Với rapper Karik, giá trị hai chữ nổi tiếng chỉ đáng được nhìn nhận khi chúng ta được đối xử công bằng và an tâm phát triển trong một môi trường tử tế.
Tên tuổi Karik gần đây được hâm nóng khi trở thành huấn luyện viên chương trình Rap Việt. Bằng kinh nghiệm dày dặn, anh giúp các thí sinh tiến bộ qua từng vòng, trở thành đội có nhiều khả năng giành ngôi quán quân nhất, với những cái tên nổi bật như GDucky, MCK, Ricky Star.
Sinh năm 1989, Karik (tên thật Phạm Hoàng Khoa) gia nhập thế giới hip hop với vai trò vũ công từ năm 2006. Tuy nhiên, chấn thương khiến anh phải ngừng nhảy, rẽ sang hát rap. Thập niên 2010, anh nổi tiếng nhờ các ca khúc kết hợp với Wowy như Khu tao sống (2010), Hai thế giới, Chạy (2012)...
Karik nhiều năm về trước...
Cách rap ngang tàng, xen chút mỉa mai, châm biếm thời ấy tạo nên thương hiệu của Karik. Năm 2012, bài Rắc rối của anh là bản rap duy nhất cạnh tranh ở giải thưởng MTV cùng 23 ca khúc khác. MV mang nội dung đả kích, khắc họa mặt trái của showbiz Việt lúc bấy giờ. Sau 12 tuần bình chọn, anh đoạt giải nhất cùng Mỹ Tâm, Hồng Nhung, là dấu mốc với Karik cũng như hip hop Việt. Bản nhạc sau đó xuất hiện trên kênh MTV châu Á, góp phần quảng bá nhạc Việt trong khu vực.
Năm 2013, Karik trở thành cái tên đình đám với giới trẻ. Cùng Only C, anh tạo ra bản hit Anh không đòi quà với giai điệu vui nhộn, dễ nghe, trở thành trào lưu. Hàng nghìn video cover bài hát cùng nhiều ảnh chế lan tràn trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, khi đó, Karik đối mặt nhiều chỉ trích từ giới underground vì bước khỏi ranh giới của giới chơi hip hop ngầm, dấn thân vào showbiz. Anh bị một số bạn bè nói là "phản bội anh em", "mất chất". Rapper từng nói anh bước ra mainstream (dòng chính thống) vì "cơm áo gạo tiền". Trong bản rap Ức chế (2013), anh viết: "Vì đam mê là một chuyện. Sống được với nó là chuyện khác. Nếu không kiếm ra tiền thì đam mê trước sau gì cũng bị thời gian nghiền nát". Ca khúc châm ngòi cho một cuộc khẩu chiến bằng âm nhạc giữa nhiều rapper trong giới underground và những người đã hoạt động showbiz. Karik được một số người bạn như Binz, Rhymastic, Bid Daddy ủng hộ.
Sau bảy năm, trên Youtube, Facebook, nhiều khán giả bình luận: "Karik là người có tầm nhìn", khi rap Việt giờ đây được công chúng đón nhận. Nhiều bản rap có vị trí cao trên các bảng xếp hạng, chương trình thực tế và được phát sóng vào khung giờ đẹp trên truyền hình.
Nổi lên nhờ rap trào phúng, châm biếm nhưng những ca khúc trữ tình đưa Karik đến đỉnh cao sự nghiệp. Từng có thời gian các bài hát có sự tham gia của Karik đều trở thành hit, tạo bệ phóng cho nhiều ca sĩ trẻ như Người lạ ơi (Orange), Tất cả tại anh (Emma), Đau vậy đủ rồi (Vũ Phụng Tiên).
Và hiện nay với vai trò HLV của Rap Việt
Anh có cách viết ca từ giàu cảm xúc, với nhiều hình ảnh lãng mạn. Trong bài Người lạ ơi, Karik viết: "Tôi lạc quan giữa đám đông, nhưng khi một mình thì lại không. Cố tỏ ra là mình ổn, nhưng sâu bên trong nước mắt là biển rộng". Câu rap sau đó trở thành câu yêu thích của giới trẻ trên Facebook năm 2018. Cũng trong bài hát này, anh miêu tả nỗi buồn: "Lắm lúc chỉ muốn có ai đó, dang tay ôm lấy tôi vào lòng/Cho tiếng cười trong mắt được vang vọng, cô đơn một lần rồi khỏi những khoảng trống/Mang niềm tin phủ nắng nơi u uất để trời cảm xúc tìm về với mầm sống/Để nỗi buồn thôi bám víu màn đêm, sương trên khóe mi ngày mai thôi ngừng đọng/Chỉ một lần thôi, cho sự yếu đuối hôm nay thôi đợi mong/Người lạ ơi! Người đến ủi an tâm hồn này được không?".
Trong bài Em bé (song ca với Amee), anh thể hiện mơ ước về tình yêu bền lâu: "Để anh vẫn luôn gọi em là em bé/Dẫu 40, 60, 80 anh vẫn luôn chung tình/Vẫn ủi an, chở che, cảm thông cho em/Đôi khi em tự dưng lại nắng/Rồi em tự dưng lại mưa/Hoặc đôi lần em ở giữa/Để anh vẫn luôn gọi em là em bé".
Dù được nhiều người biết đến, có sức ảnh hưởng nhất định, Karik nói anh không cảm thấy mình ở trên đỉnh cao của sự nghiệp, từng nghĩ đến chuyện giải nghệ trong vài năm tới. Anh kiên định quan điểm từng theo đuổi 10 năm trước: "Làm nghề này cũng giống như đánh một canh bạc may rủi, tài năng là một chuyện, đường hướng phát triển mới là chuyện khó... Giá trị hai chữ nổi tiếng chỉ đáng được nhìn nhận khi chúng ta được đối xử công bằng và an tâm phát triển trong một môi trường tử tế".
Theo VnExpress