Với tuổi 119, cụ Trịnh Thị Khơng lớn hơn 2 tuổi so với cụ bà Maria Branyas Morera - người được Tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới ghi nhận là người cao tuổi nhất thế giới.
Cụ Trịnh Thị Khơng rất vui khi con cháu tề tựu - Ảnh: BÌNH AN
Những ngày gần đây, thông tin cụ Khơng là người cao tuổi nhất thế giới còn sống được lan truyền trên mạng xã hội được nhiều người đặc biệt quan tâm.
Hơn 150 cháu chắt
Cụ Khơng sinh ngày 14/6/1905 tại xã Thọ Bình, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa. Hiện cụ Khơng đang sống với con gái thứ hai tại tổ 8, ấp 2, xã Bình Lộc, TP Long Khánh, Đồng Nai.
Dù lớn tuổi nhưng cụ Khơng vẫn còn rất minh mẫn, thường xuyên trò chuyện cùng con cháu. Thậm chí, cụ vẫn còn nhớ và kể lại câu chuyện xa xưa đi buôn bán ở quê.
"Sáng ra là phải đi rồi, vừa đi vừa về 40 chục cây số. Đồ bán gồm ba thứ là dầu, mật và đậu phụ. Đậu phụ thì bán ở chợ, còn dầu với mật giao cho cửa hàng, cho người ta làm bánh khảo. Mỗi ngày một phiên chợ, có bữa hai, có bữa ba người đi thay nhau gánh chứ một mình đi không nổi", cụ Khơng kể.
Căn cước công dân của cụ Khơng ghi nhận cụ sinh năm 1905 - Ảnh: A LỘC
Bà Đỗ Thị Ninh (81 tuổi, con gái thứ hai của cụ Khơng) cho biết cha bà là liệt sĩ, hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Cụ Khơng có tất cả bảy người con (bốn trai, ba gái) hiện đều còn sống. Trong đó, người anh cả đã 91 tuổi, đang sống ở quê.
Nhiều thành viên trong đại gia đình cụ Khơng từng tham gia kháng chiến, có người đã hy sinh, số khác đã và đang công tác trong môi trường quân đội, chính quyền địa phương.
Đến nay, cụ Khơng có hơn 150 con, cháu, chắt, chút, chít. Hầu hết đang sinh sống ở TP Long Khánh nên vẫn thường gặp mặt hoặc điện thoại qua mạng xã hội nên cụ không thể nhớ được hết tên các cháu, chắt nhỏ.
Dù tuổi cao nhưng cụ Khơng vẫn còn rất minh mẫn, thường xuyên trò chuyện cùng con cháu - Ảnh: BÌNH AN
Tự tay xúc cháo ăn
Theo bà Ninh, trước đây cụ Khơng sống cùng anh trai ở Thanh Hóa. Khi đó dù đã ngoài 100 tuổi nhưng cụ vẫn đều đặn bắt xe từ quê vào Đồng Nai thăm con cháu. Mỗi lần cụ ở lại chơi 3-4 tháng mới về.
Đến cuối năm 2014, cụ Khơng quyết định ở lại TP Long Khánh sống cùng bà Ninh để tiện chăm sóc.
"Bà dễ lắm, ban đêm ngủ rất ngon. Hằng ngày bà vẫn ăn bình thường với ba cữ cháo. Sau giờ ngủ bà ăn thêm bánh, nước yến…", bà Ninh chia sẻ.
Ông Đỗ Kim Thành (cháu nội cụ Khơng), được cụ nuôi từ nhỏ, sau này theo bà vào Nam lập nghiệp, xây dựng gia đình và sinh sống ổn định đến nay.
"Cố tuy tuổi lớn nhưng đầu óc vẫn còn minh mẫn, ăn uống cố vẫn tự xúc ăn. Đặc biệt khi con cháu về đầy đủ cố rất vui, tinh thần thoải mái, ngồi cả ngày chơi với con cháu", ông Thành nói.
Cụ Khơng hiện sống cùng cô con gái thứ hai năm nay cũng đã 81 tuổi ở TP Long Khánh, Đồng Nai - Ảnh: BÌNH AN
Từng "chết đi sống lại", tóc bạc hóa đen
Theo bà Ninh, trước đây sức khỏe cụ Khơng rất tốt, ngoài trăm tuổi vẫn phụ con gái quét dọn, lột vỏ đậu phộng, nhổ cỏ vườn...
Năm 2018, cụ Khơng không may bị ngã gãy xương. Do lớn tuổi không thể phẫu thuật, người nhà đành đưa về đắp thuốc Nam nhưng kỳ diệu bà tự khỏi sau đó.
Ba năm trước, bà Khơng bệnh nặng, sức khỏe rất yếu. Ngày nhà trai rước chắt ngoại về nhà chồng thì cụ ngưng thở, chân tay lạnh ngắt. Gia đình vừa lo đưa dâu, vừa chuẩn bị lo hậu sự cho bà cụ.
"Lúc chuẩn bị đưa bà lên trên nhà làm lễ viếng thì đứa em la lên mẹ ấm người rồi chị ơi, mẹ ấm rồi. Hai tiếng sau, bà bắt đầu thở lại, dần tỉnh, khỏe mạnh và ngồi dậy được", bà Ninh kể.
Cũng theo bà Ninh, khi cụ Khơng bị bệnh, gia đình đã cạo tóc để cụ bớt nóng. Tuy nhiên sau khi "chết đi sống lại" tóc cụ mọc lại, hóa đen rất "ly kỳ".
Thiếp mừng thọ của Chủ tịch nước cũng xác nhận cụ Khơng sinh 1905
Năm 2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi thiếp mừng thọ cụ Trịnh Thị Khơng. Trong thiếp, Chủ tịch nước chúc cụ luôn khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc; tiếp tục động viên con, cháu vun đắp gia đình, giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo thống kê, TP Long Khánh hiện có 10 cụ tròn 100 tuổi và 35 cụ trên 100 tuổi. Trong đó cụ Khơng là người cao tuổi nhất. Mỗi tháng cụ Khơng được nhận chế độ trợ cấp của Nhà nước 1,1 triệu đồng, người chăm sóc cụ được Nhà nước hỗ trợ 300.000 đồng/tháng.
Ông Đỗ Chánh Quang - chủ tịch UBND TP Long Khánh - cho biết mỗi năm địa phương đều có hoạt động thăm hỏi sức khỏe và mừng thọ các cụ. Thành phố đang đề nghị người nhà cung cấp thêm các hồ sơ liên quan để làm thủ tục công nhận cụ Khơng là người cao tuổi nhất thế giới.
Theo TTO