nhạc sĩ Dan Gilroy, và họ thành lập ban nhạc Rock với những thành công đầu tiên.

Biểu tượng sex bất chấp mọi chỉ trích

Đầu thập kỷ 1980, Madonna ra album đầu tay mang tên bản thân và đạt được thành công nhất định. Ngay khi phát hành album thứ hai có tên Like a Virgin (1984), Madonna trở thành một ngôi sao toàn cầu và được công nhận là biểu tượng sex. Hai video nhạc tạo tên tuổi là Like a Virgin và Material Girl. Trong Like a Virgin, Madonna cùng lúc hóa thân thành hai biểu tượng: một cô dâu trong trắng thơ ngây mặc váy trắng trong phòng và một cô gái bốc lửa khiêu khích giữa thành Venice. Trong Material Girl, Madonna hóa thân thành biểu tượng sex tương tự Marilyn Monroe, tuyên bố bằng lời nhạc và hình ảnh MV rằng: “Giữa vật chất và tình cảm, em là cô gái chọn vật chất”.

Trong khi album Like a Virgin bị phụ huynh chỉ trích mạnh mẽ vì khuyến khích con gái có bầu trước hôn nhân, các thế hệ trẻ lại coi Madonna là hình mẫu cả về thời trang và phong cách sống.

Hình tượng cô gái có cơ thể vàng không ngại ngần phô diễn mọi đường cong gợi cảm, khẳng định mình chọn vật chất trong video của Madonna được nhà phê bình Sal Cinquemani trên Slant Magazine đánh giá là biểu tượng phong cách và lối sống thanh niên thế giới thập kỷ 1980.
Madonna và bốn thập kỷ nổi loạn trong âm nhạc

Kể từ sau album Like A Virgin, sự nghiệp Madonna cất cánh toàn cầu. Nữ ca sĩ luôn thách thức mọi ranh giới gợi cảm cả trong các video nhạc lẫn trên các sân khấu biểu diễn. Tour diễn Blond Ambition World Tour năm 1990 gặp chỉ trích gay gắt từ các tổ chức tôn giáo bởi trên sân khấu Madonna thường xuyên có những vũ đạo mô phỏng hành vi thủ dâm cùng các vũ công nam ngực trần. Tuy vậy, tour diễn này cũng như các tour diễn khác của Madonna thu hút hàng triệu người hâm mộ và vẫn được nhiều giới phê bình nhạc đánh giá xuất sắc.

Không dừng lại ở các vũ đạo gợi cảm thông thường, MV của Madonna thường xuyên lấy chủ đề về tình dục. MV Justify My Love tăng bậc gợi cảm khi mô tả cả các hành vi tình dục bạo dâm và thống dâm, các cảnh hôn đồng tính và phô bày nhiều bộ phận cơ thể. Khi bị chỉ trích, Madonna khẳng định các hành vi ở các nhân vật nữ trong các MV của mình là để khẳng định quyền lực và vai trò thống trị của nữ giới đối với nam giới - điều nữ ca sĩ luôn ám ảnh.

Năm 1992, Madonna gây tranh cãi đỉnh điểm khi ra mắt cuốn sách có tên Sex - tập hợp những hình ảnh về hoạt động tình dục. Madonna khẳng định cuốn sách là những ước muốn chân thật của một người phụ nữ. Tuy bị đánh giá tiêu cực ngay khi ra mắt, Sex gần đây được đánh giá tích cực trở lại.

Trong hơn hai thập kỷ gây nhiều tranh cãi, Madonna chưa bao giờ xin lỗi và luôn bất chấp mọi chỉ trích của công chúng, ngay cả khi nữ ca sĩ bị Vatican chỉ trích khi phát hành album Like a Prayer trong đó các video nhạc phô bày cả giấc mơ Madonna làm tình với một vị thánh. MV này khi ra mắt năm 1989 bán được 15 triệu bản toàn cầu và đứng đầu bảng xếp hạng ở hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Madonna và bốn thập kỷ nổi loạn trong âm nhạc

Quyền lực nữ hoàng


Nếu như thập kỷ 1980, Madonna khẳng định bản thân như biểu tượng tình dục, bước sang thập kỷ 1990, ca sĩ tham gia nhiều hơn vào phim ảnh và khẳng định vững chắc vị trí nữ hoàng ngành giải trí. Biểu tượng sex hóa thân thành huyền thoại âm nhạc, điện ảnh và đệ nhất phu nhân Argentina - Eva Perón - trong bộ phim Evita (1996). Vai diễn trong phim mang về cho cô giải Quả Cầu Vàng Nữ diễn viên chính xuất sắc ở hạng mục Phim ca nhạc.

Kể từ sau khi xuất bản sách Sex, Madonna giảm tông hơn về phong cách gợi cảm. Cô luôn giữ phong độ ổn định về cả chuyên môn âm nhạc lẫn biểu diễn sân khấu trong hàng loạt album ra mắt tiếp theo từ Ray of Light (1998), Music (2000), American Life (2003), Confessions on a Dance Floor (2005), và Hard Candy (2008).

Các album của Madonna tăng đều cấp độ về doanh thu, lần lượt phá kỷ lục này tới kỷ lục khác. Năm 1998, thành công doanh thu của Ray of Light giúp Madonna được Sách Guinness khẳng định là “Nữ nghệ sĩ bán được nhiều album nhất thế giới”. Năm 2005, album phòng thu thứ 10 Confessions on a Dance Floor ra mắt và đứng đầu bảng xếp hạng ở 41 quốc gia và giành giải Grammy cho Album nhạc dance xuất sắc. Năm 2008, đĩa đơn 4 Minutes trở thành đĩa đơn thứ 37 của Madonna lọt vào top 10 bảng xếp hạng Billboard - đẩy Madonna phá kỷ lục của Elvis Presley, trở thành nghệ sĩ có nhiều đĩa đơn ăn khách nhất thế giới.

Thường xuyên xuất hiện với các hình ảnh như nữ chủ hoặc kẻ thống trị nam giới hoặc nữ giới khác trong tình trạng bị trói hoặc bị quất roi da, Madonna tạo ra thế giới của riêng mình, trong đó phụ nữ luôn đối kháng lại đàn ông. Phong cách gợi cảm táo bạo khẳng định vai trò làm chủ người nữ của Madonna trở thành cảm hứng cho các ca sĩ thế hệ trẻ như Britney Spears, Katy Perry hay Miley Cyrus.
Madonna và bốn thập kỷ nổi loạn trong âm nhạc

Ngày 6/3, nữ hoàng nhạc Pop trở lại với album thứ 13 - Rebel Heart, sau một thập kỷ liên tiếp trở thành nghệ sĩ ghi âm giàu nhất hành tinh. Bìa tập nhạc tả hình ảnh khuôn mặt Madonna bị trói trong roi da khẳng định sự trung thành của nữ ca sĩ với phong cách định hình lâu nay.

Trong video nhạc chủ đạo của album là Living for Love, Madonna hóa thân thành nữ võ sĩ thuần hóa bò tót do các vũ công nam giới thủ vai. Người đàn bà quyền lực của giới giải trí tiếp tục chứng minh ảnh hưởng của một nghệ sĩ lớn, kẻ từ thập kỷ 1980 luôn nổi loạn thách thức lại ý thức hệ nam giới là kẻ thống trị và khẳng định sự độc lập của nữ giới trong thế hệ ngày nay.
Theo Vũ Văn Việt/VnExpress

Đọc thêm các bài khác