Đầu tư vốn, công sức vào sân khấu kịch giữa thời buổi khó khăn này giống như một canh bạc. Con đường ấy lại nhiều gập ghềnh khi những cuộc “hôn nhân” giữa bầu sô tư nhân và chủ thuê mặt bằng cứ lần lượt đổ vỡ, thậm chí đưa nhau ra tòa.
Dàn dựng 6 vở kịch nhưng không cho diễn
Hiện TAND Q.1 đã thụ lý đơn của nghệ sĩ Ngọc Trinh kiện Nhà hát Kịch TP.HCM vì đã vi phạm hợp đồng hợp tác.
Cô cho biết năm 2014, khi ông Trần Khánh Hoàng còn là giám đốc có thỏa thuận miệng, đồng ý hợp tác với Ngọc Trinh, cho nhóm kịch của cô dàn dựng và tổ chức các chương trình biểu diễn tại sân khấu 30 Trần Hưng Đạo, Q.1. Phần doanh thu được chia theo tỷ lệ: Nhà hát Kịch TP.HCM 20%, Ngọc Trinh 80%. Giám đốc còn đề nghị các hợp đồng biểu diễn với diễn viên, bán vé qua mạng đều do nhà hát đứng tên. Tiền bán vé qua mạng phải chuyển vào tài khoản của nhà hát và đơn vị này sẽ tạm giữ số tiền để trừ vào các chi phí điện nước, bồi dưỡng nhân viên. Nhóm phải chịu toàn bộ trách nhiệm trong việc đầu tư kịch bản, trả chi phí cho đạo diễn, diễn viên...
Cảnh trong vở 49 ngày yêu của nhóm nghệ sĩ Ngọc Trinh.
Tháng 10.2014, vì lý do sức khỏe, ông Trần Khánh Hoàng xin nghỉ việc tại nhà hát, Phó giám đốc Trần Quý Bình tạm thời điều hành. Nhóm kịch quyết định đầu tư tiền dàn dựng 6 vở: Chỉ có thể là yêu, Kẻ nói dối vô tình, Cặp đôi hoàn cảnh, A... mẹ ma, Mắt âm dương và 49 ngày yêu với chi phí gần 450 triệu đồng. Tuy nhiên sau đó, ông Trần Quý Bình không cho nhóm biểu diễn dẫn đến thiệt hại kinh tế và uy tín.
Trong đơn kiện, nghệ sĩ Ngọc Trinh yêu cầu Nhà hát Kịch TP.HCM phải bồi thường tiền đầu tư cho 6 vở diễn mới, chi phí trả cho diễn viên tính đến ngày 26.10.2014 và kịch bản Tết 2015 Thuật hồi sinh... tất cả gần 600 triệu đồng. Ngọc Trinh quả quyết: “Dù có khó khăn, cam go nhưng tôi cũng sẽ kiện tới cùng để đòi bằng được quyền lợi cho mình”. Ông Nguyễn Anh Kiệt - Giám đốc Nhà hát Kịch TP.HCM trả lời Thanh Niên: “Sắp tới, việc đúng sai sẽ do tòa án phán xét và hiện nhà hát đã đáp ứng đầy đủ các hồ sơ pháp lý theo yêu cầu của cơ quan tố tụng”.
Tự “gồng mình”
Không chỉ riêng Ngọc Trinh, trước đây hai nghệ sĩ Minh Nhí và Quốc Thảo cũng đã từng... trắng tay khi đầu tư 500 triệu đồng vào Sân khấu Trần Cao Vân Q.1, TP.HCM. Ban đầu đơn vị chủ quản yêu cầu ngừng hoạt động với lý do nhà thiếu nhi không có chức năng và quyền hạn ký kết hợp đồng kinh tế, sau đó bị phản ứng mới đồng ý cho thuê nhưng lại đặt ra quá nhiều điều khoản bất lợi nên Minh Nhí - Quốc Thảo bán nhà trả nợ, hoàn lại mặt bằng.
Nghệ sĩ hài Minh Béo cũng kể: “Năm 2013, tôi ký hợp đồng với Giám đốc rạp Vườn Lài đầu tư làm Sân khấu Sao Minh Béo trong thời hạn 10 năm. Tuy nhiên, khi tôi vừa đi diễn ở Mỹ về họ thay đổi quyết định cái rẹt, yêu cầu ký 3 năm một, chỉ diễn từ thứ năm đến chủ nhật và có thể lấy lại mặt bằng bất cứ lúc nào. Nhiều điều khoản quy định rất khắc nghiệt: Ban ngày rạp chiếu phim, muốn tập vở 1 buổi đóng 5 triệu đồng, nếu ghi hình thì 10 triệu đồng, rồi đủ thứ khác. Vì vậy, mới biểu diễn có 5 suất, tôi đã phải bỏ của chạy lấy người”.
Hiện nay ở TP.HCM, trong khi những đoàn kịch nhà nước ổn định về chỗ diễn thì khó khăn nhất của sân khấu tư nhân chính là mặt bằng. Các đơn vị xã hội hóa vừa tự “gồng mình” lao động nghệ thuật, lúc bị đơn phương chấm dứt hợp đồng phải chuyển đổi sân khấu, thiệt hại kinh tế rất lớn, vừa tự thu, tự chi, tự gánh chịu hậu quả nếu ế vé, vắng khách.
Sân khấu Hoàng Thái Thanh của Ái Như sau 5 năm trụ ở đường Lê Quý Đôn phải dời về Nhà thiếu nhi Q.10. Sân khấu Nụ Cười Mới từ ngày thành lập đến nay đã chuyển địa điểm tới... 5 lần. Còn Sân khấu Kịch Tâm Ngọc đang rục rịch chuẩn bị về 142 - 144 Đinh Tiên Hoàng (Q.Bình Thạnh) để diễn vì đang có “sự cố” với đơn vị cho thuê.
Đầu tư bài bản và có thương hiệu như sân khấu của NSND Hồng Vân nhưng cả ở điểm diễn Nhà văn hóa Q.Phú Nhuận và Superbowl cũng đều phải “ăn nhờ, ở đậu”. Bà bầu Hồng Vân nói: “15 năm nay, Sân khấu Phú Nhuận cứ 5 năm một lần phải ngồi thỏa thuận, ký kết lại hợp đồng, chủ yếu là tăng chi phí. Sân khấu Superbowl thì 4 năm một lần, tới nay đã trải qua 4 - 5 đời giám đốc, mỗi lần đổi phải bàn bạc tới lui rất vất vả. May mà mọi việc đều ổn thỏa”.
Lúc nào diễn cũng nơm nớp bị đuổi
Nghệ sĩ hài Minh Béo bày tỏ: “Nghệ sĩ chúng tôi chỉ chuyên tâm làm nghệ thuật, ít va chạm nên thường hay cả tin, dễ dãi, làm gì cũng không cần yêu cầu văn bản, hợp đồng, đến khi đụng tới pháp luật là thấy yếu lý ngay. Kêu gọi xã hội hóa kịch nhưng chúng tôi không có một điểm diễn ưng ý, không được đầu tư ghế ngồi, cảnh trí bài bản và sáng tạo nghệ thuật theo ý mình. Lúc nào diễn cũng nơm nớp bị đuổi thì... khổ lắm”.
Diễn viên Long đẹp trai (Sân khấu Nụ Cười Mới) bức xúc: “Trong khi nhiều loại hình kịch xã hội hóa đang thiếu địa điểm biểu diễn để đưa những tác phẩm bổ ích tới công chúng thì ở nhiều đơn vị nhà nước, mặt bằng rất đẹp bị bỏ hoang phí. Theo tôi, nhà nước nên có hình thức đầu tư, tạo điều kiện để kịch TP.HCM phát triển, đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng đa dạng của khán giả”.
Lê Công Sơn/Theo Thanh niên