NSND Bạch Tuyết luôn xem sân khấu là thánh đường

Đăng lúc: 8:19 am, Ngày 19/03/2018

Từ những mất mát trong đời, NSND Bạch Tuyết bắt đầu sáng tác, chuyển thể và dàn dựng để gửi gắm vào đó nhiều thông điệp đẹp cho cuộc đời, để an ủi, vỗ về những đau khổ của nhân sinh.

Nhà hát Truyền hình TP.HCM vừa công diễn vở cải lương Ngôi nhà không có đàn ông do NSND Bạch Tuyết chuyển thể từ tác phẩm kịch nói của cố nhà văn Ngọc Linh, đồng thời bà cũng là đạo diễn vở cải lương này. Điều gì khiến bà muốn dàn dựng phiên bản cải lương Ngôi nhà không có đàn ông?
 
-Tác phẩm của nhà văn Ngọc Linh luôn có chuyện để kể, vừa ngẫu hứng vừa đầy khôn ngoan chủ ý, hệt như cách ông ứng biến và sáng tạo trên những bản thảo để người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Dòng chảy văn học chất chứa trong tác phẩm của ông khiến người xem dù ở thế hệ nào cũng cảm nhận có mình trong đó; còn nghệ sĩ dễ cảm nhận và thể hiện nhân vật luôn tươi mới, biến hóa tài tình trên sân khấu.
 
Đây là giai đoạn sàn diễn cải lương cần những vở diễn mang tính đương đại. Dù là kịch bản cũ nhưng đến nay, giá trị của thông điệp mà nhà văn Ngọc Linh muốn gửi gắm trong Ngôi nhà không có đàn ông vẫn đầy ắp tính thời sự. Một phụ nữ bị thù hận bó buộc sinh ra căm ghét đàn ông, tạo cho cuộc sống của mình và những người thân một vỏ bọc an toàn nhưng sống trong cô độc, ích kỷ.
 
Bà đã quá nổi tiếng, đẳng cấp của bà đã được người trong giới lẫn đông đảo công chúng say mê nghệ thuật cải lương thừa nhận, ngưỡng mộ và kính trọng. Đẳng cấp và tài năng ấy xứng danh "Cải lương chi bảo". Dường như bà chưa muốn dừng lại ở đó?
 
-Tôi được khán giả yêu mến và tiếp tục cống hiến để giữ cho sự yêu mến đó bền bỉ. Tôi luôn xem sân khấu là "thánh đường" với nghệ sĩ, nơi "hành hương" của người hâm mộ.
Tôi được khán giả yêu mến và tiếp tục cống hiến để giữ cho sự yêu mến đó bền bỉ. 
 
Giới nghệ sĩ thường nói giọt nước mắt trên sân khấu và ngoài cuộc đời đều thật, vì... mặn như nhau. Thảm đỏ vinh quang của nghệ thuật cũng là màu của máu. Làm nghệ thuật phải máu lửa, có khi phải đổ máu trên sàn tập mới nên hình, nên dạng một tác phẩm. Bà là diễn viên, rồi làm biên kịch, chuyển thể và nay với vai trò đạo diễn. Ba vị trí đó trong một con người, bà xem trọng vị trí nào nhất?
 
-Diễn viên. Sau vai diễn, tôi khóc nhiều hơn, điều này không giải thích được. Mọi thứ xung quanh tôi không hẳn chỉ toàn màu hồng mà trải qua biết bao sóng gió, những chiêm nghiệm nhiều đắng cay. Tôi thường thổ lộ trong các cuộc phỏng vấn hay trò chuyện trước công chúng, dù không phải ai cũng dễ dàng đồng cảm để nhận ra những góc khuất đằng sau ánh hào quang nhưng tôi tin chắc chính những khó nhọc, khổ tâm của mình đã tác động để vai diễn, tác phẩm của tôi trên sân khấu lúc nào cũng đong đầy cảm xúc.
 
Khi mẹ tôi qua đời, tôi là đứa trẻ mồ côi. Có người bất ngờ nhận tôi là con gái của họ bị bỏ rơi. Báo chí đổ xô chỉ trích tôi thờ ơ với mẹ ruột. Lúc đó, ba tôi mời người phụ nữ ấy đến nhà để đối chất. Tôi còn nhớ ba tôi chỉ hỏi người ấy một câu: "Tôi với bà lấy nhau từ khi nào?". Người đàn bà đó tái mặt rồi bỏ đi.
 
Có những vai diễn chạm đến nỗi đau người nghệ sĩ mà đôi lúc chợt nhớ đến, nước mắt lại ràn rụa. Một đời diễn viên cho tôi quá nhiều mà cũng lấy đi của tôi quá nhiều. Từ những mất mát, đau đớn ấy, tôi bắt đầu sáng tác, chuyển thể và dàn dựng để gửi gắm vào đó nhiều thông điệp đẹp cho cuộc đời, để an ủi, vỗ về những đau khổ của nhân sinh.
Tâm thế làm cải lương phải mới đang buộc người trong cuộc phải năng động.
 
Làm sao mà không ngậm ngùi khi cải lương đã tròn 100 năm, danh tiếng của bà là vị ngọt mà bất cứ người làm nghệ thuật nào cũng ao ước được nếm trải. Thế nhưng, cải lương đã qua thời hoàng kim, sàn diễn héo úa. Bà đã có nhiều đề xuất, chiến lược để cải lương không mai một nhưng rồi…?
 
-Sau những đêm diễn, sau lớp hóa trang là một gương mặt nhiều mệt mỏi của người nghệ sĩ. Số phận đằng sau tấm màn nhung dễ sợ lắm. Chiến lược phát triển cho cải lương phải làm sao để sự dễ sợ đó không ngự trị trong đời nghệ sĩ. Hôm nay, chúng tôi hát chưa biết ngày sau có còn được hát không. Tâm thế đó đã lặp đi, lặp lại khi bộ mặt sàn diễn thiếu sự chăm chút, đầu tư. Tình cảnh đâu có khác bao nhiêu so với tâm trạng của một nhân vật chính khóc cười cho số phận của đời mình và chỉ mình biết?
 
Tôi nỗ lực đưa vở mới lên sàn diễn nhưng tìm được kịch bản hay như... nhặt được vàng. Khán giả ngày nay tinh tế lắm, tác phẩm phải thể hiện được chiều sâu, đi vào khám phá đời sống của một con người phức tạp đằng sau những nhọc nhằn, khổ cực.
 
Mừng là hiện nay, nhiều dự án kỷ niệm 100 năm cải lương từ Bắc vào Nam đang được triển khai. Tôi cho đây là cơ hội vàng để những người làm nghề thể hiện chân dung và nội tâm của cải lương thời hiện đại. Chân dung phải được cấu trúc bằng hình thức thể hiện mới, còn nội tâm phải chia sẻ được những suy nghĩ của con người hôm nay. Không thể đến rạp chỉ khóc cười cùng những ông hoàng, bà chúa xa xưa mãi hoặc nghe ca những câu vọng cổ mà nội dung xa rời cuộc sống.
 
Tâm thế làm cải lương phải mới đang buộc người trong cuộc phải năng động. Ngay cả chương trình Ngân mãi chuông vàng của HTV đến thời điểm này phải mới, phải hấp dẫn thì khán giả mới không rời màn ảnh hoặc chuyển kênh vì quá nhiều chuyên mục giải trí đang chờ họ.
 
Bà kỳ vọng điều gì vào lớp trẻ hôm nay khi họ sẽ làm chủ ngôi nhà sân khấu cải lương?
 
-Học trò tôi rất nhiều, chí ít cũng 2/3 đều học từ tôi. Họ đang được đặt trên vai trọng trách làm chủ di sản quá lớn này. Rất nhiều áp lực trong khi phương tiện để giữ gìn, vun đắp thì yếu dần, mất cân đối, chưa muốn nói là quá lạc hậu so với nền công nghệ tiên tiến của sân khấu các nước trong khu vực. Họ sẽ làm nên kỳ tích khi có cơ hội sở hữu đúng tầm những phương tiện vật chất: rạp hát, trang thiết bị kỹ thuật tương xứng. Họ không thiếu người tài, từ quản lý cho đến chuyên môn. Đừng bào mòn sức trẻ của họ bằng mệnh lệnh: "Cứ làm đi, đừng than khóc mãi"! 
 
Thanh Hiệp/Theo NLĐO

Đọc thêm các bài khác