Nếu ở Việt Nam có một nghệ sĩ nào mà nhìn bề ngoài chẳng có chút gì nghệ sĩ thì đó chắc chắn phải là Đức Huy. Từ quần áo tới tác phong, từ đầu tóc tới giày dép, anh giống hệt một ông giáo cấp 2, đã thế lại còn là giáo làng.
Nhà giáo trường làng là gì? Là từ từ, thong thả, nhẹ nhàng, chậm chạp, khoan thai, bé bỏng. Đức Huy hoàn toàn như thế. Tuy nhiên, bạn chớ có lầm lẫn mà chết toi. Đức Huy như con diều hâu, từ từ, uể oải lượn tít ở trời cao, có khi ba tiếng đồng hồ chả hề vỗ cánh, nhưng đùng một phát, chỉ một phát thôi, lao vút xuống, tóm lấy một con gà con, rồi phóng thẳng lên trời.
Gà con ở đây là một cô gái trẻ. Đức Huy đã khiến cả giới âm nhạc bàng hoàng, và cả giới chả liên quan gì tới âm nhạc cũng bàng hoàng nốt, khi ở cái tuổi gần bảy mươi, anh cưới vợ hơn hai mươi, và sau đó nhanh như chớp, cho ra ngay một quý tử.
Đây là lần cưới vợ thứ hai của Đức Huy và cũng là đứa con thứ ba hay thứ bốn gì đó của anh. Điều kỳ diệu hơn nữa, vợ nào cũng xinh và con nào cũng ngoan. Đấy là chưa kể những khoản bồ bịch giữa chừng. Tuy anh chưa khi nào tiết lộ, nhưng cũng chưa khi nào thề sống thề chết là không có.
Ca nhạc sĩ Đức Huy và con trai với người vợ kém 44 tuổi.
Nói tóm lại, về đường tình duyên, trong khi các nhạc sĩ còn đang hoang mang viết vài ca khúc ngắn, Đức Huy đã sáng tác ra vài bản giao hưởng hoành tráng để đời.
Chỉ cần tiếp xúc với Đức Huy một phút, bạn sẽ hiểu ngay vì sao anh được phụ nữ yêu. Nếu như Lê Hoàng suốt ngày khoe đẹp trai, Michael Jackson suốt ngày khoe giàu có, thì Đức Huy chỉ khoe vẻ cần cù, vẻ nấu cơm, vẻ giặt tã, vẻ tắm cho con. Đàn bà con gái lấy anh làm chồng sẽ có cảm giác lấy một người nửa cha nửa bồ, vừa chu đáo ân cần vừa thật thà nhẫn nại, vừa nghiêm túc chắc chắn lại vừa có một quá khứ lẫy lừng.
Trên người Đức Huy, tuyệt nhiên không có nhẫn vàng, không có dây chuyền, chả có màu sắc gì ngoài những màu cơ bản. Nhìn toàn thân anh cả đằng trước cả đằng sau chả có một nốt nhạc nào hiện ra. Có hai thứ anh tuyên bố ghét nhất trên đời là mua ô tô và mua nhà, chưa kể một thứ hình như anh ghét mà không nói ra là… người mẫu hoặc hoa hậu. Anh chỉ thích các cô gái nhu mì, đằm thắm, tóc đuôi gà, áo bà ba càng tốt nhưng nổi loạn ầm ầm bên trong.
Ngồi ghế nóng, nếu phải cho điểm kém, lại gặp đúng ca khó: một cô gái đẹp, anh đau khổ, anh ngập ngừng, anh cân nhắc gần chết chứ không hề nham hiểm như Lê Hoàng, giết các em trong nháy mắt. Trong các cuộc tranh tài, ở đâu có Đức Huy là ở đó thí sinh thấy mình được che chở, được bảo vệ, được chôn cất ân cần khi băng hà.
Âm nhạc của Đức Huy, giống hệt cuộc đời anh, thiên về trình bày và kể lể. Anh có tài kể câu chuyện của mình mà đứa nào nghe cũng cứ tưởng đó là chuyện của nó. Khi ta hát một bài của Đức Huy để tặng người yêu, cả ta và bồ của ta đều đinh ninh bài ấy do ta sáng tác, nó đúng với tâm trạng hai đứa đặc biệt ở những phút vút xa.
Có thời Người tình trăm năm trở thành kinh thánh của giới trẻ, từ góc phố tới ngã tư, từ đầu hẻm tới cuối nhà ai nấy đều thì thầm “Sẽ có một ngày, một ngày nào đó, anh xa em, có vầng trăng làm chứng”. Tuy ca ngợi tình trăm năm, nhưng Đức Huy có thể chả quan trọng năm nào. Anh tuyên bố tình phải yêu, nếu không yêu nữa không nên kéo dài, dù chỉ một giây.
Đức Huy cũng có suy nghĩ vô cùng hiện đại về bổn phận làm cha, anh nói mình không sinh ra để sống cho ai, kể cả con mình. Nó có cuộc đời của nó, ta có cuộc đời của ta và đừng áp đặt cho nhau. Anh có khả năng là người đàn ông Việt Nam duy nhất khoác vai con trai cùng đi cà phê, cùng nháy mắt khi một cô gái đẹp đi qua và cười.
Nói chung cảm giác khi tiếp xúc với Đức Huy ngập tràn trong thân mật, an toàn và tin cậy. Nó giống hệt các bài hát của anh, ta có thể hát cả lúc buồn và cả lúc vui.
Lê Hoàng/Theo Đẹp Online