'Phép mầu' ở sân khấu Trịnh Kim Chi

Đăng lúc: 8:08 am, Ngày 07/03/2017

NSƯT Trịnh Kim Chi vừa tổ chức kỷ niệm một năm thành lập sân khấu mang tên mình tại Trung tâm Văn hóa Hậu Giang.

Gần 20 kịch mục được dàn dựng trong suốt thời gian qua ở sàn diễn này đã cho thấy nỗ lực rất lớn của một nghệ sĩ biểu diễn muốn khẳng định vị thế nhà tổ chức.
 
Nhiều người tự hỏi trước khó khăn đang vây lấy sân khấu kịch, Trịnh Kim Chi đã tạo sức sống cho sàn diễn của mình như thế nào, nhất là khi sàn diễn này nằm ở một địa chỉ không thuận lợi để khai thác kịch. Lý giải về “phép mầu” giúp sân khấu Trịnh Kim Chi sống được trong một năm qua, đạo diễn, NSƯT Trần Minh Ngọc cho rằng: “Đề tài đa dạng, thủ pháp dàn dựng trẻ trung. Quan trọng hơn là nguồn diễn viên phong phú, quy tụ được 3 thành phần tham gia: diễn viên gạo cội, nghệ sĩ ngôi sao của sân khấu cải lương và diễn viên trẻ được đào tạo tại chỗ. Ba yếu tố đó giúp khán giả đến xem kịch ngày càng đông”.
Cảnh trong vở Chàng với thiếp trên sân khấu Trịnh Kim Chi.
 
“Phép mầu” còn ở chỗ Trịnh Kim Chi biết lắng nghe ý kiến khán giả nhằm chọn đúng đối tượng để dàn dựng những kịch bản phù hợp: Phim trường đại chiến, Tâm cung kế, Hoa hậu ao làng, Tiếng hát réo linh hồn, Một nửa đàn ông... Ở đó còn có những vấn đề thời sự mà công chúng quan tâm được cài đặt, đan xen hết sức hợp lý, tạo nền tảng vững chắc để diễn viên tự tin diễn xuất, thăng hoa cảm xúc, lan tỏa những thông điệp tích cực đến khán giả.
 
NSƯT Tú Sương - gắn bó với sàn diễn này trong nhiều vở kịch - nhận xét: “Tôi thích phong cách kịch mà nghệ sĩ Kim Chi gầy dựng. Ở đó có chỗ đứng cho nhiều bạn diễn viên trẻ, giúp họ thăng hoa và tiến bộ trong nghề”. Đạo diễn Hữu Tiến, đồng thời cũng là người tham gia giảng dạy nhiều khóa đào tạo diễn viên trẻ của sân khấu này, nói: “Kim Chi tâm huyết với việc tạo nguồn lâu dài cho sàn diễn của mình nên tự tổ chức đào tạo và sử dụng học viên do mình tạo ra. Nhờ vậy, các bạn trẻ tốt nghiệp khóa kịch tại Trung tâm Văn hóa Hậu Giang đều được làm nghề một cách tử tế”.
 
“Sau một năm phải bù lỗ thường xuyên, đến nay tôi có thể thở phào bởi sân khấu của mình đã diễn đều đặn mỗi tuần 4 suất. Mong sao không phải bù lỗ thêm vở diễn nào để có tích lũy, đầu tư dàn dựng tác phẩm đỉnh cao. Mơ ước của tôi và anh chị em diễn viên là trong năm nay sẽ dàn dựng tác phẩm kịch văn học đề tài chiến tranh Rặng trâm bầu mà chúng tôi rất tâm huyết, góp phần với sân khấu TP.HCM làm ra nhiều vở diễn có chất lượng nghệ thuật cao”.

Thanh Hiệp/Theo Người lao động

Đọc thêm các bài khác