"Mua cho con chiếc còng tay" và "Thích Ca Mâu Chí" - 2 bản rap có ca từ tục tĩu, mang nghĩa phản cảm, trái luân thường đạo lý khiến dư luận xôn xao mấy ngày qua.
Mới đây, bản rap Mua cho con chiếc còng tay được bàn tán xôn xao ở nhiều diễn đàn trên Facebook do có nội dung tục tĩu, trái luân thường đạo lý. Cụ thể, lời rap nói về quan hệ bất chính giữa cha chồng và nàng dâu với nhiều từ ngữ mô tả chi tiết chuyện giường chiếu, bị nhận xét rất "bẩn".
Nhiều người dùng mạng xã hội bình luận: “Khi nghe kỹ ca từ, tôi cảm thấy kinh hãi”, “Tôi không nghĩ một bài hát có thể mang ca từ, nghĩa dung tục đến thế”, “Không hiểu tác giả là người như thế nào có thể sản xuất ra một tác phẩm trái đạo đức như thế. Tôi sẵn sàng tẩy chay”...
Mua cho con chiếc còng tay là sản phẩm của Y-Tee và rapper Chị Cả - thí sinh của chương trình King of Rap mùa đầu tiên. Giai điệu đã được phối lại. Sản phẩm gốc mang tên Censored. Có 1 đoạn clip ghi lại rapper Chị Cả từng trình diễn bản rap này trong một quán bar. Censored cũng từng được đăng tải trên kênh YouTube mang tên Chị Cả chủ đề, nhưng khi nhấn vào báo video không hiển thị.
Rapper Chị Cả
Trước đó, bản rap Thích Ca Mâu Chí của rapper Chí (nhóm rap Nhà Làm) cũng khiến dư luận nổi đoá khi xúc phạm, báng bổ Phật giáo. Cụ thể, tác giả đã dùng một sự tích về Đức Phật để chế lại theo nghĩa dung tục. Ngoài ra, ngay từ tựa đề, Chí đã ghép hẳn tên mình vào tên Đức Phật rất phản cảm. Êkíp này cũng dùng hình ảnh Đức Phật, nhưng ghép mặt của Chí, đeo xích vàng, đồng hồ để làm hình ảnh minh hoạ cho MV. Nhiều người dùng mạng xã hội đã lên tiếng chỉ trích, phản đối bản rap này, đồng thời đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào cuộc.
2 ca khúc, đây là số lượng không nhiều so với quy mô thị trường nhạc Việt hiện tại, nhưng sự tác động tiêu cực của chúng đang xảy ra trên phạm vi không hề nhỏ. Hàng loạt bình luận, bài đăng đề nghị tẩy chay 2 sản phẩm trên vẫn xuất hiện rầm rộ trên mạng xã hội.
Thị trường, khán giả luôn cổ vũ sự sáng tạo của nghệ sĩ, nhưng khi sự sáng tạo đó đi lệch chuẩn đạo đức của xã hội, là chuyện không bình thường. Bất kỳ nền giải trí nào cũng chịu sự chi phối của đạo đức, văn hoá.
Rapper Chí khiến dư luận tức giận vì bản rap báng bổ, xúc phạm Phật giáo
Vốn dĩ, nghệ thuật, bằng “quyền lực mềm” luôn hướng con người đến cái đẹp, thiện trong cuộc sống. Điều đó hoàn toàn không tồn tại trong 2 sản phẩm trên. Sự tẩy chay của công chúng thật sự cần thiết, trong bối cảnh nền giải trí bắt đầu được thanh lọc.
Trước áp lực dư luận, rapper Chí lên tiếng xin lỗi, nhận hết trách nhiệm. Nam rapper cho biết hiện đã xoá video trên kênh YouTube, nhưng hàng chục tài khoản vẫn chia sẻ lại sản phẩm trên mỗi ngày. Điều đó đồng nghĩa những nội dung độc hại trên vẫn có khả năng tiếp cận khán giả.
2 bản rap này đều được phát hành trên YouTube cách đây vài tháng, gần đây mới bắt đầu gây xôn xao dư luận khi được lan truyền trên các mạng xã hội. Nhiều người dùng TikTok phản ánh do chỉ sử dụng nhạc nền, hoặc lời bài hát rất nhỏ, bị bóp méo tiếng nên họ không nghe rõ nội dung. Đến khi phát giác, họ lập tức xoá video này vì không chịu được sự tục tĩu quá mức như thế.
Hiện tại, trên YouTube có chính sách về nội dung bạo lực, phản cảm. Nền tảng này hiện chỉ cấm những nội dung bạo lực, đẫm máu khiến người xem ghê sợ. Còn nội dung phản cảm (cảnh quay, âm thanh hay hình ảnh) hiện chỉ giải quyết bằng việc báo cáo vi phạm nguyên tắc cộng đồng từ người sử dụng YouTube. Trong đó, các nội dung quy định cũng chưa thực sự cụ thể, chi tiết. Việc tồn tại của các sản phẩm này trong hàng tháng liền trên YouTube phần nào cho thấy việc quản lý nội dung trên nền tảng này vẫn còn nhiều bất cập.
Hiện những sản phẩm gốc đều không còn tồn tại trên YouTube, nhưng nhiều kênh đã nhanh chóng lấy lại để tiếp tục chia sẻ, khiến những nội dung bẩn tiếp tục lan truyền
Bài rap Mua cho con chiếc còng tay thậm chí đã gắn liền với một trào lưu, cũng cho thấy việc quản lý, xét duyệt nội dung trên TikTok thật sự chưa chặt, dẫu nền tảng này có những quy định về tiêu chuẩn cộng đồng. Đại diện truyền thông của Tik Tok cho biết hiện đã nắm được thông tin phản ánh từ người dùng và đang trong quá trình xử lý, sẽ sớm có thông tin cụ thể từ vụ việc này.
Thực tế, đây không phải lần đầu những sản phẩm bẩn như thế xuất hiện. Nhưng thực trạng này cứ tái đi tái lại, làm ảnh hưởng đến môi trường văn hoá, giải trí. Điều này đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ hơn nữa từ cơ quan có thẩm quyền để tránh những sự việc tương tự.
Qua nhiều vụ việc cho thấy việc tiền kiểm nội dung trên YouTube hay các mạng xã hội vẫn khó. Vì vậy, tăng mức xử phạt, quy định chặt chẽ hơn về mặt luật là điều cần thiết hơn bao giờ hết.
Theo PNO