Tìm lại Tư Ếch - nghệ sĩ Văn Hường

Đăng lúc: 9:40 pm, Ngày 28/02/2017

Nghệ sĩ Văn Hường nói ông không định cư ở Mỹ như lời đồn mà sống ẩn tích tại quê nhà ở quận 9, TP.HCM.

Nghệ sĩ Văn Hường chia sẻ: "Tôi và cô Lệ Thủy từ bé xíu đã có dịp đứng chung trên sân khấu đoàn Kim Chung. Giữa chúng tôi có nhiều kỷ niệm lắm, khi đó chúng tôi còn trẻ, mới chập chững vào nghề và vào đoàn Kim Chung, cô Thủy đóng vai Tố Tâm, còn tôi đóng vai Tiểu Đồng đi theo hầu Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài. Có thể nói bài ca vọng cổ hài qua bút pháp tài hoa của soạn giả NSND Viễn Châu đã dung nạp đủ tính chất hỉ, nộ, ái, ố để tôi có được biệt danh “Tư Ếch”. Quá trình nghiên cứu trong cách ca đã giúp tôi định vị bài vọng cổ hài. Còn Lệ Thủy thì là người đầu tiên ca bài tân cổ giao duyên. Cuộc hội ngộ này chúng tôi đã quay video lại để thực hiện cho những chuyên đề sân khấu sau này, khi Sân khấu Vàng của Lệ Thủy - Minh Vương tái hoạt động, có thể tôi sẽ tham gia ca vài bài ca cổ hài như: Tư Ếch đi Sài Gòn, Vợ tôi, tôi sợ, Tư Ếch tái xuất giang hồ...
Nghệ sĩ Văn Hường và NSND Lệ Thủy.
 
"Hỏng biết sao nhiều người cứ nghĩ tôi định cư sang Mỹ, nhưng thú thiệt tôi chỉ đi qua đó du lịch một lần và tham gia hát tại các nhà hàng phục vụ bà con kiều bào còn yêu mến tiếng hát Văn Hường"- nghệ sĩ Văn Hường giải thích về sự biệt tích lâu nay của mình.
 
Nghệ sĩ Văn Hường cho biết ông về sinh sống tại quê ở Thủ Đức (nay là quận 9) để an dưỡng tuổi già: "Hơn nửa thế kỷ bôn ba đi hát, đi diễn, tôi quan niệm rằng niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ chỉ thực sự có khi mình còn đứng trên sân khấu, còn giải nghệ rồi thì không có niềm vui nào bằng. Tuy nhiên, mỗi khi bạn bè đồng nghiệp đến tham dự đờn ca tài tử tại nhà tôi, thu hút bà con khán giả đến đông vui, tôi thấycũng ấm lòng. Không được đứng trên sàn diễn thì lấy sân nhà mình làm sân khấu".
 
Ông nói về công việc của mình sắp tới phải làm với NSND lệ Thủy: "NSND Lệ Thủy, NSƯT Minh Vương rất còn máu lửa với nghề, chúng tôi sẽ hội ngộ trong các đêm chuyên đề sân khấu của Sân khấu Vàng đi vào khai thác những dấu ấn của một thời đã qua, nhắc lại cho khán giả biết thế nào là sự chuẩn mực trong ca diễn của cải lương xưa. Đó cũng là điều mà thế hệ chúng tôi muốn thực hiện để góp phần trả lại cho sàn diễn cải lương những giá trị đích thực, giúp các bạn trẻ hiểu hơn về nghệ thuật cải lương sang và đẹp như thế nào".
Nghệ sĩ Văn Hương và vợ.
 
Sự nghiệp danh hài vọng cổ của ông đã thu âm hơn 230 bài vọng cổ hài, trong đó phần lớn do NSND Viễn Châu sáng tác, hơn một nửa trong số này thuộc diện nổi tiếng, được thu đĩa nhựa nhiều lần. Ngày nay, loại hình này gần như không còn. "Chính xác là quá ít người đủ tầm để sáng tác vọng cổ hài. Phần lớn chỉ nhại lại cách viết của thầy Viễn Châu chứ chưa có gì đột phá. Tôi cảm thấy cần phải khai giảng gấp các lớp tập huấn cho người sáng tác vọng cổ hài, nếu không thì cạn nguồn. Điều tôi và Lệ Thủy mong muốn là cần phải xây dựng gấp nền tảng của những thể điệu, để không còn kịp khi nghệ thuật cải lương bị thời gian bào mòn và thế hệ chúng tôi không còn sức lực"- Nghệ sĩ Văn Hường nói.
 
Thanh Hiệp/Theo NLĐO

Đọc thêm các bài khác