Nghệ sĩ hài Tấn Beo sợ gia đình bị...chia đôi

Đăng lúc: 8:10 am, Ngày 05/08/2016

Từng sống trong cảnh cha mẹ chia tay nhau, hơn ai hết, nghệ sĩ Tấn Beo ý thức phải nâng niu mái ấm gia đình, để không đi vào vết xe đổ của cha mẹ.

Gần đây HTV phát sóng lại vở hài kịch mang tên Chia đôi. Trong vở, anh đóng vai một nhà thơ có tâm hồn cao đẹp. Nhân vật có sở thích hòa giải bất đồng của mọi người, hàn gắn những cuộc tình đổ vỡ, trong khi bản thân mình thì ...ế vợ. Hình như anh có duyên với dạng vai này?
 
-Tôi là con của một đôi nghệ sĩ tài danh - Tấn Tài (HCV giải Thanh Tâm năm 1963) và nữ nghệ sĩ Như Ngọc chuyên đóng vai đào lẳng nổi tiếng trên sân khấu Thủ Đô những năm 1960. Ba má tôi ly dị, tôi sống với má và là trụ cột trong gia đình. Điều tôi khao khát nhất chính là ba má tôi hàn gắn lại, nhưng đó là điều không tưởng. Thưở nhỏ, tôi đã được ba cho theo gánh hát.

Tuy là con của bầu gánh hát nhưng tôi phải làm đủ mọi việc, từ soát vé, gác cửa đến công việc của anh nhân viên hậu đài. Hồi đó tôi giận ba tôi lắm, nhưng nhờ vậy, tôi có thể sống tự lập và dùng sức lao động để tạo dựng sự nghiệp. Có lần tôi nói với ba, sao ba không ráng ở với má, để tụi con có cha, có mẹ. Ba tôi xoa đầu tôi rồi nói, lớn lên con sẽ hiểu và cảm thông cho ba. Lúc đó tôi lanh lắm, tôi hỏi: “Vậy ai sẽ cảm thông cho má của con?”. Ba tôi im lặng. Cho nên, trên sân khấu, tôi thích đóng những vai hàn gắn tình cảm của người khác.
Nghệ sĩ Tấn Beo và cha- Nghệ sĩ Tấn Tài.
 
Nhiều lần gặp anh nghe anh kể về quảng đời trai trẻ, cái thời anh lao vào nghề hát chỉ vì muốn được sống tự lập. Có những lúc khổ cực, nhìn cả nhà thiếu ăn, anh không cầm được nước mắt. Là con trai lớn, anh bắt đầu ý thức việc tằn tiện, hạn chế bớt những khoản chi tiêu như: bỏ thuốc lá, hạn chế hẹn hò, nhậu nhẹt, để có tiền lo cho căn bệnh đau cột sống của mẹ. So với nhiều nghệ sĩ hài, tuổi thơ của anh khá chông gai?
 
-Tất cả những hình ảnh đó tôi đều ghi nhớ. Dự dính sẽ viết thành phim và trong đó có đan xen cuộc đời mình. Mẹ tôi không hận ba tôi, bà vẫn muốn khi thác đi vẫn được nằm cạnh “hoàng đế dĩa nhựa - Tấn Tài”. Và tôi đã làm đúng nguyện ước của bà.Tôi cảm ơn tuổi thơ với những bữa cơm chan nước mắt, nhưng đúc kết cho tôi nhiều ý niệm sâu sắc của nghề hát, của cuộc sống. Để biết thương đôi chân đạp chông gai mà đi tới.
 
Năm 1995, anh cưới vợ, đó là một người phụ nữ hiền thục, có cá tính khiêm nhường, luôn lặng lẽ đứng sau lưng vinh quang của chồng. Có lần tôi đến nhà tìm anh, gặp lúc chị bồng đứa con trai đi khám bệnh. Hỏi ra mới biết anh đi lưu diễn ở tỉnh xa, một mình chị vừa lo cho mẹ chồng, vừa lo cho con nhỏ. Các con anh không theo nghề, có là sự hối tiếc của anh?
 
-À, cháu bé đó tên là Tấn Lợi, hôm nay đã nhập ngũ, trở thành anh bộ đội được 3 tháng rồi. Tôi tự hào về con trai mình. Rất bản lĩnh, mạnh mẽ. Con không theo nghề cha tôi không buồn, cái chính là con sẽ là người sống lương thiện, tử tế và làm chủ được bản thân mình.
Nghệ sĩ Tấn Beo và con trai đang trong quân ngũ.
 
Nói về vợ mình, anh dành những lời nào cho chị nhà, rất ít khi thấy chị cùng anh xuất hiện ở các sự kiện văn nghệ?
 
-Vợ tôi ít nói, nhưng nhiều lúc cũng nổi nóng khi thấy chồng mê nghề hơn là mê gia đình. Cô ấy đã khóc thầm nhiều đêm, đến lúc hỏi ra mới chịu nói những khuyết điểm đáng ghét của tôi. Từ đó, tôi rút kinh nghiệm và cố gắng dung hòa vì tôi rất sợ hạnh phúc bị... chia đôi. Vợ tôi không có tính ghen, vì hiểu và tin tưởng tôi. Cô ấy cũng ít chịu xuất hiện trong các sự kiện văn nghệ, chỉ thích ở nhà lo cho chồng, con những bữa cơm ngon. Tôi sợ đi vào vết xe đổ của cha mẹ, nên cố gắng giữ gìn hạnh phúc.

Hơn nữa, lâu nay người ta thường cho rằng cải lương là giới thường hay thay chồng đổi vợ. Tôi không thích thế hệ khán giả hôm nay vẫn nghĩ chúng tôi như thế. Nếu trên sân khấu mình diễn những vai tuồng chung thủy mà ngoài đời thường lại sống buông thả, chắc chắn mình không xứng đáng được gọi là nghệ sĩ.

Thanh Hiệp/Theo Người lao động