NSƯT Mỹ Châu nói rằng bà không dám nói mình giã từ sân khấu mà chỉ nói mình dừng lại để giữ mãi hình ảnh đẹp trong lòng công chúng.
Chín suất diễn của vở cải lương tuồng cổ Võ Tắc Thiên năm 2002 là cách giã từ sân khấu của một giọng hát liêu trai, một “nữ hoàng kiếm hiệp” được số đông công chúng ngưỡng mộ. Điều gì khiến bà không nhớ sàn diễn suốt thời gian qua?
-Tôi bước vào nghề hát là do má tôi chọn. Tôi có được số đông khán giả mến mộ cho đến ngày hôm nay cũng nhờ bà. Bà đã xây dựng hình ảnh của tôi từ lúc còn bé cho đến khi trưởng thành. Tôi vốn sống khép kín, ít giao tiếp. Chỉ biết đi hát, đi thu âm và về nhà. Mọi thứ đều có má và người chị thứ tư lo, từ ăn uống, may sắm, tôi hầu như không ý kiến gì. Cả gia đình tôi chỉ có một nơi để lui tới mỗi khi má tôi thỉnh thoảng dẫn cả nhà đi ăn, đó là nhà hàng Mỹ Cảnh. Tôi trở nên hoạt bát, biết giao tiếp là từ khi duyên may đưa tôi gặp ông nhà tôi - cố nghệ sĩ Đức Minh. Anh ấy đã chở tôi đi khắp nơi bằng xe máy, đưa tôi đi ăn ở các quán cóc lề đường. Khi chúng tôi sang Mỹ định cư, anh ấy còn tập cho tôi quen với cuộc sống trên đất khách.
Một sản phẩm của NSƯT Mỹ Châu trước 1975.
Nhắc như thế để thấy cuộc đời tôi không có gì phức tạp. Đến với nghề diễn bình lặng, ra đi cũng bình lặng. Tôi không dám nói mình giã từ sân khấu mà chỉ nói mình dừng lại. Để giữ mãi hình ảnh đẹp trong lòng công chúng, tôi không muốn mình xuất hiện một cách thiếu cẩn trọng. Do vậy khi sang Mỹ định cư cùng chồng, có nhiều lời mời tôi biểu diễn, tôi đều từ chối. Tôi cũng không đến những nơi tổ chức biểu diễn, không tham gia bất cứ hoạt động đông người nào để không phải lưu luyến, nhớ nhung.
NSUT Mỹ Châu và mẹ (ảnh do nghệ sĩ cung cấp).
Có phải chia tay khán giả đột ngột nên thời gian gần đây, bà phải hoàn tất 5 chương trình DVD Tạ tình tri âm như sự tri ân sâu sắc của bà đối với khán giả mộ điệu đã dành cho bà quá nhiều tình cảm dù bà không còn đứng trên sân khấu?
-Với khán giả tri âm, tôi luôn mang nặng lòng biết ơn, niềm cảm kích sâu sắc. Vì vậy trong mỗi ấn phẩm nghệ thuật tôi thực hiện bằng DVD đó là những tình cảm tràn đầy của tôi dành cho họ, là dấu ấn cuối cùng trong sự nghiệp của tôi gửi đến những khán giả yêu mến tôi.
Trước năm 1975, bà đã có quá nhiều vai diễn để đời như: Mai Thảo (vở Trinh nữ lầu xanh), A Khắc Thiên Kiều (Người tình trên chiến trận), Lý Thiên Kim (Kiếp nào có yêu nhau)… và còn nhiều vở nữa, những: Tâm sự loài chim biển, Mùa thu trên Bạch Mã Sơn, Tiêu Anh Phụng, Bóng hồng sa mạc… Đối với những vở diễn sau năm 1975, bà ấn tượng với tác phẩm nào nhất?
-Những vở diễn có dấu ấn với tôi sau năm 1975 là Ánh lửa rừng khuya, Khách sạn Hào Hoa, Tâm sự Ngọc Hân, Nàng Hai Bến Nghé, Hoa độc trong vườn, Muôn dặm vì chồng… Đó đều là những tác phẩm hay, thu hút hàng triệu khán giả. Tôi nhớ nhất buổi phúc khảo vở Khách sạn Hào Hoa, sau khi màn đóng lại, đạo diễn Huỳnh Nga đã vào hậu trường hôn lên trán tôi. Vai cô Hiếu trong vở này thật sự để lại trong tôi nhiều cảm xúc. Làm việc với đạo diễn Huỳnh Nga, tôi thoải mái sáng tạo, ông không gò bó diễn viên theo khuôn phép nào, chính vì thế chúng tôi tiếp tục tạo được thiện cảm với công chúng qua từng câu thoại, lời ca.
NSƯT Mỹ Châu ngoài đời Ảnh: Thanh Hiệp
Theo bà, vì sao cải lương hôm nay chưa có nhiều ngôi sao như thế hệ của bà?
-Tôi rời xa sàn diễn lâu nên không thể nói gì được nhưng qua truyền hình và truyền thông, tôi biết nhiều nghệ sĩ trẻ có tài. Theo tôi, nghệ sĩ tạo được dấu ấn là do cọ xát với nghề. Hiện nay, ít sàn diễn cho cải lương làm sao các em có điều kiện mài giũa nghề hát, có cơ hội tỏa sáng như thế hệ chúng tôi. Ngôi sao không thể tự phong, đều từ chữ duyên mà thành: “duyên” có được kịch bản hay; “duyên” gặp đúng đạo diễn có tâm; “duyên” ra mắt khán giả đúng thời điểm…
Vậy “duyên” làm nên tên tuổi Mỹ Châu, theo bà là gì?
-Tôi mang ơn anh Minh Cảnh, người chỉ cho tôi những tuyệt chiêu khi thể hiện bài vọng cổ. Tôi quý trọng anh Thành Được vì anh là người luôn bênh vực, bảo vệ, che chở đàn em. Hồi đó mới vào nghề hát dễ bị ăn hiếp lắm. Tôi quý mến anh Diệp Lang, người có quá nhiều kinh nghiệm bồi đắp sáng tạo cho nhiều tác phẩm để chúng tôi cùng tỏa sáng. Tôi cũng mang ơn chú Bảy Viễn Châu, người viết cho tôi nhiều bài ca cổ để tôi thu âm và lưu mãi cho tới bây giờ những ấn phẩm đẹp qua bàn tay tài hoa trau chuốt của ông. Tất cả đều là duyên phận. Tôi mang ơn điều đó.
Về thăm lại quê nhà lần này, tâm trạng bà như thế nào?
-Tôi đến thăm các cô chú nghệ sĩ ở Khu Dưỡng lão nghệ sĩ TP HCM. Xúc động biết bao. Tôi gặp lại chị Lệ Thẩm, anh Lam Sơn, đôi đào kép đẹp một thời của đoàn Tiếng Chuông, chiếc nôi đầu tiên tôi bước chân vào nghề hát năm 11 tuổi với vai Sao Ly - đào con của vở tuồng Giai nhân bên suối mơ. Tôi đã khóc khi rời khỏi mái ấm tình thương này. Chạnh lòng vì đời nghệ sĩ khi về chiều không có ai bên cạnh chăm sóc, đỡ đần, may nhờ có mái ấm này để gửi phận tằm khi đã rút hết những đường tơ. Tôi đến viếng mộ của những đồng nghiệp một thời sánh bước bên tôi để được sống lại với ký ức của một thời lao động nghệ thuật hết sức vinh dự.
NSUT Mỹ Châu và nhà báo Thanh Hiệp đến thăm các nghệ sĩ lão thành tại Khu dưỡng lão Nghệ sĩ TP.HCM.
Bà có nghĩ sẽ hồi hương và viết hồi ký?
-Tôi sống với các cháu, con của chị Tư tôi ở Atlanta, thành phố lớn của bang Georgia - Mỹ. Các cháu tôi năm nào cũng về thăm quê nhà nên tôi cứ đi theo. Tôi còn một người anh trai đã 82 tuổi sống ở Thủ Thừa, tỉnh Long An. Vì vậy mỗi khi về Việt Nam là tôi ở ngay tại ngôi nhà chúng tôi đã lớn khôn, có nhiều kỷ niệm tuổi thơ. Tôi có nhiều duyên may trong đời chính là nhờ công đức của ba tôi. Ông là một chủ xưởng mộc uy tín ở miền quê tôi. Theo lời má tôi kể, hễ mùa mưa lụt là cả xóm ngập chìm trong nước, ba tôi lấy tất cả số gỗ ván đóng thành chiếc cầu từ trong xóm dẫn ra chợ, ra trường học để bà con không phải lội nước. Nếu ba tôi không mất sớm, má tôi không phải tảo tần thì tôi đã không theo nghề hát. Tôi không nghĩ mình hồi hương vì tôi vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Tôi cũng không viết hồi ký bởi cuộc đời tôi chỉ có nghề hát, ngoài ra chẳng biết thêm việc gì khác.
Thanh Hiệp/Theo Người lao động