Nghệ danh ngoại lai, lùng bùng lỗ tai

Đăng lúc: 8:29 am, Ngày 18/05/2018

Một lễ hội âm nhạc diễn ra tại TP.HCM, Cần Thơ, Hà Nội trong tháng 5 và 6 năm nay công bố hàng loạt tên ca sĩ, DJ tham gia khiến người nghe ngơ ngác không biết họ đến từ đâu.

Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận, tác giả của nhiều ca khúc đang được giới trẻ yêu thích, kể: “Chiều qua, mẹ tôi xem chương trình Nhạc hội song ca, khi nghe đọc tên một ca sĩ mẹ cứ thắc mắc hỏi đi hỏi lại nhiều lần, ca sĩ này người nước ngoài hả con?”.
 
Để “gần hơn với thế giới”?
 
3 năm trở lại đây, không chỉ ca sĩ, nhạc sĩ lấy nghệ danh “giống ngoại” mà còn có DJ, hot girl, hot boy, nhóm nhạc… Những cái tên na ná Tây, Hàn, Thái và không hề có yếu tố Việt nào xuất hiện ngày càng nhiều trong showbiz Việt: Mr.T, Yanbi, Kelly, Lil'Knight, Karik, Nimbia, JustaTee, Jaykii, Erik, MiA, Kewt Hew, Paranoid, Mie, GIN, Emily, Issac, Jun, Will, Kimmese, Suboi, Mr.A, Young Uno, Andree, Kyo, Lil’Shady, Only C, nhóm Uni5... “Tên dạng này giờ nhiều quá, bản thân tôi làm nghề lâu rồi nhưng không thể nhớ hết tên của họ”, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận nói.
Có nhiều lý do để các nghệ sĩ quyết định lấy nghệ danh ngoại. Erik, ca sĩ trẻ có mặt trong nhiều bảng xếp hạng âm nhạc, cho biết: “Tôi lấy tên đó vì hâm mộ nhân vật Erik Lehnsherr trong loạt phim X-men, và cảm thấy tên ấy cũng không khó nhớ”. DJ Johnmark cho rằng: “Âm nhạc VN đã vươn ra thế giới và việc lấy nghệ danh ngoại là một cách đưa chúng ta đến gần hơn với họ. “Quốc tế hóa” nghệ danh là hợp lý trong thời đại mới và cần thiết”.
Họ đều có nghệ danh rất Tây: nhóm Uni5, nam ca sĩ Erik, nữ ca sĩ Orange. Ông Phạm Đình Thắng (nguyên Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ VH-TT-DL) cho rằng: “Thực tế chưa có quy định nào cấm việc nghệ sĩ lấy nghệ danh ngoại. Nhưng nếu các bạn nghệ sĩ trẻ lạm dụng nghệ danh ngoại sẽ trở nên phản cảm. Các bạn hãy cân nhắc khi chọn và nên lấy cái tên nào mà phù hợp với văn hóa, ngôn ngữ của nước mình”.
 
Nghệ sĩ trẻ đang tự “làm khó” mình
 
Dù DJ - ca sĩ Nimbia cho rằng: “Nghệ danh ngoại hay VN không quan trọng bằng việc nghệ sĩ phát triển sự nghiệp ra sao”, nhưng một số nhạc sĩ, nhà sản xuất có uy tín trong nghề cho rằng chính nghệ danh ngoại đang tạo ra một số bất lợi cho nghệ sĩ.
 
“Tôi không bài xích việc lấy nghệ danh ngoại, nhưng có một thực tế là gần đây, khi xem chương trình, dù khá ấn tượng với một số giọng ca trẻ, tôi vẫn không tài nào nhớ nổi tên của họ khi muốn mời hợp tác”, nhạc sĩ Lê Quang nói. 
 
Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận đồng tình: “Khán giả teen có thể nhớ, nhưng đa phần khán giả rất khó phân biệt ca sĩ này với ca sĩ kia giữa một “rừng” nghệ danh ngoại. Tôi thấy tên thuần Việt hay, phong phú, dễ tiếp cận đa số khán giả hơn nên thật tiếc nếu nghệ sĩ trẻ cứ sính tên ngoại”.
 
Trên thực tế, các ca sĩ “hot” nhất, với mức cát sê cao ngất của showbiz Việt và cả hải ngoại đến giờ vẫn là ca sĩ mang nghệ danh thuần Việt: Khánh Ly, Tuấn Ngọc, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Linh, Cẩm Ly, Thu Minh, Hồ Quỳnh Hương, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Tóc Tiên, Đông Nhi… Còn đối với khán giả thế giới, những nghệ sĩ Việt và gốc Việt được biết đến nhiều nhất vẫn là Đặng Thái Sơn, Nguyễn Thiện Đạo, Tôn Thất Tiết, Trần Anh Hùng, Nguyên Lê.
 
Ông Henry Nguyễn (một nhà tổ chức chương trình tại Hà Nội, từng sống ở Úc) đề xuất giải pháp: “Thời gian sống ở nước ngoài tôi lấy tên Henry để dễ giao dịch nhưng kiểu gì tôi vẫn giữ họ tiếng Việt là Nguyễn. Tôi ủng hộ các nghệ sĩ lấy nghệ danh ngoại khi ra nước ngoài biểu diễn, nhưng không nên đặt tên ngoại 100%, mà trong nghệ danh vẫn nên có phần tên hoặc họ tiếng Việt thuần túy như: Sơn Tùng M-TP, Soobin Hoàng Sơn, Hòa Minzy… để khán giả quê nhà đỡ nhầm với nghệ sĩ các nước khác, đồng thời khán giả thế giới cũng không nhầm nghệ sĩ mình với nghệ sĩ Hàn Quốc, Thái Lan…”.
 
Dạ Ly/Theo Thanh Niên

Đọc thêm các bài khác