Khi ngồi vào vị trí giám khảo chuyên môn một cuộc thi, dù là chương trình truyền hình mang yếu tố giải trí, nghệ sĩ phải thể hiện được trách nhiệm của mình trong việc định hướng thẩm mỹ.
Chất lượng cuộc thi hay thí sinh không còn là yếu tố cạnh tranh thường thấy giữa các chương trình truyền hình giải trí hiện nay. Thay vào đó là dàn giám khảo thường được nhà sản xuất gọi bằng những mỹ từ rất kêu: “bộ ba quyền lực”, “bộ tứ quyền lực” của chương trình A, B, C, D… Điểm chung ở họ để được nhà sản xuất chọn vào vai giám khảo là người nổi tiếng, có sức hút ít nhiều đối với công chúng.
Không muốn “đóng vai ác”
Một trong những vị giám khảo khiến nhiều người xem không hài lòng hiện nay là ca sĩ Hồng Nhung, được mệnh danh là 1 trong 4 diva của làng ca nhạc Việt Nam. Những tưởng Hồng Nhung luôn nguyên tắc với sự khổ luyện và đòi hỏi chất lượng chuyên môn cao sẽ là một vị giám khảo cực kỳ khó tính trong việc thẩm định đánh giá chất lượng tiết mục trình diễn của thí sinh. Trái lại, chị dễ dãi và khéo nói như chẳng muốn mất lòng ai.
Ca sĩ Hồng Nhung làm giám khảo chương trình Tuyệt đỉnh tranh tài. Ảnh: Lê Nhân
Với người xem (cũng là người lắng nghe những nhận xét mang tính định hướng về mặt chuyên môn của giám khảo), điều đó khiến họ cảm thấy ngỡ ngàng lẫn thất vọng. Ở chương trình Tuyệt đỉnh tranh tài 2015, thí sinh hát không thuyết phục được người nghe nhưng vẫn nhận được lời tán dương tận mây xanh từ Hồng Nhung. Đây là cuộc thi dành cho những ca sĩ chuyên nghiệp nên đòi hỏi yếu tố chuyên môn phải được đề cao. Những nhận xét thẳng thắn và đúng đắn không chỉ giúp ca sĩ trẻ nhận biết được khiếm khuyết của bản thân để phấn đấu cải thiện mà còn nâng cao nhận thức thẩm mỹ cho công chúng đang theo dõi cuộc thi.
Khác tính chất và cũng không buông những “lời đường mật” như Hồng Nhung, vị trí giám khảo của ca sĩ Mỹ Linh (cũng được xem là 1 trong 4 diva của làng ca nhạc Việt Nam) ở chương trình Gương mặt thân quen phiên bản Việt tạo nên những ý kiến trái chiều. Với nền tảng của một người làm nghề lâu năm, có kiến thức và kinh nghiệm, đang tham gia công việc đào tạo thế hệ ca sĩ tài năng cho nhạc Việt, chị lại xem việc trình diễn bắt chước giống một giọng ca nổi tiếng nào đó là tài năng thì khó thể chấp nhận.
Việc giám khảo khen lấy khen để phần trình diễn của thí sinh ở các chương trình truyền hình thực tế không hiếm. Đó là Nguyễn Hưng, Đức Huy, nhạc sĩ Nguyễn Cường, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Tuấn Hưng… - toàn những giám khảo được xem là “dễ tính”.
Trách nhiệm xã hội
“Hội chứng thảo mai” (khen ngợi) là cụm từ dư luận trên mạng dùng để ám chỉ nhiều vị giám khảo trong các chương trình truyền hình thực tế hiện nay. Dành nhiều lời khen tặng cho thí sinh hơn là thẳng thắn nhận xét, góp ý là giải pháp an toàn để những người đóng vai giám khảo bảo vệ thương hiệu chương trình, không làm tổn thương thí sinh, không sợ bị “ném đá” bởi “fan cuồng”.
Thực tế, đã có không ít người ngồi ghế giám khảo thấy “sao” nhận xét vậy đã phải rời “ghế nóng” vì áp lực của khán giả hâm mộ thí sinh hay cảm thấy khó tuân theo bảng phân vai mà đơn vị sản xuất chương trình yêu cầu.
Nhiều người từng ngồi ghế giám khảo sau khi rời cuộc thi mới có những nhận xét thật lòng về cuộc thi, về chất lượng thí sinh với góc nhìn hoàn toàn khác, thậm chí trái ngược với những gì họ đã khen ngợi trước đó. Nhạc sĩ Tuấn Khanh từng nói rằng giám khảo ở một chương trình truyền hình giải trí chỉ là người làm tròn vai diễn. Khi thấy mình không thể tiếp tục làm “kịch sĩ” ở đó nữa, anh đã rút lui.
Có ý kiến cho rằng khi ngồi vào vị trí giám khảo chuyên môn một cuộc thi, dù là chương trình truyền hình mang yếu tố giải trí, nghệ sĩ phải thể hiện được trách nhiệm của mình trong việc định hướng thẩm mỹ. Nếu không làm được điều đó, họ có quyền từ chối tham gia. Nghệ sĩ càng có uy tín trong giới chuyên môn càng phải biết tôn trọng nghề nghiệp của mình. Những lời khen tặng không đúng, không thật lòng của giám khảo không những làm giảm uy tín của họ trong giới chuyên môn mà còn gây ra những hậu quả xấu đối với người được khen và cả công chúng.
Theo Thùy Trang/Người lao động