Nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ sân khấu ca nhạc thoi thóp là vì làn sóng ca nhạc truyền hình trực tiếp rộng khắp các đài truyền hình trên cả nước.
Ca sĩ Lệ Quyên và Quang Dũng trong chương trình Tình khúc không tên - Vũ Thành An, một chương trình biểu diễn ca nhạc thuần túy hiếm hoi trong năm nay tại TP.HCM - Ảnh: Gia Tiến
Đã bốn năm rồi Phương Nam Phim (PNF) mới dám tổ chức một live show như sô Tình khúc không tên - Vũ Thành An tối 28/8. Còn Công ty quảng cáo và giải trí Mỹ Thanh ngày 3/9 đã chính thức hủy chương trình biểu diễn của Peabo Bryson tại TP.HCM vì số vé bán được quá ít...
Ông Trần Thanh Tùng - giám đốc Công ty Mỹ Thanh, đơn vị tổ chức và thực hiện chương trình - cho biết kế hoạch tổ chức đã có từ đầu năm 2015 với rất nhiều kỳ vọng sẽ được khán giả ở Hà Nội và TP.HCM đón nhận.
Vậy mà phút chót phải thay đổi, chỉ còn lại đêm nhạc Peabo Bryson in the spotlight duy nhất tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội vào ngày 12/9. Những khán giả đã mua vé xem sô ở TP.HCM sẽ được ban tổ chức thu xếp trả lại tiền.
Hủy và hoãn
Đây rõ ràng là việc đáng suy nghĩ cho những người tổ chức sô ca nhạc bởi TP.HCM - nơi được mệnh danh là “thiên đường” của thị trường nhạc Việt - chưa khi nào thờ ơ với những danh ca tầm cỡ quốc tế như Peabo Bryson (từng đoạt giải Grammy và nổi danh với hàng loạt ca khúc: Tonight I celebrate my love, Beauty and the Beast, A whole new world...) như bây giờ.
Lùi về trước ít ngày, dù đã quyết tâm bằng mọi giá cũng phải tổ chức live show đầu tiên của nhạc sĩ Vũ Thành An tại TP.HCM nhưng PNF cũng không khỏi lo lắng.
Ngay cả nữ ca sĩ chính của chương trình là Lệ Quyên - vốn có lượng người hâm mộ hùng hậu và ổn định - cũng sợ vé bán không hết, ảnh hưởng đến thanh danh của mình và cũng không dám mạo hiểm cùng ban tổ chức thực hiện thêm một sô tại Hà Nội.
Có điều gì đó không bình thường khi chưa bao giờ một chương trình quy tụ toàn những tên tuổi nổi tiếng của làng giải trí như đạo diễn Tất My Loan, Dương Thảo, nhạc sĩ Đức Trí, ca sĩ Lệ Quyên, Tuấn Ngọc, Quang Dũng... mà vẫn lo sợ không có khách.
Giờ đây, có vẻ người tổ chức sô ngại không có khách chứ không chỉ sợ thua lỗ nữa. Vì như ông Trần Thanh Tùng từng chia sẻ khi quyết định mang Peabo Bryson in the spotlight vào TP.HCM hồi đầu năm là: “Chúng tôi vẫn sẽ cố gắng dù chắc chắn lỗ, miễn là có khán giả”. Nay, khán giả cũng quá khó tìm...
Không chỉ sô của Peabo, nhiều dự án làm sô đã được đình lại ngay khi còn trên... giấy.
Cũng mới đây thôi, ngôi sao nhạc trẻ Noo Phước Thịnh đã chia sẻ việc sẽ dời live show đầu tiên trong sự nghiệp ca hát của mình (dự kiến vào tháng 12/2015) vào một thời điểm thuận tiện hơn ở năm sau vì chưa tìm được tài trợ cũng như những lo ngại về lượng khán giả đến với chương trình.
Hồ Quỳnh Hương dự tính làm một sô diễn tại quê nhà Quảng Ninh nhưng sau đợt bão lũ vừa qua, cô cũng đang cân nhắc lại. Giọng ca đẹp Hồ Trung Dũng cũng ấp ủ dự định làm live show trong năm nay nhưng đến nay dự án vẫn chưa thật sự khởi động.
Nên nhớ rằng đây đã là quý cuối cùng của năm, thời điểm mà khán giả thường được thụ hưởng tưng bừng các live show của ca sĩ. Nhưng đến giờ vẫn chưa thấy thông tin về “live show hoành tráng” nào rò rỉ...
Đến ca nhạc truyền hình cũng thu mình
Nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ sân khấu ca nhạc thoi thóp là vì làn sóng ca nhạc truyền hình trực tiếp rộng khắp các đài truyền hình trên cả nước. Nhưng sắp tới, hàng loạt chương trình ca nhạc truyền hình cũng sẽ không trực tiếp nữa, thay vào đó là hình thức ghi hình phát lại.
Có nhiều lý do khiến các chương trình ca nhạc trực tiếp phải chuyển sang ghi hình phát sóng. Trong đó, lý do lớn nhất vẫn là bài toán kinh tế. “Làm chương trình truyền hình trực tiếp tốn gấp năm lần việc ghi hình phát sóng” - đạo diễn Vũ Thành Vinh tiết lộ.
Bên cạnh đó, việc đảm bảo chất lượng cho những chương trình trực tiếp nối tiếp nhau dường như là một việc quá sức đối với các đơn vị sản xuất. Khi thực hiện một chương trình trực tiếp là lúc các nhà sản xuất “đau tim” vì sợ ca sĩ hát sống không nổi, sợ nghệ sĩ không đến đúng giờ, sợ những phát ngôn mất kiểm soát, sợ giao lưu dông dài không đủ sóng... Vậy nên ghi hình phát sóng lại vừa tiết kiệm chi phí, lại vừa nhẹ đầu, ít áp lực cho nhà sản xuất.
Từ tháng 10 này, chiếm sóng các tối thứ bảy hằng tuần ở khung giờ 20g-22g của kênh VTV9 lần lượt là các chương trình ca nhạc: Âm nhạc và bước nhảy, Sol vàng, Sài Gòn đêm thứ bảy và Tình khúc vượt thời gian của nhà sản xuất Jet Studio.
“Trước đây, chỉ duy nhất Sài Gòn đêm thứ bảy là chương trình ghi hình phát sóng, ba chương trình còn lại đều biểu diễn và phát sóng trực tiếp, nhưng từ tháng 10 chỉ còn Tình khúc vượt thời gian là làm live show trực tiếp, tất cả chương trình còn lại đều ghi hình” - đại diện Jet Studio nói.
Tương tự, các chương trình thi thố âm nhạc định kỳ theo từng tuần của Khang Media là Solo cùng bolero, Cười xuyên Việt, Cùng nhau tỏa sáng, Cười xuyên Việt (phiên bản người nổi tiếng) đều ghi hình phát sóng.
“Chúng tôi chỉ còn giữ duy nhất việc làm live show trực tiếp cho đêm chung kết các chương trình này và từ tháng 10 còn có thêm Dấu ấn phiên bản mới làm trực tiếp” - đạo diễn Vũ Thành Vinh, đại diện Khang Media, cho biết.
Thiếu vắng các chương trình ca nhạc trực tiếp truyền hình, với một bộ phận khán giả lại là một thiệt thòi.
Bởi có không ít khán giả mê xem nhạc sống ở sân khấu lớn nhưng không đủ điều kiện mua vé xem live show của các ca sĩ, họ chọn xem các chương trình ca nhạc truyền hình trực tiếp với chi phí mềm hơn và lại đa dạng ca sĩ hơn.
Bên cạnh đó, khi xem trực tiếp được chứng kiến những giây phút thăng hoa, những tung hứng, tương tác của nghệ sĩ với nghệ sĩ, của nghệ sĩ với khán giả vẫn thú vị hơn nhiều so với xem ghi hình phát lại.
Sân khấu ca nhạc lao đao, ca nhạc truyền hình thu mình, khán giả chẳng còn mấy mặn mà trả tiền mua vé... đều là những dấu hiệu của sự thiếu hứng khởi trong cả người trao, kẻ nhận.
Và việc được thưởng thức những sản phẩm âm nhạc mới, đặc sắc hơn từ các ca sĩ xem ra cũng sẽ ngày một hiếm hoi hơn.
Quỳnh Nguyễn/Theo Tuổi trẻ