Trước đây, chuyện sang nước ngoài quay bối cảnh cho phim Việt đã có nhưng chưa nhiều, chủ yếu “cưỡi ngựa xem hoa”.
Người ta quay một số cảnh chèn vào phim rồi lấy yếu tố này tạo điểm nhấn quảng bá. Thậm chí, một số phim vì vấn đề kinh phí hay sự cố phải giả bối cảnh. Gần đây, thủ tục xuất ngoại dễ dàng, mối quan hệ giữa các hãng sản xuất phim Việt với đối tác nước ngoài cũng mở rộng, tạo điều kiện cho khán giả du lịch qua màn ảnh đúng nghĩa.
Tốn kém vẫn đi
IMC-TodayTV cho biết đang hợp tác cùng đạo diễn Xuân Phước thực hiện dự án phim truyền hình Cali mùa hoa vàng. Theo đạo diễn Xuân Phước, đây là bộ phim kể về cuộc sống của người Việt tại Mỹ. Họ xa xứ nhưng luôn nhớ về quê hương, giữ gìn tập quán người Việt nơi đất khách.
“Gần một nửa bối cảnh phim được thực hiện tại Califonia vì chúng tôi muốn khán giả có một cái nhìn đa dạng và chân thực về đời sống người Việt tại Mỹ. Tất cả diễn viên chính đều bay từ Việt Nam sang, không gặp khó khăn gì trong thủ tục xuất nhập cảnh. Tuy nhiên, phần lớn bối cảnh được thực hiện tại hải ngoại nên các diễn viên phải sắp xếp lịch làm việc ở Việt Nam, bảo đảm lịch trình đoàn phim” - ông Lâm Chí Thiện, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn IMC, cho biết.
Một số phim truyền hình có ngoại cảnh quay ở nước ngoài như Trở về 3, Khúc hát mặt trời, Bí mật Tam giác vàng...
Theo vị này, việc chọn kịch bản có bối cảnh ngoại để đầu tư sẽ khiến chi phí cao hơn rất nhiều so với quay bối cảnh trong nước. Tuy nhiên, đây là hướng đi mới nhằm tạo ấn tượng cho khán giả nên họ chấp nhận tốn kém.
Ngoài Cali mùa hoa vàng, phim Đặc vụ ở Macau của đạo diễn Nhâm Minh Hiền cũng có 5 ngày sang Macau để quay. Đạo diễn này cho biết các nhà sản xuất phim đều có mối quan hệ với đối tác nước ngoài. Vì thế, khi quyết định đầu tư cho Đặc vụ ở Macau, họ dự trù chi phí và liên hệ đối tác nhờ hỗ trợ.
“Việc xin visa qua Macau không đơn giản, phải chứng minh tài chính và nhiều thủ tục khác. Đoàn sang Macau chỉ gồm thành phần chủ lực. Khi chúng tôi đến, đối tác sẽ cung cấp thêm nhân lực, thiết bị giúp đỡ đoàn. Mình cũng giúp lại nếu họ đến Việt Nam quay” - đạo diễn Minh Hiền tiết lộ.
Phim Tuổi thanh xuân 2, một sản phẩm hợp tác Việt - Hàn, đang quay ở Việt Nam sau khi hoàn tất phần ở Hàn Quốc. Trước đó, khán giả từng có dịp chiêm ngưỡng cảnh đẹp của Nhật Bản qua phim Khúc hát mặt trời, Cộng hòa Czech qua Hai phía chân trời...
Phim điện ảnh cũng từng “đổi món” cho khán giả bằng việc xuất ngoại để quay một số cảnh, như: Âm mưu giày gót nhọn quay ở New York - Mỹ, Quyên quay ở Đức... Việc các nhà sản xuất chấp nhận tốn kém đưa đoàn xuất ngoại, mang đến cho khán giả những thước phim đẹp ở nước bạn là xu hướng chung.
Thắng, thua khó đoán
Đến nay, số phim Việt quay bối cảnh nước ngoài tạo được tiếng vang chỉ đếm trên đầu ngón tay, như: Tuổi thanh xuân, Bí mật Tam giác vàng, Duyên trần thoát tục, Quyên, Trở về. Điều đó cho thấy không phải phim nào ra nước ngoài quay bối cảnh cũng thành công mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác. Dù tỉ lệ thành công khó đoán nhưng trước tình hình cạnh tranh, nhà sản xuất buộc phải chấp nhận “cuộc chơi” may rủi, tốn kém này.
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc sản xuất Công ty Sena Film, cho biết từng đưa đoàn Duyên trần thoát tục sang Ấn Độ và đoàn Trở về (3 phần) sang Campuchia, Lào, Thái Lan để quay. Theo bà, đây là những dự án đầu tiên của công ty nên chọn kịch bản bối cảnh ngoại để tạo dấu ấn. Ở Việt Nam, nhiều bối cảnh vốn quen thuộc, muốn khác biệt phải sang nước ngoài.
“Phim Trở về 1, chúng tôi quay ở Campuchia 40%, Việt Nam 60%. Trở về 2 tại Lào cũng tương tự nhưng đến Trở về 3 ở Thái Lan, chúng tôi quay 30% thời lượng vì chi phí đắt. Thái Lan là nước điện ảnh, du lịch phát triển nên họ làm dịch vụ chuyên nghiệp và không rẻ” - bà Thủy cho biết. Theo bà, khó khăn lớn nhất khi xuất ngoại quay phim là kinh phí, nó tạo áp lực buộc cả đoàn phải làm việc cao độ. Trong 3 phần phim Trở về cùng quay ở nước ngoài, phần đầu tạo ấn tượng nhất; riêng phần thứ ba, nhà sản xuất từng chia sẻ trên các phương tiện truyền thông là bị lỗ chi phí.
Đại diện truyền thông của Hãng phim Lasta, đơn vị sản xuất phim Bí mật Tam giác vàng, nhớ lại: “Sang nước ngoài quay chi phí tốn kém nhưng nhờ ban giám đốc hãng phim có mối quan hệ tốt với đối tác Thái Lan và Lào nên đỡ nhiều khâu. Đoàn phim được hỗ trợ về thủ tục hành chính, bối cảnh quay. Chúng tôi quay khoảng 2 tháng ở nước ngoài với nhân lực lúc đó lên đến 50 người”. Kinh phí thực hiện phim này từng được công bố là 20 tỉ đồng, tương đương hơn 500 triệu đồng/tập. Bí mật Tam giác vàng thành công ở mặt thu hút khán giả, tạo nên vai diễn ấn tượng cho Nhung Kate.
Ngoài sự mới lạ, việc đưa đoàn phim sang nước ngoài quay bối cảnh cũng là yếu tố thường được sử dụng để quảng bá phim. Thế nhưng, nếu quảng bá phóng đại so với sự thật cũng sẽ phản tác dụng. Một số trường hợp phim quảng bá quay trọn vẹn ở nước ngoài nhưng lại có phân đoạn giả bối cảnh ngoại vì nhiều lý do khác nhau đã bị khán giả phát hiện, chỉ trích, nghi ngờ tính chân thật.
Giả cảnh cần phải trung thực: “Đôi khi kịch bản có phần quay ở nước ngoài nhưng đoàn phim thiếu kinh phí hoặc bị trục trặc nào đó về thủ tục, buộc phải giả cảnh. Hollywood cũng từng làm phim về chiến tranh Việt Nam nhưng lại sang Lào, Campuchia quay giả cảnh vì không xin được giấy phép. Phim Chuyện tình xa xứ của Victor Vũ quay đường phố Phú Mỹ Hưng giả cảnh Mỹ vì một số diễn viên không xin được visa. Phim Quyên lên Đà Lạt quay giả cảnh ở Đức 3 tuần trước khi chính thức sang nước này... Việc giả cảnh trong nhiều trường hợp là cần thiết nhưng khi quảng bá không nên thiếu trung thực khiến khán giả bức xúc vì cho rằng mình bị lừa” - một đạo diễn nhìn nhận.
Minh Khuê/Theo Người lao động