Phim về Trịnh Công Sơn rời rạp vì chiến lược sai lầm

Đăng lúc: 9:15 am, Ngày 18/06/2022

Từ ngày 17/6, phim "Trịnh Công Sơn" (bản 95 phút) sẽ rời rạp vì doanh thu kém, chỉ còn phim "Em và Trịnh" (bản 136 phút) trụ lại. Quyết định của nhà sản xuất phát hành cùng lúc hai phim cho thấy đó là một sai lầm.

Trước thời điểm công chiếu chính thức nửa tháng, nhà sản xuất phim Em và Trịnh thông báo sẽ có thêm một phim khác về cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ra rạp. Chiến lược truyền thông của đơn vị khi ấy gọi đây là “tin chấn động” bởi “lần đầu tiên trong lịch sử phim Việt có đến hai bộ phim về Trịnh Công Sơn sẽ cùng ra rạp”. Thông tin được khán giả quan tâm và chờ đợi, vì đây là việc làm chưa có tiền lệ với điện ảnh Việt.
 
Nhưng ngay từ những buổi chiếu sớm, khán giả xem phim đã chỉ trích cách phát hành của nhà sản xuất. Về nội dung, hai bản phim không có nhiều khác biệt, không nên và không đủ để tách thành hai phim độc lập, vì câu chuyện giống nhau khoảng 80%. Điểm khác lớn nhất giữa hai phim không phải ở nội dung mà về cách dựng. Nếu phim Trịnh Công Sơn khai thác quãng thời gian tuổi trẻ của vị nhạc sĩ, đi theo tuyến thời gian, thì Em và Trịnh liên tục đan xen giữa hiện tại - quá khứ. 
Trịnh Công Sơn (Avin Lu) và Khánh Ly (Bùi Lan Hương) đều xuất hiện trong cả hai bản phim
 
Em và Trịnh có 20% nội dung mới, và mới ở chỗ nàng thơ người Nhật Mikochi Yoshii (do Nakatani Akari thủ vai) xuất hiện. Bản phim dài trọn vẹn hơn vì khai thác Trịnh Công Sơn thời trung niên với những đau đáu khi ông có cảm giác “âm nhạc đã rời bỏ” mình mà đi. Nếu xét về thể loại phim tiểu sử, Em và Trịnh là bản phim hội tụ đủ các yếu tố của dòng phim này. Nhưng giá như nhà sản xuất chỉ tập trung vào một phim, bản phim còn lại, nếu thấy tiếc công làm, có thể phát hành sau theo dạng đính kèm để khán giả gặp gỡ lại các nhân vật thời trẻ, nghe lại nhạc (nếu thích). Sự trùng lặp nội dung giữa hai phim khiến người xem có cảm giác bị mắc lừa. Họ cho rằng nhà sản xuất “bắt cá hai tay”, tham lam và “làm tiền người xem”. 
 
Em và Trịnh là dự án điện ảnh tâm huyết của nhà sản xuất và toàn bộ êkíp thực hiện. Với số tiền đầu tư gần 60 tỷ đồng và 1.000 giờ quay, đây không thể là dự án được làm qua loa hay cẩu thả. Chất lượng phim đã minh chứng công sức mà êkíp đã bỏ ra. Tuy nhiên, cách phát hành phim chưa hợp lý vô tình tạo ra những tranh cãi không đáng có, ảnh hưởng đến tình cảm, sự kỳ vọng của khán giả dành cho dự án. 
 
Việc rút phim Trịnh Công Sơn sau bảy ngày chiếu là quyết định phù hợp, vì cho đến ngày 16/6, phim chỉ thu hơn 2 tỷ đồng, trong khi Em và Trịnh thu về hơn 33 tỷ đồng và đang tiếp tục tăng. Sự cách biệt này cho thấy thái độ và lựa chọn của khán giả, trừ những người muốn xem để so sánh, xem vì tò mò, còn lại, không ai muốn bỏ tiền để xem cùng lúc hai bộ phim không đủ khác biệt, lại được phát hành độc lập. 
 
Theo PNO

Đọc thêm các bài khác