Đi tìm giọng nói hay là giấc mơ của nghệ sĩ Tú Trinh

Đăng lúc: 8:44 am, Ngày 13/07/2018

Chị từ chối nhiều lời mời vào vị trí giám khảo vì không thích sự chỉ định, không thích bán cái tôi của mình cho những chương trình trên truyền hình thời gian qua.

Nhiều người trong giới công nhận giọng đọc của chị vào hàng hiếm, chị thấy mình có đúng vậy không?
 
-Tôi có nghe những lời ấy và thực sự vui vì mọi người đề cao mình. Nhưng sự thật, giọng tôi không đến mức ấy đâu, vì quanh tôi có nhiều người sở hữu giọng nói rất hay. Chỉ là họ không có điều kiện làm nghề sử dụng giọng nói như tôi mà thôi. Nhưng dù sao, sự khen ngợi của mọi người dành cho mình chính là sự chân tình, tôi tin nó đồng nghĩa với sự đón nhận và thừa nhận.
 
Được biết chị không xuất hiện trước công chúng từ năm 2003 vì một chuyện buồn trong cuộc sống, chỉ sử dụng giọng nói của mình để truyền cảm hứng đến khán giả qua những câu chuyện đọc trên sóng phát thanh, lồng tiếng cho các nhân vật trong phim và đọc lời bình trong các sự kiện. Vì sao chị nhận lời làm giám khảo của cuộc thi Micro vàng 2018, trong khi có rất nhiều chương trình truyền hình khác muốn chị xuất hiện nhưng chị luôn từ chối?
 
-Việc đi tìm giọng nói hay là giấc mơ của tôi đã từ rất lâu. Chỉ là đến lúc này, tôi mới có cơ hội để thực hiện nó. Nói cụ thể, tôi muốn tìm người truyền đạt lại kinh nghiệm và kỹ thuật giọng nói của mình. Gọi họ là truyền nhân, hậu bối thì to tát quá nhưng mục đích chính là tôi muốn lấy kinh nghiệm của mình để bổ sung cho những điều khiếm khuyết mà nhiều người trẻ chưa có. Hơn nữa, một sân chơi cho giọng nói thì không cần phải xuất hiện. Tôi cơ bản không phải là người đẹp nên tôi thích một sân chơi như thế. 
 
Tôi từ chối nhiều lời mời vào vị trí giám khảo vì tôi không thích sự chỉ định. Tôi tìm hiểu và nhận thấy nhiều cuộc thi đều có sự chỉ định. Tôi không thích bán cái tôi của mình như vậy.
 
Từ các cuộc thi tìm kiếm tài năng, nhiều MC (dẫn chương trình), phát thanh viên xuất hiện theo cấp số nhân. Nhưng công chúng vẫn chờ đợi những MC, phát thanh viên thực sự có nét riêng, chưa đòi hỏi truyền cảm hứng hay chạm vào trái tim người nghe nhưng ít nhất là không giống với người này hay người kia. Nhận định của chị thế nào về đội ngũ MC, phát thanh viên hiện nay?
 
-Tôi thực sự không xem tivi nên tôi không nắm hết một cách cặn kẽ mặt bằng chung. Nhưng tôi có xem những đoạn clip được đưa lên Facebook, tôi thấy một vài người ngồi vị trí giám khảo rồi nổi tiếng. Thế là họ cứ song hành hết cuộc thi này đến cuộc thi nọ. Nhưng tôi thấy họ không có gì đặc biệt cả.
Nghệ sĩ Tú Trinh cùng nghệ sĩ Thanh Bạch và nhà báo Công Vinh đảm nhận vai trò giám khảo của cuộc thi Micro vàng 2018.
 
Bây giờ, người ta chú ý về ngoại hình nhiều quá nên ít nhiều bị chi phối, tác động vào những điều khác. Với tôi, một người làm nghề sử dụng giọng nói chịu cực khổ hơn những người khác rất nhiều vì họ phải dùng giọng của mình để vẽ lên những thế giới đủ màu sắc, đủ câu chuyện hấp dẫn cho người nghe mặc sức tưởng tượng. Khi đã chọn theo đuổi nghề sử dụng giọng nói, chúng ta phải tập trung toàn bộ cảm xúc của mình cho giọng nói để có thể chuyển tải thông điệp mong muốn một cách đầy đủ đến người nghe.
 
Khán giả và người trong giới kêu ca rất nhiều khi nghe nghệ sĩ, MC phát âm không chuẩn, ngọng nghịu, đớt... trên sân khấu, trên phim và trên các chương trình truyền hình, theo chị có phải khâu đào tạo đài từ có vấn đề?
 
-Theo tôi nhận thấy, ngay thầy cô của các trường đào tạo chuyên nghiệp còn phát âm cũng không đúng thì không thể trách học sinh được. Thế nên, thầy cô xem lại phần đài từ của mình trước. Khi đã có một nền tảng vững thì những người được đào tạo ở thế hệ sau mới tốt được. Sửa thì phải sửa từ căn nguyên, cốt lõi trước.
 
Phát âm chuẩn Nam Bộ càng ngày càng sai lệch, chẳng hạn âm "V" đọc thành "D" trong khi đọc đúng phải là "D" đánh môi. Thế hệ của chị, nghệ sĩ Thanh Bạch hay phát thanh viên Hữu Vinh (thuyết minh phim Tây du ký) của Đài Truyền hình TP.HCM trước đây đều phát âm chuẩn giọng Nam Bộ. Bây giờ không tìm thấy? Theo chị vì sao?
 
-Thỉnh thoảng, tôi có xem phim Tàu lồng tiếng Việt. Lúc nào cũng nghe đọc "sư huynh" thành "quynh" mà chẳng thấy ai có ý kiến. Lâu ngày rồi mọi người cũng quen. Cho đến bây giờ, không còn ai đọc là "huynh" nữa. Sai nhiều nhất là các thầy cô và học sinh trong các trường đều phát âm "CH" và "TR" giống nhau. Họ không phân biệt "S" và "X". Riêng chữ "V" và chữ "D" thì người miền Bắc phát âm đúng nhất nhưng người miền Nam chỉ cần đánh môi như bạn nói là được rồi. Nhiều khi tôi nghĩ xã hội đã thay đổi, chỉ do mình lạc hậu thôi?
 
Theo chị, giọng nói như thế nào là chuẩn mực?
 
-Tôi coi trọng giọng nói có tính cách. Từ lâu, giọng nói có một sức mạnh vô hình có khả năng thu phục lòng người, hiệu triệu hàng vạn con tim, dịch chuyển hành vi và định hướng nhận thức con người. Giọng nói Yury Levitan của đài phát thanh Moscow đã làm Hitler và quân Đức quốc xã khiếp sợ, phải treo thưởng cao cho ai lấy được mạng sống. Larry King và Oprah Winfrey là 2 giọng vàng huyền thoại của ngành phát thanh Mỹ. Giọng nói O Nhạn của Đài Phát thanh Vĩnh Linh ở vĩ tuyến 17 năm xưa cũng tạo sức mạnh vô hình thu phục lòng người, đến mức đối phương đòi cắt lưỡi. Có câu "Nói ngọt nó lọt vào xương", chúng ta phải tìm được những người không chỉ có giọng tròn, đẹp mà còn có thể truyền cảm hứng, chạm đến trái tim người nghe. 
 
Làm thế nào để phục hồi âm chuẩn Nam Bộ trên các đài truyền hình, truyền thanh… nếu vẫn xem nó là nét văn hóa đặc trưng của vùng miền, theo chị?
 
-Người đứng đầu các cơ quan văn hóa đó phải thấy được điều ấy nếu cho rằng người cầm micro nói trước công chúng hoặc thầy cô đang dẫn dạy các em học sinh phải đi đúng thì tôi nghĩ không có gì không làm được. Riêng văn hóa vùng miền thì mọi địa phương đều có cách phát âm riêng của vùng đó, mình không thay đổi được. Có khi cái đặc trưng nó là nét riêng tạo nên những điều đáng yêu đặc trưng vùng miền. Chúng ta chấp nhận nó như một nét riêng đáng yêu vậy.
 
Thùy Trang/Theo Người Lao Động

Đọc thêm các bài khác