Bí mật những chuyện tình của Văn Cao

Đăng lúc: 4:49 pm, Ngày 09/07/2015

Trong những bản tình ca của cố nhạc sĩ Văn Cao luôn thấp thoáng hình ảnh những người phụ nữ đẹp và kiêu sa trong những chuyện tình lãng mạn và ẩn chứa nhiều nỗi buồn sâu kín.

Hình tượng người phụ nữ trong tình khúc Văn Cao không cụ thể như trong âm nhạc Trịnh Công Sơn, không ma mị như trong tác phẩm về tình yêu của Phạm Duy, người phụ nữ của nhạc sĩ Văn Cao gần gũi nhưng cũng thật xa vời, giản dị nhưng cũng thật cao sang.

“Bến xuân” và mối tình thẹn thùng

Một trong những tác phẩm của Văn Cao được nhiều yêu thích là bản tình ca Bến xuân. Trong cuốn băng video Văn Cao - Giấc mơ đời người (đạo diễn Đinh Anh Dũng, Hãng phim Trẻ sản xuất năm 1995, tái bản năm 2009), trong phần giới thiệu ca khúc Bến xuân, nhạc sĩ Văn Cao tâm sự: “Ngày xưa tôi có thầm yêu một người con gái mà không dám nói ra. Nhưng người ấy hiểu lòng tôi và đến với tôi. Vì thế nên mới có câu hát “Em đến tôi một lần” và có bài hát này”…

Người con gái ấy tên là Hoàng Oanh. Đó là những năm đầu thập kỷ 40, Văn Cao chơi rất thân với ca sĩ Kim Tiêu. Trong một lần Kim Tiêu đưa Hoàng Oanh đến buổi tập những sáng tác đầu tay của Văn Cao, hai người phải lòng nhau từ ánh mắt đầu tiên.

Sau khi Hoàng Oanh biết Văn Cao chính là tác giả của những ca khúc lãng mạn nổi tiếng thì lòng ngưỡng mộ của nàng dành cho Văn Cao càng tăng lên. Và để từ chỗ yêu giọng hát của Kim Tiêu, Hoàng Oanh thầm kín dành tình cảm cho tác giả của Buồn tàn thu.
Bí mật những chuyện tình của Văn CaoNhạc sĩ Văn Cao thời trẻ.

Hoàng Oanh đến thăm Văn Cao một lần duy nhất, ở Bến Ngự. Lần đến thăm đầu tiên cũng là lần cuối cùng đã đi vào lời ca của bài hát nổi tiếng Bến xuân. “Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước, em đến tôi một lần, bao lũ chim rừng hợp đàn trên khắp bến xuân. Mắt em như dáng thuyền soi nước. Tà áo em rung theo gió nhẹ thẹn thùng ngoài bến xuân”. Không chỉ đến thăm suông mà nàng còn ngồi làm mẫu cho Văn Cao vẽ, rồi ân cần ngồi quạt cho chàng nhạc sĩ sáng tác nhạc…

Mối tình của Văn Cao và Hoàng Oanh không thành cũng một phần bởi Văn Cao luôn nghĩ tới người bạn của mình. Sau này, chính Kim Tiêu lại là người đầu tiên giúp Văn Cao thể hiện Bến xuân. Nhưng Kim Tiêu lại không thể đến được với Hoàng Oanh.

Hoàng Oanh sau này lại kết hôn với Hoàng Quý, nhạc sĩ đàn anh của Văn Cao. Tuy nhiên người nhạc sĩ này cũng chỉ sống với Hoàng Oanh ít lâu rồi qua đời. Người góa phụ trẻ Hoàng Oanh không ai biết sau này ra sao.

“Làng tôi” - món quà cưới lãng mạn

Ở những năm cuối đời, khi nhắc đến những bóng hồng thấp thoáng trong những bản tình ca, nhạc sĩ Văn Cao cho rằng, hình tượng người thiếu nữ trong tác phẩm của ông rất mơ hồ, họ xuất hiện trong không gian tưởng tượng của ông. “Gặp thì không phải không nhiều, người ta yêu tôi cũng nhiều nhưng tôi yêu lại thì không bao giờ. Có một thời gian tôi không muốn yêu một ai cả. Tôi có thể thích cái đẹp nhưng rất sợ sự hòa nhập với cuộc đời của người ta, nhất là những người con gái xinh tươi”, tác giả Thiên thai tâm sự.

Sau này khi gặp bà Nghiêm Thúy Băng, có thể nói đó là mối tình duy nhất và là mối tình lớn trong cuộc đời của chàng nhạc sĩ tài hoa Văn Cao.

Đầu những năm 1940, gia đình bà Nghiêm Thúy Băng là một trong những gia đình giàu có nhất thời bấy giờ. Bố Nghiêm Thúy Băng là chủ nhà in, đồng thời là chủ bút hai tờ báo lớn. Nghiêm Thúy Băng là tiểu thư "cành vàng lá ngọc", ăn mặc sang trọng thanh tú, vẻ đẹp đài các rạng rỡ.

Nghiêm Thuý Băng được cha mẹ giao cho một tiệm sách nhỏ, cô làm công việc giao hàng cho khách in và bán sách, trong đó có đôi lần gặp được nhạc sĩ Văn Cao. Từ lâu Nghiêm Thuý Băng đã say mê nhạc của Văn Cao, khi gặp được tác giả, tình cảm càng thêm nồng. Chàng trai Văn Cao cũng rung động trước vẻ đẹp quý phái của cô tiểu thư, rồi cả hai đã phải lòng nhau và cưới nhau một năm sau đó. Đánh dấu cho kỷ niệm này là bài hát Làng tôi, Văn Cao sáng tác tặng vợ như một món quà cưới.
Bí mật những chuyện tình của Văn CaoVợ chồng nhạc sĩ Văn Cao.

Đầu năm 1947, sau ngày toàn quốc kháng chiến, Văn Cao cùng các văn nghệ sĩ tản cư đi kháng chiến. Vì cuộc kháng chiến xảy ra sớm hơn dự định nên Văn Cao không kịp tổ chức một đám cưới trang trọng tại Hà Nội. Đám cưới của chàng nhạc sĩ tài hoa và cô tiểu thư được tổ chức đơn giản tại một ngôi nhà dân tại Ba Thá ven sông Đáy, chỉ với vài người thân bên nội ngoại.

Tại vùng quê yên bình này, Văn Cao đã sáng tác bài Làng tôi. Bà Nghiêm Thúy Băng là người đầu tiên được Văn Cao hát tặng như một món quà cưới.

Bà Thúy Băng từng viết: “Cuộc đời tôi từ khi đến với anh Văn Cao chưa có một ngày nào được sung sướng về vật chất, nhưng tôi không ân hận khi trao cả cuộc đời cho anh. Có lẽ đó là một sứ mệnh ngẫu nhiên nếu không muốn nói là định mệnh. Tôi đã hy sinh sự nghiệp của mình dành cho người chồng yêu quý có một sự nghiệp trong sáng tác, đóng góp cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ, ngay cả những lúc sóng gió nhất trong cuộc đời, tôi vẫn ở bên cạnh anh và tôi cũng cảm nhận được tôi có ý nghĩa với anh như thế nào. Nhiều bạn bè nhận xét những người phụ nữ trong tranh của anh luôn có nét phảng phất hình ảnh của tôi… Con người anh trầm lặng, sự sống như lặn vào trong, rất khiêm tốn, không khoe khoang. Nhờ ảnh hưởng của tính cách ấy mà qua bao thăng trầm sóng gió, trải qua những gì đau đớn nhất của cuộc đời, tôi vẫn tự hào mình có nghị lực vượt qua…”.
Bí mật những chuyện tình của Văn CaoBà Nghiêm Thúy Băng hiện nay.

“Giữa những ngày dằng dặc. Chỉ còn khuôn mặt em. Sáng trong và bình lặng…” - đó là những vần thơ đầy ắp tình cảm mà nhạc sĩ Văn Cao đã viết riêng cho nhan sắc của cuộc đời mình.

Những bản tình ca nổi tiếng của cố nhạc sĩ Văn Cao sẽ được tái hiện trong chương trình Sol Vàng tôn vinh nhạc Văn Cao chủ đề 20 năm cõi thiên thai, diễn ra vào lúc 20g ngày 11/7/2015 tại nhà hát Hòa Bình. Các ca sĩ Cẩm Vân, Họa Mi, NSUT Thanh Thúy, 5 Dòng Kẻ và một số ca sĩ khác sẽ thể hiện các ca khúc này.
 
Huy Huy/Theo Jet Studio

Đọc thêm các bài khác