Cấp phép nhạc đỏ - Cục NTBD đang làm gì?

Đăng lúc: 8:13 am, Ngày 22/05/2017

Bằng vào một quyết định cho phép phổ biến rộng rãi Tiến quân ca, Cục NTBD đã đặt toàn bộ hơn 90 triệu công dân Việt Nam, cả các cơ quan Đảng, Chính phủ… và cả chính mình ra khỏi vòng pháp luật...

Không chọn cách quản lý văn minh, hiệu quả và tiết kiệm như đã được rất nhiều cá nhân, đơn vị đề nghị, Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD - Bộ VH-TT-DL) lại chọn cách cho công chúng và giới làm nghề “thót tim” bằng những quyết định “trời ơi” của mình, mà chuyện cấp phép 324 ca khúc nhạc đỏ mới đây là một ví dụ.
 
Cho phép cái đương nhiên
 
Trong danh sách 324 tác phẩm vừa mới được cấp phép, tuyệt đại đa số là những ca khúc truyền thống, cách mạng (nhạc đỏ), đã được biểu diễn và ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng nhiều năm qua như: Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, Lên đàng, Tiếng hát giữa rừng Pác Bó, Tiếng chày trên sóc Bombo, Anh vẫn hành quân… 
 
Bằng việc cho phép phổ biến rộng rãi bản Tiến quân ca (Quốc ca Việt Nam), Cục NTBD đã đặt hơn 90 triệu dân Việt Nam, các cơ quan nhà nước và… chính Cục ra ngoài vòng pháp luật.
 
Những tác phẩm ấy, nói trắng ra, Cục NTBD có muốn cấm cũng không dám và cũng không có bất cứ cơ sở nào để cấm. Thế nên động tác cấp phép phổ biến rộng rãi lần này của Cục đối với những ca khúc ấy là động tác thừa - lãng phí nguồn lực của bộ máy. Chưa kể, trong danh sách ca khúc vừa được Cục cấp phép có cả Biết ơn chị Võ Thị Sáu - ca khúc vẫn được phát hàng ngày ở Nghĩa trang Hàng Dương - huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), nơi người nữ anh hùng an nghỉ bên đồng đội.
Ngạc nhiên hơn, mãi đến nay Cục NTBD mới cho phép phổ biến rộng rãi bản Tiến quân ca của cố nhạc sĩ Văn Cao - bài hát đã được chọn là Quốc ca Việt Nam từ rất nhiều năm trước - từ trước khi Cục NTBD ra đời.
 
Bằng vào một quyết định cho phép phổ biến rộng rãi Tiến quân ca, Cục NTBD đã đặt toàn bộ hơn 90 triệu công dân Việt Nam, cả các cơ quan Đảng, Chính phủ… và cả chính mình ra khỏi vòng pháp luật khi hát ca khúc chưa được phổ biến và biến các cơ quan bảo vệ, thực thi pháp luật thành trò cười khi không xử lý sai phạm của nhân dân cả nước!
 
Trách nhiệm liên đới của bộ VH-TT-DL
 
Trên thực tế hoạt động quản lý nhà nước về nghệ thuật, biểu diễn nhiều năm qua, vai trò của Cục NTBD là vô cùng mờ nhạt trong khi những quy định, quyết định ngớ ngẩn, xa rời thực tế lại quá nhiều.
Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng - bài hát đã được hát bao năm qua nay mới được Cục "cập nhật" danh sách phổ biến
 
Một thời, giới nghệ sĩ hoang mang khi Cục NTBD yêu cầu chấn chỉnh ca khúc “gây sốc” mà không hề định tính thế nào là sốc. Rồi thì quanh năm Cục chỉ làm công việc cấp phép và cấp phép, mà trong quy trình đó là muôn vàn tiếng kêu than của các hãng băng đĩa, nghệ sĩ; khi những quy định rối rắm được đưa ra, những loại giấy tờ nhiêu khê bị yêu cầu.
 
Nếu có một Cục NTBD chỉ để làm công việc cấp phép thì thiết nghĩ các sở VH-TT địa phương vẫn có thể làm tốt chức năng này (như trước đây đã từng) mà không cần phải qua nhiều cấp, không cần phải lãng phí nhân lực cho bộ máy của một cơ quan cấp Cục.
 
Ở mảng thi người đẹp, những lần công chúng nhìn thấy vai trò của Cục NTBD chỉ là trong chuyện người đẹp sửa răng, đi thi chui (mà phần triệu tập, giải trình, xử phạt… trên thực tế vẫn do sở VH-TT địa phương thực hiện). Những vụ vi phạm bản quyền trong tổ chức biểu diễn ca nhạc, những vụ nghệ sĩ vi phạm pháp luật (như trường hợp Minh Béo phạm pháp, bị phạt tù ở nước ngoài) thì gần như công chúng chẳng hề thấy bóng dáng của Cục NTBD đâu.
Con đường xưa em đi còn mang số phận kỳ quái hơn: bị Cục cấm lưu hành khi vẫn được cấp phép lưu hành bao năm qua. Cục tự cấm rồi Cục tự "gỡ" cấm. 
 
Để rồi ngày nay, Cục NTBD gây chấn động toàn quốc bằng những lệnh cấm không dựa trên bất cứ căn cứ pháp luật nào và những quyết định cho phép kỳ lạ. Dù muốn hay không, chúng ta cũng buộc phải đặt câu hỏi về năng lực thẩm định, năng lực quản lý của những người được đặt để vào vị trí quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật - vị trí mà ngoài chuyện phải giỏi chuyên môn, có khả năng quản lý, còn phải có một phông nền văn hóa tối thiểu để ứng xử với nghệ sĩ, với tác phẩm.
 
Quan trọng hơn, với tư cách là cơ quan cấp trên, Bộ VH-TT-DL đã điều hành ra sao, quản lý thế nào đối với cơ quan trực thuộc mà chỉ nội việc cấp phép hoặc cấm phổ biến các ca khúc trước 1975 thôi thì Bộ và Cục đã ông nói gà, bà nói vịt; bên bảo được, bên nói không? Khi hàng loạt quyết định “phi thường” của Cục được ban hành, Bộ VH-TT-DL không có trách nhiệm gì hay không liên đới mà vẫn giữ im lặng cho đến khi cả xã hội phẫn nộ thì mới ra tay can thiệp?
 
Nếu đã biết “con” mình yếu kém, Bộ VH-TT-DL liệu có nên xử lý rốt ráo một lần, để nhân dân không phải thắc thỏm với chuyện lâu lâu Cục NTBD lại tung ra một quyết định vượt khỏi khả năng hiểu biết thông thường của người bình thường?
 
Phạm Thành Nhân/Theo Phụ nữ TP

Đọc thêm các bài khác