Nội dung phản cảm, lo ngại nhạc underground Việt dung tục và tầm thường

Đăng lúc: 7:24 am, Ngày 16/04/2019

Bên cạnh những tác phẩm phóng khoáng, mang nhiều yếu tố mới lạ, nhạc underground Việt cũng xuất hiện nhiều ca khúc có ca từ phản cảm, cổ vũ lối sống lệch lạc.

Vài năm gần đây, nhạc underground bùng nổ và lên ngôi, với bằng chứng là rất nhiều ca khúc chiếm vị trí hàng đầu các bảng xếp hạng âm nhạc, những MV dẫn đầu top trending (thịnh hành) trên YouTube. Nhiều giải thưởng âm nhạc cuối năm đã vào tay những nghệ sĩ thuộc khu vực underground, điều rất hiếm xảy ra trước đây. Tuy nhiên, dòng nhạc này cũng có không ít ca khúc chứa đựng nội dung độc hại, phản cảm, nhưng thu hút lượt xem, lượt nghe rất “khủng” trên mạng. 
 
Mới đây, ca sĩ Binz - một gương mặt rapper underground đang nổi, đã bị cộng đồng mạng lên án, phản ứng dữ dội khi phát hành ca khúc Thôi anh không chơi. Phần lời của ca khúc khiến người nghe không khỏi sững sờ khi dễ dàng liên tưởng tới một thế giới với rượu, ma túy, sex… 
 
Bài hát có những ca từ như: “đừng vẽ cho anh một line”, “đừng bắt anh uống cả chai”, “đừng bẻ cho anh một nửa”, “đừng đưa cho anh hóa chất lạ”, “Vị trí em là doggy; On top của anh, vẫn là mông của em”… Nhiều khán giả trên mạng xã hội cho biết đây đang là “bài hát truyền thống” của “dân bay khi chơi”, bởi họ cảm thấy đồng cảm khi những “thú vui thời thượng” kia hiện diện trong một bài hát do ngôi sao của giới underground thể hiện và “Binz đang hát về thế giới của mình”.
Binz có ca khúc Thôi anh không chơi khiến người nghe không khỏi sững sờ khi dễ dàng liên tưởng tới một thế giới với rượu, ma túy, sex… 
 
Không chỉ vậy, dòng nhạc đang thịnh hành trong giới trẻ hiện nay còn nhiều bài hát, MV nổi tiếng có ca từ phản cảm. Quăng tao cái boong (Huỳnh James - Pjnboys, 136 triệu lượt xem) mời gọi: “Nào nào mình cùng lại đây phê pha/Phê cho nó hết thấy đường về nhà/Vì công việc hằng ngày chất chứa quá nhiều/Toàn những là vết ố/… Nên vì thế tao dùng “cỏ khô”/Để tẩy rửa đi hết những điều thống khổ”. Bài Tan ka ka - Ganja ka (của nhóm JGKiD, Đen, EmceeL, KraziNoyze, DSK) với những câu chửi thề và nhắc đến “Ganja” (hiểu là cần sa) khiến người nghe liên tưởng tới tệ nạn hút hít: “8 tiếng, tan ka, vác xác thân mệt mỏi về nhà/Quấn điếu Ganja, mơ màng buông mình xuống sofa/Ai ja ja ja, đêm nay ta với ta phòng ngập khói Ganja”…
 
Vào cuối tháng 2 vừa qua, nhóm rapper Việt có tên Locoboiz với 4 thành viên REV (trưởng nhóm, hát, chịu trách nhiệm sản xuất), Rich Choi (rap), Droppy (hát, rap), QueenB (rap, viết lời) đã khiến cộng đồng mạng phẫn nộ vì bị tố đốt sách của học sinh khi tới Trường THPT Hà Nội - Amsterdam quay MV. Khi bị phản ứng, thành viên có tên Richchoi đã quay clip lên tiếng rất ngông: “Nhân cách xập xệ không sao hết, bọn tao vẫn ngầu. OK?” và giơ ngón tay thối, chửi thề bằng tiếng Anh. Trước đó, Richchoi có nhiều sản phẩm “âm nhạc” khiến dân mạng phát hoảng bởi những câu chửi thề tục tĩu bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt, kiểu như “Ba con chó ngọng tao cho ăn c…, đấy là lương thực cứu đói/Bố mày chửi là chửi tận mặt, cần đ… gì phải tránh/Thấy bố mày là ngôi sao mới nổi, mấy con chó sủa cắn cực hăng” (bài Ba con chó ngọng).
 
Trên YouTube và một số trang nghe nhạc trực tuyến hiện còn phát tán khá nhiều bài hát có nội dung vớ vẩn, phản cảm nhưng lại có lượt xem khá lớn như Bê rồi ông cố ơi (của H.J - P), Em tao hip hop (J, LL - E), Được thì tiến, không thì biến (Y.B - N.T), Theo tao (H.J - J.), Đêm tàn (Wowy - J.T.A Khanh Le)…
Nhóm Locoboiz bị dân mạng "chế" ảnh sau vụ đốt sách quay MV.
 
Ngoài ca khúc Phiếu bé ngoan rất phản cảm về ca từ như “Anh có súng ngắn này/Cẩn thận nó bắn này/Bởi vì anh rất khỏe cho nên không có gì là khó/Anh thì không sợ khổ mà chỉ có cái tật sợ khô/Nhưng thật may em lại là thủy điện sông Lô…” của hai ca sĩ Yanbi, Mr.T từng bị Bộ VH-TT-DL xử phạt mỗi người 5 triệu đồng vì “tham gia phổ biến bản ghi âm có nội dung không lành mạnh”, đến nay chưa thấy ca khúc, ca sĩ, nhạc sĩ nào bị “sờ gáy”.
 
Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Minh cho rằng: “Nếu nhạc underground chỉ mãi nằm trong bóng tối ở khu vực vui vẻ của giới underground với nhau thì đó là vấn đề cá nhân, nhưng một khi các nghệ sĩ độc lập này bước ra sân khấu lớn với nhiều đối tượng khán giả nghe hơn, thì phải làm sao phù hợp với chuẩn mực chung của xã hội, không thể để những câu nói sỗ sàng, những ca từ cổ vũ lối sống lệch lạc trở thành bình thường trong âm nhạc phổ cập với công chúng như vậy được”.
 
Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh thì gay gắt lên án và cho những ca khúc có ca từ phản cảm là “thứ âm nhạc dơ bẩn”: “Tôi không hiểu vì sao những từ ngữ thô tục lại đưa vào âm nhạc được. Một nghệ sĩ có văn hóa sẽ không bao giờ làm thế”.
 
Ca sĩ, nhạc sĩ Thanh Bùi thì nêu ý kiến: “Cái gì cũng có giới hạn của nó. Giới làm nhạc trẻ có thể học tập từ âm nhạc nước ngoài nhưng nên học điều hay, điều tốt chứ không phải làm ra thứ âm nhạc dung tục, tầm thường như thế. Sự tự do trong sáng tạo nghệ thuật là quyền của mọi công dân, nhưng tự do ấy phải được nằm trong khuôn khổ, đặc trưng văn hóa của cả dân tộc”.
 
Phan Cao Tùng/Theo Thanh Niên

Đọc thêm các bài khác