Sau nhiều lần bị lùi vì dịch, phim tái hiện đời thăng trầm của Nguyễn Du đến với khán giả

Đăng lúc: 7:38 am, Ngày 14/11/2021

Trong phim "Đại thi hào Nguyễn Du", danh nhân buồn lòng khi thời thế đổi thay, phải sống nghèo khổ, nương nhờ nhà vợ ở đất Thái Bình.

Tác phẩm tài liệu được đạo diễn Nguyễn Văn Đức "thai nghén" trong ba năm, chiếu tại Liên hoan phim Việt Nam tháng 11. Với thời lượng ba tiếng, phim tái hiện cuộc đời, sự nghiệp đại thi hào, từ lúc chào đời năm 1765 đến khi qua đời năm 1820. Không chỉ đơn thuần tường thuật, tác phẩm lý giải căn nguyên hình thành nhân cách, tư tưởng của nhà thơ, từ đó phân tích tác động của chúng với văn chương của đại thi hào.
 
Từ nhỏ, ông là cậu bé có trí tuệ, sớm hiểu sự đời. Sinh ra trong gia đình quý tộc, là con thứ của Tể tướng Nguyễn Nghiễm, ông có tấm lòng nhân ái, yêu thương chúng sinh, đồng cảm với người nông dân, cậu bé ăn mày. Đặc biệt, tài năng thơ của ông sớm bộc lộ, được cha đặt nhiều kỳ vọng.
Diễn viên nhí Doãn Đức Huy đóng Nguyễn Du lúc nhỏ. Ảnh: Việt Media
 
Nhà Tây Sơn lên nắm chính quyền từ năm 1778 khiến gia đình ông - dòng họ quan lại thời Hậu Lê - thất thế. Nguyễn Du sống ẩn dật ở đất Quỳnh Côi (Thái Bình). Nhiều lần, anh vợ ông là nhà thơ Đoàn Nguyễn Tuấn khuyên em ra hợp tác nhà Tây Sơn nhưng ông cự tuyệt, không muốn dính dáng chốn quan trường, chấp nhận cuộc sống nghèo khó. Trong phim, những lúc không sáng tác, ông đau đáu khi cha mẹ mất sớm, anh em ly tán.
 
Sau 10 năm ở ẩn đất Thái Bình, Nguyễn Du được nhà Nguyễn, lúc này đã thay thế nhà Tây Sơn, triệu ra phong làm tri huyện. Ông từng bốn lần từ chức nhưng rồi vẫn phải nhận chiếu vua, trở lại chính trường. Nguyễn Du coi đường làm quan chỉ là nghề kiếm sống, còn tâm hồn ông dành hết cho thi ca, như câu thơ trong bài Mạn hứng kỳ 2: "Cuộc đời trăm năm, kiết xác với văn chương".
 
Bên cạnh chân dung Nguyễn Du, phim tái hiện hình ảnh những phụ nữ tần tảo, ảnh hưởng đến cuộc đời, con người đại thi hào. Mẹ ông là bà Trần Thị Tần, quê ở làng Hoa Thiều, xã Minh Đạo, huyện Tiên Du (Đông Ngàn), xứ Kinh Bắc, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh. Từ nhỏ, mẹ, bà ngoại thường hát ru ông bằng dân ca Kinh Bắc, đưa ông đi thăm nhiều chùa chiền quanh vùng. Vì thế, các tác phẩm của Nguyễn Du sau này thấm đẫm tư tưởng Phật giáo về nhân - quả, các triết lý luân hồi của nhà Phật.
 
Người vợ đầu tiên của ông - bà Đoàn Thị Tộ - tháo vát, chịu thương chịu khó, chạy vạy buôn bán lo cho gia đình suốt 10 năm ông ẩn cư ở Thái Bình. Đây cũng là khoảng thời gian ông bắt đầu viết Đoạn trường tân thanh. Trong một cảnh phim, đạo diễn khéo léo cài cắm việc dân gian truyền miệng Truyện Kiều, qua cảnh bà Tộ đi chợ, được chị em xúm xít yêu cầu đọc thơ của chồng.
 
Phim có đoạn nhắc tới mối tình giữa Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương - xuất hiện trong nhiều giai thoại. Sinh thời, Hồ Xuân Hương sáng tác bài thơ Cảm cựu kiêm trình Cần chánh học sĩ Nguyễn Hầu, được nhiều người suy đoán bà viết gửi ông. Giai thoại kể hai người quen biết trong một lần đi thuyền hái sen ở Hồ Tây, cảm mến tài thơ và nhân cách của nhau. Mối duyên kéo dài trong ba năm, cho tới khi Nguyễn Du phải về lại Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh đề xây từ đường cho dòng họ. Đạo diễn Nguyễn Văn Đức cho biết duyên gặp gỡ giữa hai thi nhân được ghi lại ngắn gọn trong gia phả họ nội Nguyễn Du ở Hà Tĩnh. Anh cũng tham khảo các chi tiết trong truyện Thêm một mối tình, tập Lãng đãng Nguyễn Du của tác giả Hoàng Khôi, Mai Ngọc Chúc.
Sỹ Hưng đóng Nguyễn Du giai đoạn trưởng thành. Ảnh: Việt Media
Hoàng Phượng đóng vai bà Trần Thị Tần (mẹ Nguyễn Du). Ảnh: Việt Media
 
Tác phẩm tạo sự lôi cuốn, kết nối qua các câu thơ của Nguyễn Du, chủ yếu là Truyện Kiều. Đoàn phim huy động đội ngũ hùng hậu, gồm 50 diễn viên chính, phụ, hàng trăm diễn viên quần chúng. Bối cảnh, phục trang nhân vật đẹp, hài hòa. Nhờ sự tư vấn kịch bản từ nhiều nhà Kiều học, phim đi sâu lý giải những con người, cảnh vật tạo cảm hứng cho ông sáng tạo tuyệt tác dân tộc. Điểm trừ của phim là nhiều phần phỏng vấn các chuyên gia, nhà nghiên cứu hay nhân chứng xuất hiện đột ngột, làm đứt mạch cảm xúc khi người xem đắm chìm vào câu chuyện cuộc đời Nguyễn Du.
 
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhận xét phim không gây nhàm chán dù thời lượng dài. Ông đánh giá cao màn hóa thân của các diễn viên, đặc biệt là Sỹ Hưng trong vai Nguyễn Du, có ngoại hình giống bức tượng của đại thi hào. Ngoài ra, ông thích phần âm nhạc dân gian, tạo nét mộc mạc, dung dị cho phim.
 
Nhạc sĩ Đinh Khánh Ly - người phụ trách âm nhạc - cho biết đoàn phim tái hiện nhiều làn điệu cổ, gắn với từng giai đoạn trong cuộc đời ông. Đó là điệu dân ca quan họ Bắc Ninh nơi ông sống thuở nhỏ, chèo cổ Thái Bình gắn với thời gian ông ở quê vợ và điệu ví dặm ở quê nội Hà Tĩnh.
Phim Đại thi hào Nguyễn Du có 3 phần, mỗi phần 2 tập, song hiện phim chỉ giữ lại cấu trúc 3 phần với thời lượng 180 phút và không chia tập. Tác phẩm nghệ thuật này được thể hiện bằng ngôn ngữ phim tài liệu nghệ thuật mang tính hiện đại. Vì thế, theo êkíp thực hiện, nội dung bộ phim được diễn giải sinh động, không khô cứng.
 
Phim sản xuất theo thể loại tài liệu dàn dựng, có diễn viên diễn xuất, phổ biến ở nhiều nước phương Tây từ những năm 1960. Lời thoại, cử chỉ các nhân vật là hư cấu nhưng đảm bảo các mốc thời gian, biến cố lớn trong cuộc đời họ. Êkíp liên hệ với các nhân vật như anh Nguyễn Hải Nam - hậu duệ đời thứ 14 của đại thi hào ở Hà Tĩnh, ông Trần Văn Bột - cháu bên ngoại của ông ở Bắc Ninh. Trong quá trình duyệt, Hội đồng thẩm định phim quốc gia tham vấn ý kiến từ Giáo sư, Tiến sĩ Trần Nho Thìn, Trần Đình Sử. Tác phẩm có kinh phí 15 tỷ đồng, dự định ra mắt năm ngoái, nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du nhưng nhiều lần bị lùi vì dịch.
 
Đạo diễn Nguyễn Văn Đức sinh năm 1959, tốt nghiệp Đại học Điện ảnh quốc gia toàn Liên bang Xô Viết, nay là Viện Điện ảnh Nga. Anh từng quay một số phim như Trăng trên đất khách (đạo diễn Tất Bình), Người đi tìm giấc mơ (đạo diễn Nguyễn Thế Vĩnh), Khi người ta yêu (đạo diễn Trần Phương)... Từ năm 2010, anh chuyển sang làm đạo diễn, thực hiện các phim truyền hình như Bến tình yêu, Sóng ngầm, một số phim dài 90 phút phát trên truyền hình như Hạt mưa sa, Tìm lại ngày đã mất, Trái tim người mẹ, Huyền thoại Mường Trời.
 
Theo VnExpress

Đọc thêm các bài khác