Với mục đích làm mới sàn diễn khi hướng công chúng đến với kịch cổ trang, Sân khấu kịch Trịnh Kim Chi đã có một vở diễn đề tài lịch sử chống ngoại xâm như "Thái hậu Dương Vân Nga".
Lao động nghệ thuật nghiêm túc
Điều đáng quý của Sân khấu Trịnh Kim Chi là các nghệ sĩ trẻ dám lao vào một đề tài khó vốn được nhiều sân khấu khai thác, từ việc biên tập lại kịch bản cải lương, biến thành câu chuyện kịch nói đã là một nỗ lực vượt lên chính mình. Trước hết, lời thoại mang đúng chất bi hùng của từng nhân vật là thử thách lớn đối với một sân khấu kịch còn quá non trẻ trong cách thể hiện tác phẩm kinh điển như Sân khấu Trịnh Kim Chi. Thế nhưng, nỗ lực đó thật đáng ghi nhận.
Bỏ qua một vài tiểu tiết chưa mấy thuyết phục về câu thoại của một vài nhân vật, mà theo giới chuyên môn là còn quá mới mẻ, sau vài suất diễn có thể lỗi này được khắc phục, trên hết là tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc của đội ngũ nghệ sĩ để biến ước mơ hướng tới sáng tạo những tác phẩm đỉnh cao của Sân khấu Trịnh Kim Chi thành hiện thực.
Đạo diễn Ca Lê Hồng nhận xét: "Nội dung của kịch đã khái quát được tinh thần của các nhân vật lịch sử luôn đặt mình trước lòng yêu nước và nỗi trăn trở vì vận mệnh quốc gia. Xem vở không cảm thấy khó chịu khi lời bài ca thay thế bằng lời thoại của kịch nói, bởi đạo diễn và biên kịch đã rất khéo léo, tạo được cảm xúc từ tinh thần yêu nước lan tỏa, thấm sâu vào tâm trí người xem. Khán giả ủng hộ, cổ vũ vở diễn chính vì sức sống của tinh thần yêu nước bất diệt trong tác phẩm này. Nữ đạo diễn Nguyễn Hải Yến đã hun đúc được tinh thần ấy, tạc dáng đứng mới cho nhân vật Dương Vân Nga với những câu thoại giàu cảm xúc, khẳng định chủ quyền đất nước thời ấy đến hôm nay vẫn nóng hổi tính thời sự".
NSƯT Trịnh Kim Chi vai Thái hậu Dương Vân Nga.
Chọn bối cảnh khi vua Đinh Tiên Hoàng vừa mất, thái tử còn nhỏ, nội tình triều đình đang bị xâu xé chỉ vì lợi ích của họ Đinh, trong khi giặc ngoại bang đang kéo quân sang xâm chiếm Đại Cồ Việt, Thái hậu Dương Vân Nga phải buông rèm nhiếp chính, điều hành đất nước với sự giúp sức của quần thần. Kịch xoáy sâu vào nhân vật Đinh Điền khi ông lộ diện việc bắt cóc ấu chúa nhằm gây áp lực buộc thái hậu giao lại quyền bính, không để Thập đạo tướng quân Lê Hoàn cầm binh mà theo ông dễ mưu phản, lật đổ triều Đinh.
Xem kịch cổ trang với cách làm của Sân khấu Trịnh Kim Chi để thấy sự hưởng ứng đón nhận của khán giả, nhất là với một vở diễn đề tài lịch sử chống ngoại xâm như Thái hậu Dương Vân Nga. "NSƯT Trịnh Kim Chi đã làm nên chuyện, tạo được sức hút mãnh liệt đối với khán giả yêu kịch qua tác phẩm này" - Thạc sĩ - đạo diễn Hòa An, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM, nhận xét.
Tạo cơ hội cho nữ đạo diễn trẻ
Chủ nhân Sân khấu Trịnh Kim Chi - NSƯT Trịnh Kim Chi - cho biết trước hết sàn diễn của chị muốn tạo điều kiện cho các nữ đạo diễn trẻ có thể dựng vở tốt nghiệp tại sân khấu của mình. "Nguyễn Hải Yến là nữ đạo diễn trẻ dám nghĩ, dám làm. Chọn đề tài kịch lịch sử, mà là vở kinh điển đã thành dấu ấn khó phai trong lòng khán giả cải lương, Hải Yến đã thúc đẩy toàn bộ êkíp cùng cô lao vào làm mới tác phẩm này. Sự chăm chút của Hải Yến đã tạo cho sàn diễn Trịnh Kim Chi thêm vị thế mới trong lòng khán giả đầu năm 2019, đó là niềm vui chung của tất cả diễn viên khi đã vượt qua biết bao thử thách để hoàn thành vở diễn này" - NSƯT Trịnh Kim Chi tâm sự.
Nữ đạo diễn Nguyễn Hải Yến và "Thái hậu Dương Vân Nga" Trịnh Kim Chi.
Trong vai Thái hậu Dương Vân Nga, NSƯT Trịnh Kim Chi đã thể hiện rõ khí phách của nhân vật qua những lời khẳng định chủ quyền: "Đất này có chủ, nước này có vua", "Long bào tuy là gấm lụa mong manh nhưng là uy quyền của xã tắc". Khí tiết hào hùng thể hiện tinh thần chống ngoại xâm của vở diễn còn thể hiện qua lời khẳng định hùng hồn của tướng quân Lê Hoàn: "Nếu hôm nay ta nộp long bào, ngày mai giặc sẽ đòi ta nộp sơn hà xã tắc. Chừng đó giang sơn Đại Cồ Việt sẽ bị chà đạp dưới gót giặc ngoại xâm…".
Các diễn viên kịch Hạnh Thúy, Hà Linh, Thái Kim Tùng, Minh Cường, Thái Vinh, Lê Chí Na, Thanh Xuân, Hoàng Nhi, Công Hậu, Thành Vinh… đã góp sức làm nên vở diễn ý nghĩa mà công lao lớn chính là lòng nhiệt huyết của nữ đạo diễn Nguyễn Hải Yến.
Có thể nói tác phẩm Thái hậu Dương Vân Nga bản dựng mới vẫn bám sát kịch bản gốc của tác giả Hoa Phượng, Chi Lăng, Hoàng Việt, Thể Hà Vân (phỏng theo kịch bản chèo của tác giả Trúc Đường) nhưng có sự cô đọng, tiết tấu nhanh tạo cho không gian sân khấu lịch sử nhiều màu sắc phù hợp với tâm lý, nhu cầu thưởng thức kịch của khán giả, không gây nhàm chán. Vở diễn còn lôi cuốn người xem bởi sự hòa quyện cảm xúc của diễn viên, đem lại dấu ấn đẹp trong lòng khán giả.
"Cách đây gần 40 năm, có đến 7 bản dựng của vở Thái hậu Dương Vân Nga được đồng loạt công diễn, trở thành sự kiện văn hóa đặc biệt ở thời điểm bấy giờ. Tôi cho rằng Sân khấu Trịnh Kim Chi là sàn diễn kịch nói đầu tiên dám thực hiện tác phẩm này dưới phiên bản kịch nói. Tôi thích thú khi xem Trịnh Kim Chi diễn vai Thái hậu Dương Vân Nga, càng thích thú hơn khi nghe cô thoại: "Đất này có chủ, nước này có vua", để hun đúc trong tâm trí khán giả niềm tự hào dân tộc bởi trong dòng máu của mỗi người Việt Nam luôn cháy bỏng ý chí kiên cường, bất khuất. Thoại kịch cổ trang mang màu sắc lịch sử rất khó. Thế nhưng, khán giả đã dành những tràng pháo tay sau những câu nói của các nhân vật chính diện. Lần đầu tiên đảm nhận một vai diễn khá nặng ở sân khấu kịch, Trịnh Kim Chi đã thuyết phục người xem. Đó là điều đáng mừng cho hành trang nghệ thuật của Trịnh Kim Chi và của sân khấu kịch mà cô đang lèo lái" - đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc nhận xét.
Thanh Hiệp/Theo NLĐO