Sau 10 năm trì trệ sự nghiệp ở Hollywood, tài tử "Max điên" kiêm đạo diễn "Braveheart"tái xuất với phim "Hacksaw Ridge" và nhận sáu đề cử Oscar.
Ngày Viện hàn lâm Mỹ công bố đề cử Oscar 89 (24/1) là một ngày đặc biệt đối với Mel Gibson. Người đàn ông 61 tuổi khi đó vừa đón người con thứ chín ra đời. Đúng lúc ấy, tác phẩm chiến tranh Hacksaw Ridge do ông làm đạo diễn nhận sáu đề cử Oscar, bao gồm cả các hạng mục quan trọng Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc.
Gibson thể hiện niềm hạnh phúc trong thông cáo gửi báo chí: “Còn gì tuyệt vời hơn khi được nghe công bố các đề cử Oscar trong lúc đang bế cậu con trai vừa chào đời của tôi”. Giới truyền thông Hollywood đồng loạt đăng tin khẳng định: “Mel Gibson thực sự đã trở lại”. Ông từng ở đỉnh cao của danh vọng trước khi trải qua một thập niên bị Hollywood ghẻ lạnh nên thấm thía sự ghi nhận này hơn ai hết.
Mel Gibson từng là tài tử kiêm đạo diễn lẫy lừng của thập niên 1990.
Đỉnh cao của danh vọng
Thập niên 1980 và 1990 là thời kỳ hoàng kim của Mel Gibson trong vai trò diễn viên. Tài tử sinh năm 1956 được xem là đại diện tiêu biểu nhất của phong trào “Làn sóng mới từ Australia”. Sinh ra tại Mỹ song từ năm 12 tuổi, Mel Gibson định cư cùng gia đình tại Australia. Những trải nghiệm về điện ảnh, diễn xuất đầu tiên của tài tử diễn ra tại xứ sở chuột túi. Với vẻ ngoài cao lớn và nam tính, Gibson được so sánh với nhiều huyền thoại màn bạc. Một cây viết của tờ New York Times hồi 1980 từng nhận định: “Gibson làm tôi nhớ tới một Steve McQueen thời trẻ. Tôi không biết định nghĩa 'phẩm chất ngôi sao' cụ thể ra sao nhưng chắc chắn Mel Gibson sở hữu phẩm chất ấy”. Trong khi đó, tờ Time đặt Gibson cạnh những siêu sao trong quá khứ như Cary Grant hay Sean Connery.
Vào năm 1979, Gibson thủ vai chính - Max “điên” - trong bộ phim được đầu tư khoảng 400 nghìn AUD là Mad Max. Tác phẩm của đạo diễn George Miller thành công vượt ngoài mong đợi với tổng doanh thu toàn cầu lên đến hơn 100 triệu USD. Theo thống kê của Guinness, đây là phim sinh lời nhất thế giới trong giai đoạn từ năm 1980 tới 1999. Mad Max mở đường cho hai phần kế tiếp là Mad Max 2: The Road Warrior (1981) và Beyond Thunderdome (1985) đều thành công vang dội và nâng tầm Mel Gibson thành một ngôi sao.
Ngoài Mad Max, một loạt phim khác gắn liền với thương hiệu Mel Gibson là Lethal Weapon. Loạt tác phẩm hài-hành động trong đó Gibson thủ vai viên cảnh sát chính kéo dài qua bốn phần từ năm 1987 tới 1998, với tổng doanh thu lên tới 955 triệu USD. Giữa thập niên 1980, không chỉ là một siêu sao màn bạc, Gibson còn nổi lên như một “biểu tượng tình dục”. Năm 1985, ông vinh dự trở thành “Người đàn ông quyến rũ nhất hành tinh” đầu tiên do tạp chí People bình chọn.
Mel Gibson đóng chính trong phim Braveheart do bản thân đạo diễn.
Sau khi xác lập danh tiếng, Mel Gibson chuyển sang làm đạo diễn và ngay lập tức có tên tuổi. Bộ phim nổi tiếng về chiến tranh Braveheart (1995) do Gibson đảm nhiệm các vai trò đạo diễn, nhà sản xuất kiêm diễn viên chính được đề cử 10 giải Oscar và thắng năm giải, bao gồm Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc. Không chỉ vậy, tác phẩm này còn mang về hơn 200 triệu USD.
Tới năm 2004, ông làm nhà sản xuất, đồng biên kịch và đạo diễn của bộ phim tôn giáo gây nhiều tranh cãi The Passion of the Christ. Tác phẩm mang về 612 triệu USD doanh thu để trở thành phim không nói tiếng Anh ăn khách nhất trong lịch sử. Đồng thời, phim nhận thêm ba đề cử Oscar. Hai năm sau đó, phim tận thế Apolcalypto do Gibson đạo diễn cũng nhận nhiều lời khen ngợi. Song chính bản thân Gibson cũng không ngờ rằng, đó là đỉnh cao cuối cùng của ông trước một thập niên đen tối.
Gục ngã và đứng dậy
Gibson là một ngôi sao "lắm tài nhiều tật". Ông tiết lộ biết uống rượu từ năm 13 tuổi và trong quãng thời gian làm diễn viên đã không ít lần dính vào scandal do uống rượu hay có những bình luận khiếm nhã về người đồng tính. Nhưng bê bối lớn nhất sự nghiệp của Gibson xảy ra vào ngày 28/7/ 2006, khi ông bị một viên cảnh sát dừng lại trên đường phố California vào ban đêm. Do có sẵn men rượu trong người, khi bị cấm tiếp tục lái xe, Gibson không kiềm chế nổi, lăng mạ cảnh sát và có những nhận xét xúc phạm cộng đồng người Do Thái là "cội nguồn gây ra mọi cuộc chiến tranh trên thế giới".
Bản báo cáo của cảnh sát về tình trạng và những lời lẽ nhạy cảm của Mel Gibson được trang TMZ đăng tải và nhanh chóng lan rộng. Dù Mel Gibson công khai xin lỗi và chủ động xin gặp đại diện cộng đồng người Do Thái tại Mỹ, ông vẫn bị Hollywood liệt vào "danh sách đen". Tới giữa tháng 8/2006, vợ ông quyết định ly thân do không thể chịu nổi thói quen lạm dụng rượu bia của chồng. Bà đệ đơn ly dị chồng vào tháng 3/2009 sau khi những tấm ảnh thân mật của Mel Gibson bên tình mới được công bố trên báo giới. Tới năm 2011, cuộc ly dị được hoàn tất và theo tờ People, khoản tiền mà Gibson phải chia cho vợ cũ là hơn 400 triệu USD - một kỷ lục tại Hollywood.
Mất đi người vợ đã sát cánh bên mình từ những ngày đầu sự nghiệp, Mel Gibson tiếp tục lâm vào bế tắc trong sự nghiệp. Kể từ năm 2006, Gibson chỉ tham gia sáu bộ phim và không tác phẩm nào trong số đó được các hãng phim lớn đầu tư hay đứng ra phát hành. Người bạn Jodie Foster từng cố giúp Gibson bằng cách mời ông tham gia bộ phim The Beaver do bà đạo diễn vào năm 2011, song tác phẩm chìm nghỉm. Siêu sao Robert Downey Jr. là bạn thân của Gibson và từng có lúc sa cơ lỡ vận do nghiện ngập nên rất muốn giúp đỡ ông. Song đề nghị của Robert với Marvel để Mel Gibson làm đạo diễn một tập phim Iron Man bị từ chối thẳng thừng.
Mel Gibson và Andrew Garfield - diễn viên chính của Hacksaw Ridge.
Bước ngoặt tới vào năm 2016, khi Mel Gibson đứng ra đạo diễn bộ phim chiến tranh Hacksaw Ridge. Tác phẩm này kể về người lính Desmond T. Doss (Andrew Garfield) từng được tặng thưởng Huân chương Danh dự của Mỹ dù kiên quyết không sử dụng vũ khí trên chiến trường. Bản hùng ca Hacksaw Ridge nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt từ cả giới phê bình lẫn khán giả nhờ tái hiện được hiện thực tàn khốc của chiến tranh và câu chuyện xúc động.
Hacksaw Ridge thu về 164 triệu USD (gấp bốn lần kinh phí gốc) đồng thời được nằm trong danh sách "10 phim hay nhất năm" do Viện Điện ảnh Mỹ bình chọn. Việc bộ phim nhận sáu đề cử Oscar, trong đó có hạng mục đạo diễn cho Mel Gibson cho thấy Hollywood đã chào đón ngôi sao lầm lỗi này trở lại.
Tài tử Andrew Garfield chia sẻ với The Huffington Post: "Trước khi gặp Mel, tôi đã nghe nhiều điều về ông ấy. Song khi tôi gặp ông ấy, chúng tôi đã trò chuyện rất lâu về quá khứ của Mel và ông ấy rõ ràng là đã cố gắng rất nhiều. Mel là một người đàn ông tuyệt vời, một nhà làm phim tài năng và tôi thực sự ngưỡng mộ ông ấy".
Từ nay tới năm 2018, Mel Gibson có bốn dự án phim mà ông góp mặt với vai trò diễn viên và một phim với tư cách đạo diễn. Sau một thập niên sóng gió và bị Hollywood ngoảnh mặt, giờ cánh cửa đã mở ra với Mel Gibson.
Thịnh Joey/Theo VnExpress