Tự chấm giải cho mình - chuyện chỉ có ở Việt Nam

Đăng lúc: 8:45 am, Ngày 30/10/2017

Tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi" diễn ra triền miên nhiều năm nay trong các hội văn học nghệ thuật ở Việt Nam.

Sự việc ông Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tự chấm giải cho chính mình (và có tới ba giải) mà một tờ báo vừa phản ánh đã lần nữa khẳng định đây là… vấn nạn chung của các hội văn học nghệ thuật mà dường như nhiều năm nay chưa có hội nào muốn thay đổi.
 
Cụ thể trong Giải thưởng nghệ thuật năm 2016, ông Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã nhận một giải A cho vở Hoàng thúc Lý Long Tường (với vai trò tác giả) và hai giải B cho hai vở Vụ án Lệ Chi Viên (vai trò tác giả) và Thoại Khanh - Châu Tuấn (vai trò đạo diễn).
Vở Hoàng Thúc Lý Long Tường, tác giả NSND Lê Tiến Thọ, đạo diễn: NSND Hoàng Quỳnh Mai - Ảnh: Trọng Hoàng
 
Giới sân khấu phản ứng vì ngoài chức vụ nói trên, ông Lê Tiến Thọ còn kiêm luôn cả vị trí Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật chấm các tác phẩm tham dự Giải thưởng nghệ thuật năm 2016. Tức ông đã ở vị trí "vừa đá bóng, vừa thổi còi".
 
Vụ việc này không khác mấy với vụ việc xảy ra tháng 3 năm nay đối với Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Ông Vũ Quốc Khánh, chủ tịch hội đã phải xin rút hai giải khỏi cuộc thi Nhiếp ảnh nghệ thuật đồng hành cùng đất nước 30 năm đổi mới. Bởi ông Khánh không chỉ giữ chức Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, Chủ tịch Hội đồng thẩm định mà còn có tác phẩm dự thi và đoạt giải đã khiến giới nhiếp ảnh phản ứng dữ dội. 
 
Giải thưởng Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam cũng vậy, không ít năm trao giải cũng bị xì xào lời ra tiếng vào. Dù chưa xảy ra tình trạng hội viên phải rút giải vì sức ép dư luận như các hội nói trên, nhưng tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi" cũng diễn ra ở hội này.
 
Những đơn vị như Hãng phim tài liệu và khoa học Trung ương, Hãng phim hoạt hình Việt Nam, Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam là những đơn vị có nhiều tác phẩm gửi tới dự thi Cánh diều. Và năm nào Ban tổ chức Cánh diều cũng mời một số nghệ sĩ của các đơn vị nói trên làm thành viên ban giám khảo Cánh diều. Cách thức chọn ban giám khảo này đã trở thành thông lệ hoàn toàn bình thường của giải này.
 
Trong Liên hoan phim truyền hình toàn quốc 2016, bộ phim tài liệu Ba mùa (Phan Huyền Thư, Trần Quý đồng đạo diễn) được trao Giải Vàng đã gây ra những thắc mắc không nhỏ cho giới làm phim tài liệu. Những người làm nghề cho rằng vì ngồi trong ban giám khảo chấm phim tài liệu của liên hoan này, nên Phan Huyền Thư đã lách luật bằng cách không đứng tên trong bộ phim khi tham gia liên hoan này.
Ba mùa vẫn được lưu trên hệ thống website của Liên hoan phim truyền hình toàn quốc 2016, trong phần "Người thực hiện" không hề có tên của Phan Huyền Thư. Nhưng tới tháng 4/2017, Ba mùa tiếp tục đi dự thi giải Cánh diều, lần này bộ phim đoạt giải Cánh diều Bạc, phần đạo diễn có ghi: Phan Huyền Thư, Trần Quý. Nhiều người làm nghề không phục vì cho rằng một khi Phan Huyền Thư đã ngồi ghế giám khảo thì không nên gửi phim của mình đi dự thi.
 

Tuổi Trẻ Online đã đổi với PGS. TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái về vấn đề này, bà chia sẻ rất thẳng thắn: "Hội đồng nghệ thuật thì phải mời các nhà lý luận phê bình công tâm vào chấm. Họ là người không có tác phẩm dự thi, lại có chuyên môn, là người thích hợp nhất để cầm cần nảy mực.
 
Tôi vẫn nhớ thời nhà văn Hồ Anh Thái còn làm Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội, khi đã ngồi vị trí Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, thì ông ấy không bao giờ gửi tác phẩm của mình dự thi, dù tác phẩm của ông ấy thực sự chất lượng. Đến khi ông ấy thôi chức vụ này, thì mới đưa sách của ông ấy đi dự các cuộc thi và đoạt giải.
 
Ngay cả tôi ngồi vị trí Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình của Hội Nhà văn Hà Nội, năm đó tôi có tác phẩm mới, nhưng ông Hồ Anh Thái cũng nói luôn là một khi đã ngồi vị trí ban giám khảo thì không được gửi tác phẩm dự thi. Với tôi đó là một cách làm rất công minh".
 
Ngọc Diệp/Theo TTO

Đọc thêm các bài khác