Tùng Dường cho rằng Bolero có giá trị về mặt hoài niệm nhưng nếu người già, trẻ, lớn, bé đều đắm đuối với dòng nhạc này thì đó thực sự là sự thụt lùi trong âm nhạc.
Năm 2017 đánh dấu sự bùng nổ những đêm nhạc Bolero tại Hà Nội. Từ đầu năm đến nay, liên tiếp các live show nhạc Boler được tổ chức tại thủ đô, từ những đêm tác giả - tác phẩm như Chế Linh, Lam Phương đến chương trình riêng của ca sĩ Ngọc Sơn, Lệ Quyên và sắp tới là Đàm Vĩnh Hưng.
Giữa cơn bão đêm nhạc Bolero, Tùng Dương vẫn quyết tổ chức tổ chức đêm nhạc riêng với một tựa đề tương đối trừu tượng Trời và Đất.
Tùng Dương nổi tiếng trong giới nhạc là người sắc sảo, không ngại bày tỏ quan điểm cá nhân.
Hà Nội đang bùng nổ những đêm nhạc Bolero, anh có sợ live show riêng của mình với tên gọi đầy trừu tượng Trời và Đất sẽ… lọt thỏm?
-Đúng là đêm nhạc của tôi “ngược dòng” và không thể cân sức được trước cơn bão của Bolero. Bolero đang được số đông khán giả đón nhận vì du dương, dễ nghe, dễ vào tai, còn những sản phẩm âm nhạc kích thích trí tưởng tượng đúng là sẽ khó được đón nhận hơn rất nhiều.
Thế nhưng, tôi luôn muốn làm những chương trình mang màu sắc của mình nhất. Nếu bắt buộc phải hát Bolero, tôi không biết là mình có hát được không vì tôi chưa đủ dũng cảm. Tôi luôn thiết lập một con đường riêng cho mình, không đi vào con đường ồn ào khác. Trời và Đất là cái mà tôi muốn hát ở thời điểm hiện tại.
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn từng chia sẻ rằng “Việc bùng nổ các đêm nhạc Bolero là sự đau khổ đối với người sáng tạo”. Quan điểm của anh thế nào?
-Tôi muốn nói rõ một lần nữa là Bolero chỉ mang tính hoài niệm, không mang tính chất sáng tạo, phát triển nền âm nhạc. Già trẻ, lớn bé mà đều đắm đuối với Bolero thì đúng là một sự thụt lùi.
Chúng ta đồng ý rằng, Bolero là kỷ niệm, là dòng nhạc có sức sống bền bỉ, không ai được phép bài bác hay khinh bỏ. Thực tế âm nhạc cho thấy nhiều khi giá trị mới lại không có sức hút bằng những điều cũ, cái đó chúng ta phải công nhận.
Nhưng thử hỏi xem nếu tất cả ca sĩ nhạc nhẹ đều chuyển sang hát Bolero để đắt show, để dễ kiếm tiền thì âm nhạc sẽ như thế nào. Với ai tôi không biết, nhưng với những người sáng tạo như tôi, anh Quốc Trung, anh Lê Minh Sơn, chúng tôi sẽ không từ bỏ công việc của mình. Tâm trí của chúng tôi là luôn cầy xới những mảnh đất mới.
Anh có nghĩ âm nhạc cần những người sáng tạo nhưng cũng cần người gìn giữ những dòng nhạc cũ ví như Bolero?
-Nền âm nhạc Việt Nam cũng như thế giới luôn luôn song hành hai giá trị là hoài niệm và phát triển, không cái nào có thể át được cái nào. Hiện tại của hôm nay, ngày mai đã thành quá khứ.
Dòng nhạc có giá trị về mặt hoài cảm, từng là trào lưu được mọi người yêu mến thì mình cũng nên dành sự trân trọng cho nó vì sức sống của nó quá lâu bền.
Nhưng ca sĩ cùng cần phải là những người có tâm và phù hợp mới theo đuổi những dòng nhạc đó được. Còn tôi, thú thật, có người trả tiền, doanh nghiệp tài trợ để tôi làm một album Bolero, tôi cũng sẽ không làm vì nhạc này không phù hợp với tạng âm nhạc của tôi.
Thực tế thị trường âm nhạc hiện nay cho thấy nhiều ca sĩ nhạc nhẹ chuyển sang hát Bolero, làm mới các ca khúc, ra mắt album. Anh nghĩ gì về sự chuyển hướng này của không ít đồng nghiệp?
-Một trào lưu ngắn hạn. Có thể một số người muốn thay đổi, nôm na là đổi gió để hòa nhập với số đông. Nhưng tôi cho rằng đó không phải là lựa chọn khôn ngoan vì bạn có thể thất bại. Ca sĩ không có chất thì không nên làm mới, làm mới quá sẽ thành khiên cưỡng, khán giả không hình dung nổi thì sẽ phải chấp nhận thất bại mà thôi.
Người khôn ngoan là người hiểu rõ mình, tạng âm nhạc phù hợp với mình nhất. Tôi nghĩ rằng cứ để các bạn trẻ thể hiện chính mình, guồng quay âm nhạc. Quan trọng nhất, nếu bạn làm với tinh thần tôn trọng, trân trọng giá trị cũ, thể hiện đúng mực, đúng cách thì bạn sẽ thành công. Nhưng thế giới đó khác với tôi, tôi cũng không bình luận được nhiều.
Người khôn ngoan là người hiểu rõ mình, tạng âm nhạc phù hợp với mình nhất.
Có ý kiến cho rằng anh cũng từng thỏa hiệp khi vừa hát dân gian đương đại với cá tính “độc dị” vừa hát tình ca để công chúng dễ dàng đón nhận. Và biết đâu, một ngày nào đó anh cũng sẽ hát Bolero như anh từng hát tình ca?
-Nghệ sĩ nên nhìn rõ giới hạn của mình. Còn việc tôi hát tình ca không phải là sự thỏa hiệp. Một trong những sứ mệnh của người nghệ sĩ là gìn giữ và phát huy những cái đẹp của các nhạc sĩ gạo cội đi trước.
Tôi không quá mê đắm nhưng những bài hát đẹp như thế, của các nhạc sĩ gạo cội Văn Cao, Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn, bầu show yêu cầu tôi vẫn hát. Những ca khúc đó rất đẹp về âm nhạc, các diva cũng đều hát.
Còn nếu tôi phát hành một album Bolero lại là một câu chuyện hoàn toàn khác, người ta sẽ bảo là “theo đóm ăn tàn”. Tôi lại không phải người như vậy, bằng chứng là trong khi "người người nhà nhà" hát Bolero, tôi lại làm một show diễn khác hẳn như Trời và Đất.
Người ta vẫn định danh Tùng Dương là một người rất dị. Anh có nghĩ rằng chính vì mình "chẳng giống ai" nên đối tượng khán giả cũng kén chọn hơn các ca sĩ khác. Và do vậy, anh cũng khó có những Fan Club, những âm thanh hú hét cổ vũ, gào thét tên mình từ những người hâm mộ?
-Năm ngoái, tôi nhận lời làm giám khảo X Factor, khi thấy tên mình được hò hét, lúc đó tôi cũng không quen lắm. Tất nhiên, khi không thấy tên mình được hò hét ở chương trình như thế, tôi cũng rất lạc lõng. Nhưng chúng tôi luôn hiểu rằng fan của chúng tôi có cách thể hiện hoàn toàn khác.
Mỗi ca sĩ đều có những đối tượng khán giả của mình. Khán giả của tôi là những người trí thức, họ cũng cầu toàn giống tôi. Trên mạng xã hội, họ chỉ để lại lời nhắn. Người hâm mộ của tôi không bao giờ là làn sóng để đi vùi dập ca sĩ khác và tôn thần tượng của mình lên.
Cuộc sống là như vậy, có điều phù hợp với người này nhưng lại không phù hợp với người khác. Khán giả cũng hay lắm, đã mê người này nhiều khi không mê người khác. Như ai để mê tôi thì sẽ khó mê ca sĩ khác, hay như ai đã mê Mỹ Tâm, khó mê Hồ Quỳnh Hương và ngược lại.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thẳng thắn!
Lê Quang Đức/Theo Zing