Nỗi đau của 'Người đàn bà uống rượu'

Đăng lúc: 2:01 pm, Ngày 20/07/2015

Một người đàn bà tay cầm trái chuối xanh, tay ôm chai rượu nốc từng hơi, thất thểu, vật vờ như một bóng ma. Trong lúc nửa tỉnh nửa say, cô bất giác gọi tên các đồng đội, miệng lè nhè câu hát Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây...

Người phụ nữ ấy là Duyên trong vở kịch Người đàn bà uống rượu (kịch bản Hữu Ước, đạo diễn Quốc Thảo) trên sân khấu Phú Nhuận. Duyên là thanh niên xung phong, làm việc trong một trạm quân y ở Trường Sơn những năm kháng chiến chống Mỹ. Cô và đồng đội cùng những chiến sĩ trong một tiểu đoàn đã sống những năm tháng tuổi trẻ phơi phới, tươi tắn, lạc quan, đầy tin tưởng về tương lai. Một ngày nọ, khi 2 người lính cảm tử nhận nhiệm vụ ôm bom lao vào đồn địch, Duyên và My đã tự nguyện dâng hiến đời con gái cho họ.

“Cái quý giá nhất của con người là mạng sống nhưng các anh không tiếc thì chúng tôi có tiếc gì khi trao cái quý giá nhất của đời con gái cho các anh? Tôi muốn trước khi nằm xuống, các anh được làm người đàn ông hoàn hảo” - Duyên đã quả quyết như vậy. Dù sự hy sinh của Duyên xuất phát từ lý do mong muốn những người lính cảm tử sẽ “để lại giọt máu” trên đời nhưng trong khoảnh khắc đó, tình yêu vẫn hiện diện, nó trở nên đẹp hơn khi hòa cùng tình yêu đất nước.
Nỗi đau của Người đàn bà uống rượuPoster vở kịch Người đàn bà uống rượu.

Khi Duyên có thai với Hữu, một trong 2 người lính cảm tử, cũng là lúc cô bị đuổi về hậu phương để rồi thấm thía nỗi khổ nhục. Nỗi nhục biến thành nỗi đau, đeo bám Duyên mãi cho đến tận lúc chiến tranh kết thúc, khi cô về làm việc cho một nông trường. Người đàn bà chịu tai tiếng chửa hoang bị đày xuống làm công nhân quét rác, dọn nhà vệ sinh, bị xa lánh, rẻ khinh. Đứa con của cô với người lính cảm tử năm xưa cũng sống trong sự miệt thị của người xung quanh.

Từ một cô gái đầy nhiệt huyết năm xưa ở chiến trường Trường Sơn, Duyên trở thành người đàn bà chuyên vặt trộm chuối xanh ở nông trường để nhậu với rượu đế. Khi con hỏi cha là ai, Duyên đã lấy hình của ông Đức- chủ nông trường và cũng là chỉ huy của Hữu - đặt lên bàn thờ và nói đó là cha của cậu bé. Nỗi đau chồng chất nỗi đau khi vợ con của ông Đức nghi ngờ cậu bé đó là con của Duyên với chồng, cha họ...

May thay, trong lúc quá đớn đau khi đứa con trai không biết cha mình là ai, Duyên đã gặp được mẹ của Hữu. Bà mang hình ảnh Hữu đến và Duyên lúc này đã nấc lên nghẹn ngào. Nỗi đau được hóa giải và cô có thể tự hào nói với con mình: “Cha của con là một người lính cảm tử anh hùng”.

Không phải là lần đầu tiên Người đàn bà uống rượu được đưa lên sàn kịch nhưng đây là lần đầu kịch bản này được các diễn viên trẻ của Sân khấu Kịch Hồng Vân đào tạo tham gia diễn xuất dưới bàn tay dàn dựng của đạo diễn Quốc Thảo. Tất nhiên, vẫn còn những non nớt, thiếu kinh nghiệm trong cách diễn, thoại đôi chỗ quên lời nhưng sự phiêu lưu của những người đi trước không phải là sự mạo hiểm. Trước khi công diễn, nghệ sĩ Hồng Vân tự tin: “Một kịch bản quá hay và các em đã cống hiến hết sức mình”. Thật vậy, khán giả vẫn có thể cười với những chi tiết hài hước rất tinh tế và khóc với những nỗi đau lặng câm của Người đàn bà uống rượu.
 
Minh Nga/Theo Người lao động

Đọc thêm các bài khác